Không phải tăng trưởng, đây mới là điều khiến Trung Quốc 'đau đầu'
Người ta đặt nhiều hy vọng vào việc Trung Quốc mở cửa trở lại sau đại dịch Covid-19 như một biện pháp khắc phục nền kinh tế đang chậm lại. Nhưng khi tăng trưởng kinh tế đang từng bước phục hồi, tỷ lệ thất nghiệp trong giới trẻ lại tăng vọt - một diễn biến đáng lo ngại đối với Trung Quốc.
Thanh niên thất nghiệp nhiều kỷ lục
Vào tháng 4/2023, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên đã đạt mức cao mới và có những dấu hiệu cho thấy tỷ lệ này có thể còn tồi tệ hơn trong những tháng tới khi hàng triệu sinh viên mới tốt nghiệp Đại học sẽ gia nhập thị trường lao động.
CNN ước tính, mùa Hè này, sẽ có khoảng 11,6 triệu sinh viên sẽ tốt nghiệp sẽ tham gia thị trường việc làm vốn đã đông đúc
Ông Bruce Pang, nhà kinh tế trưởng của Greater China tại Jones Lang LaSalle Inc nhận định: "Áp lực từ những sinh viên mới tốt nghiệp đại học sẽ gia tăng vào khoảng tháng 7".
Tháng 4, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên từ 16-24 tuổi ở các khu vực thành thị của Trung Quốc tăng vọt lên 20,4% - mức cao nhất theo dữ liệu chính thức từ năm 2018.
Goldman Sachs Group Inc nhận định, khoảng 6 triệu thanh niên Trung Quốc thất nghiệp, nhiều hơn 3 triệu người so với trước đại dịch Covid-19.
Ở Mỹ, tỷ lệ thất nghiệp của nhóm tuổi 16-24 chỉ là 6,5%, trong khi ở khu vực đồng Euro (Eurozone), tỷ lệ thất nghiệp của người dưới 25 tuổi là 14,3%.
Những người trẻ tuổi chiếm ưu thế trong các công việc trong các ngành dịch vụ, như nhà hàng và bán lẻ - những lĩnh vực đã bị ảnh hưởng nặng nề trong đại dịch, khi Trung Quốc áp dụng các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt như phong tỏa và cách ly tại nhiều thành phố để hạn chế lây nhiễm.
Năm ngoái, tăng trưởng kinh tế Trung Quốc đã chậm lại và ở mức 3%.
Trong những năm gần đây, việc Bắc Kinh siết chặt quy định trong lĩnh vực giáo dục, công nghệ và bất động sản dẫn đến tình trạng mất việc làm trên quy mô lớn, khiến những lĩnh vực này trở nên ít có lựa chọn khả thi hơn đối với những người tìm việc trẻ tuổi và đầy tham vọng.
Ngoài yếu tố nói trên, tỷ lệ thất nghiệp cũng đang gia tăng do những thay đổi về dân số. Trung Quốc hiện có nhiều sinh viên tốt nghiệp Đại học hơn bao giờ hết và nhiều người miễn cưỡng nhận các công việc trong nhà máy với thời gian dài, với mức lương thấp, thay vì chọn công việc phù hợp với kỹ năng.
Theo ông Louis Kuijs, nhà kinh tế trưởng khu vực châu Á Thái Bình Dương tại S&P Global Ratings, nhiều công ty vẫn thận trọng về việc tăng chi tiêu vốn hoặc thuê thêm người. Ông chỉ ra rằng, “áp lực lên lợi nhuận của doanh nghiệp và đà phục hồi không chắc chắn của nền kinh tế" là những yếu tố chính.
Còn ông Duncan Wrigley, nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc tại Pantheon Macroeconomics thì cho rằng, tỷ lệ thanh niên thất nghiệp gia tăng là do “sự không phù hợp về kỹ năng” trong thị trường lao động.
