Khu Di tích lịch sử văn hóa và kiến trúc nghệ thuật Đền Bà Triệu (Bài 1): Vẻ đẹp và giá trị của quần thể di tích quốc gia đặc biệt

Di sản văn hóa là tài sản vô giá, được tích lũy qua nhiều thế hệ và là biểu hiện sống động về sự đa sắc, giàu giá trị của nền văn hóa một dân tộc. Nằm trong hệ thống di tích quốc gia, Di tích quốc gia đặc biệt Đền Bà Triệu - với các giá trị về kiến trúc, nghệ thuật và cảnh quan sinh thái - được xem là minh chứng điển hình cho tinh thần sáng tạo và truyền thống văn hóa đậm đà bản sắc của dân tộc Việt Nam.

Đền thờ Bà Triệu nhìn từ trên cao.

Cuộc khởi nghĩa Bà Triệu (năm 248) đã làm lung lay tận gốc rễ ách đô hộ tàn bạo của nhà Ngô. Mặc dù thất bại, song cuộc khởi nghĩa là minh chứng hùng hồn cho tinh thần kiên cường, bất khuất của dân tộc ta trước các thế lực ngoại xâm. Đồng thời, cuộc khởi nghĩa đã thêm vào trang sử vàng dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam một tên tuổi lớn: “Tùng sơn nắng quyện mây trời/ Dấu chân Bà Triệu rạng ngời sử xanh”. Để tưởng nhớ công đức của Bà Triệu, Nhân dân đã lập đền thờ Bà dưới chân núi Gai; xây lăng, dựng tháp trên đỉnh núi Tùng. Đặc biệt, người dân làng cổ Phú Điền còn tôn Bà là Thần Hoàng làng và thờ tại đình làng.

Khu di tích lịch sử văn hóa và kiến trúc nghệ thuật Đền Bà Triệu là sự kết hợp giữa các công trình kiến trúc nghệ thuật có giá trị thẩm mỹ đặc sắc, với cảnh quan thiên nhiên hài hòa, tươi đẹp. Quần thể này bao gồm các hạng mục công trình liên quan đến cuộc khởi nghĩa Bà Triệu và nơi thờ tự Bà, bao gồm: Đền Bà Triệu; lăng mộ Bà Triệu; mộ ba ông tướng họ Lý; miếu Bàn Thề; đình Phú Điền và đền Đệ Tứ. Toàn bộ quần thể di tích được quy hoạch trên diện tích 3,8 ha, thuộc địa phận xã Triệu Lộc (Hậu Lộc). Trong đó, nổi bật và giàu giá trị nhất là Đền Bà Triệu. Có nhận định cho rằng, về lịch sử xây dựng, Đền Bà Triệu phải có trước năm 549 và Bà cũng là người phụ nữ phong kiến Việt Nam đầu tiên được phong Thần. Về sau Bà còn được các triều đại phong kiến Việt Nam thời Lê - Nguyễn sắc phong thần linh và là Phúc thần của làng Phú Điền.

Tương truyền, vào thời vua Lý Nam Đế (542-548) trong lần thân chinh đi đánh giặc Lâm Ấp xâm chiếm bờ cõi phương Nam, nhà vua đã vào đền khẩn cầu Bà phù hộ. Ngày thắng giặc trở về, vua đã trở lại đền thờ để tạ ơn rồi cấp tiền cho dân làng Bồ Điền tu sửa, mở rộng đền thờ cho bền vững, đồng thời tôn Bà Triệu là “Bậc chính anh liệt hùng tài chinh nhất phu nhân”. Tài liệu “Từ điển di tích văn hóa Việt Nam” còn cho biết thêm: “Đến thời Lê Trung hưng do binh hỏa, đền bị hư hỏng nặng. Đến thời Nguyễn mới tu sửa lại”. Ngày 28-7-2003, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã có thông báo kết luận tại Văn bản số 2748/TB-UB về việc lập quy hoạch và dự án đầu tư tôn tạo di tích Bà Triệu. Năm 2005, dự án được phê duyệt và tiến hành thi công; đến năm 2008, công trình hoàn thành.

