Không nên quá lo lắng về nguy cơ lây nhiễm bạch hầu

Ngày 14-7, trước tình hình dịch bệnh bạch hầu xuất hiện ở một số địa phương và có chiều hướng diễn biến phức tạp, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, cho biết, bệnh bạch hầu đặc biệt nguy hiểm ở nhóm chưa tiêm chủng đầy đủ hoặc mất hiệu lực của vaccine. Nguy cơ tử vong của bệnh bạch hầu là 10%-20%, cao hơn nhiều lần so với Covid-19, nhưng nguy cơ lây nhiễm thấp hơn nhiều do đây là bệnh xuất hiện rải rác, số ca mắc không nhiều nên người dân không nên quá hoang mang, lo lắng.

Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết, bạch hầu có khởi phát bệnh ban đầu giống như: viêm họng, đau họng, ho nhẹ, nuốt khó, nuốt đau. Đa số bệnh nhân dần hồi phục, nhưng có một tỷ lệ nhất định diễn biến nặng lên, trở thành bệnh bạch hầu ác tính. Để phòng tránh bệnh bạch hầu, cần tiêm vaccine ngừa bạch hầu đủ mũi, đúng lịch.

“Cần lưu ý hiệu lực bảo vệ của vaccine bạch hầu ít nhất 10 năm. Sau 10 năm, có một số người hiệu lực sụt giảm có thể bị mắc, cần phải tiêm nhắc lại. Dù vaccine đã đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng, tuy nhiên, có một tỷ lệ nhất định không tiêm đủ 5 mũi, khi tiếp xúc với vi khuẩn bạch hầu vẫn dễ mắc bệnh”, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp nhấn mạnh và khuyến cáo, nếu người dân tiếp xúc với người mắc bệnh bạch hầu thì đến ngay bệnh viện để cách ly, theo dõi, uống kháng sinh dự phòng sẽ giảm rất nhiều nguy cơ biến chứng nặng.

MINH KHANG

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/khong-nen-qua-lo-lang-ve-nguy-co-lay-nhiem-bach-hau-post749328.html