Ông Wrigley nói: “Sự phục hồi kinh tế bền vững là 'liều thuốc' tốt nhất cho tâm lý của khu vực tư nhân. Chính phủ có thể làm nhiều hơn nữa trong việc thúc đẩy các cải cách dựa trên thị trường để tiếp thêm sức sống mới cho nền kinh tế. Điều này sẽ cho phép khu vực tư nhân tạo ra nhiều việc làm chất lượng cao hơn trong dài hạn, từ đó, có thể giải bài toán thất nghiệp cho thanh niên".
Chính phủ nỗ lực tạo việc làm
Thất nghiệp gia tăng có nghĩa là thu nhập của những người trẻ tuổi ít hơn và giảm chi tiêu cho những mặt hàng như điện thoại di động, hoạt động giải trí và du lịch. Điều này sẽ làm giảm sản lượng kinh tế.
Mặc dù rất khó để định lượng, theo Bloomberg, những người trẻ tuổi ở Trung Quốc là động lực quan trọng của mức tiêu dùng chung trong nền kinh tế. Tỷ lệ thất nghiệp cao ảnh hưởng đến niềm tin vào nền kinh tế và có thể làm suy giảm năng suất nếu tình trạng này kéo dài.
Ở Trung Quốc, thất nghiệp cũng đang thúc đẩy sự bất mãn xã hội trong giới trẻ. "Tang ping" hay còn được gọi là "triết lý nằm yên" là cụm từ được nhắc tới với tần suất cao thời gian gần đây trên mạng Internet Trung Quốc.
Xu hướng này ám chỉ lối sống chỉ nằm một chỗ. Thay vì làm việc và lao động nâng cao năng suất xã hội; thay vì cố gắng hướng tới học hành chăm chỉ, mua nhà hoặc lập gia đình; lối sống này cổ súy cho việc từ bỏ hết các mục tiêu và đơn giản là nằm yên một chỗ.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã công khai lên án lối sống này: "Cần phải ngăn chặn sự trì trệ của các giai cấp xã hội, thúc đẩy sự dịch chuyển đi lên của xã hội, tạo cơ hội cho nhiều người trở nên giàu có hơn, và cải tiến một môi trường mà trong đó mọi người đều tham gia, tránh việc chỉ nằm yên một chỗ".
Thời gian qua, Bắc Kinh đang thúc đẩy các công ty nhà nước tuyển dụng nhiều sinh viên mới ra trường hơn bằng việc trợ cấp cho các doanh nghiệp để tuyển dụng những người trẻ tuổi và cố gắng thúc đẩy giáo dục nghề nghiệp để giải quyết tình trạng chênh lệch kỹ năng trong nền kinh tế.
Tháng trước, nước này cũng đã công bố một kế hoạch chi tiết đưa ra các biện pháp mở rộng tuyển dụng và cung cấp các khoản trợ cấp cho người sử dụng lao động để khuyến khích họ tuyển dụng nhiều hơn.
Chính quyền tỉnh Quảng Đông thì đưa ra giải pháp, sẽ đưa 300.000 người thất nghiệp về quê trong hai, ba năm để tìm việc làm.
Ông Michael Hirson, trưởng bộ phận nghiên cứu Trung Quốc tại 22V Research viết trong một báo cáo nghiên cứu rằng, những động thái nói trên cho thấy, chính phủ đang tập trung vào “các giải pháp hành chính trực tiếp và mang tính cấu trúc” thay vì “dựa vào các biện pháp kích thích trên diện rộng để cố gắng thu hút việc làm”.
Tuy nhiên, Bloomberg nhận định, xét cho cùng, việc tạo ra việc làm sẽ phụ thuộc vào sự tăng trưởng mạnh mẽ hơn của nền kinh tế, đặc biệt là trong các ngành dịch vụ, nơi những người trẻ tuổi chiếm ưu thế. Mặc dù hoạt động kinh doanh và tiêu dùng đã phục hồi kể từ khi nền kinh tế lớn thứ hai mở cửa trở lại, nhưng chi tiêu vẫn chưa trở lại mức trước đại dịch.
Các doanh nghiệp tư nhân sẽ cần cảm thấy tự tin hơn về triển vọng tăng trưởng, trước khi họ đầu tư và mở rộng lực lượng lao động.