Như vậy, trải qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo, đền Bà Triệu mới có được diện mạo như hiện nay. Đền được xây dựng theo kiến trúc “nội công ngoại quốc”, hướng về phía Bắc. Đi từ ngoài vào trong, đền thờ bao gồm các công trình: Nghi môn ngoại (cổng ngoại); hồ sen hình chữ nhật; bình phong; nghi môn trung (cổng trung); sân dưới; nghi môn nội; sân trên (hai bên sân có nhà Tả mạc - Hữu mạc); tiền đường; sân thượng; trung đường; sân thiên tỉnh và Hậu cung. Trong đó, tiền đường là một trong ba điện thờ chính, được cấu trúc 3 gian 2 chái. Trung đường được cấu trúc 5 gian, 2 tầng mái cong; trên hương án treo bức đại tự “Thánh cung vạn tuế”; hai bên cột cái có câu đối: “Tượng đài kim hạt sanh Ngô tướng/ Cổn Vũ Long chương hộ quốc thần” (dịch nghĩa: Lúc bình sinh áo vàng cưỡi trên đầu voi là tướng đánh giặc Ngô/ Khi mất hóa thần, mình khoác áo Long Cổn, là vị thần bảo vệ cho đất nước); còn cột quân cũng có đôi câu đối: “Nữ thủ quân qua danh trấn cổ/ Tượng đầu trước lũ tích ô kim (dịch nghĩa: Nữ hào kiệt xuất quân ra trận tiếng tăm chấn động năm xưa/ Ngự trên đầu voi dẹp giặc chứng tích còn đến ngày nay).

Hậu cung là công trình có địa thế cao nhất, dựa lưng vững chãi vào núi Gai, là công trình kiến trúc gỗ 3 gian 2 chái, hai tầng mái cong. Bài trí đồ thờ ở đây khá phong phú: Ở gian giữa đặt hương án sơn son thếp vàng, phía trên đặt long ngai bài vị Bà Triệu, thẻ bài, mũ bằng đồng lá, đôi hài đồng, 1 bát hương bằng đất nung, 1 kiếm đồng, một lô nhang đồng loại lớn và một quả chuông đồng; hai bên hương án là Lọng thờ. Ở gian ngoài đặt phỗng đá, hạc chầu, bộ chấp kích, đỉnh đồng. Gian bên tả thờ mẫu thân, gian bên hữu thờ phụ thân của Bà. Tại các gian đặt hương án thờ đều gắn các bộ cửa võng được chạm trổ tinh xảo, khiến hậu cung càng thêm linh thiêng và lộng lẫy. Đặc biệt, ở đây có một số câu đối, đại tự có nội dung nêu gương sáng và ngợi ca công đức của Bà Triệu. Nổi bật là bức đại tự “Thượng đẳng đại vương”; cột cái treo đôi câu đối gỗ “Khí vi hòa nhạc trung chung tú/ Đức phối càn khôn nhất dĩ linh (dịch nghĩa: Khí là sự chung đúc tinh tú của núi cao và sông sâu/ Đức sánh với sự linh thiêng bậc nhất của trời đất); cột quân có câu “Khí thế anh linh sinh bất ngẫu/ Dũng lược hùng tài xuất trung lưu (dịch nghĩa: Khí thế anh linh lúc sống không phải là sự ngẫu nhiên/ Dũng lược hùng tài, bậc hào kiệt sinh ra từ nữ giới); câu đối gỗ ở cột quân sau: “Thiên thượng tinh anh vạn nhận bích phong hiển thánh/ Nữ trung hào kiệt thiên thu bạch tượng truyền thần" (dịch nghĩa: Tinh anh ở trên trời, muôn thuở gió xanh hiển thánh/ Nữ trung hào kiệt nghìn năm voi trắng truyền thần)...

Nghi môn nội trong Di tích đền Bà Triệu.

Cách đền Bà Triệu khoảng 500m về phía Tây là khu lăng mộ của Bà và mộ ba ông tướng họ Lý. Khu lăng mộ tọa lạc trên đỉnh núi Tùng (Tùng Sơn), một ngọn núi vừa có đá vôi lẫn đồi đất thuộc dãy núi Tam Đa, chạy theo hướng Tây Bắc và nằm ở phía Tây xã Triệu Lộc. Lăng mộ được bao phong thành mộ nổi, có tường hoa vây quanh theo đồ án hình vuông. Trước năm 2005, khi chưa trùng tu, tôn tạo thì tổng thể khu lăng mộ được xây dựng bằng gạch, gồm các công trình như ngôi tháp hình trụ vuông ba tầng bằng gạch, có chiều cao 3,5m; chếch về phía Tây Bắc là ngôi mộ gạch, cấu trúc hình trụ vuông bốn mặt, gồm có thân mộ và đế mộ. Dựa theo hình dáng và dấu vết kiến trúc, người ta cho rằng khu lăng mộ này được xây dựng khoảng đầu thế kỷ XX. Tại đây có đôi câu đối khắc vào đá “Giang sơn hữu chủ/ Phong nguyệt vô biên” (dịch nghĩa: Núi sông có chủ/ Trăng gió vô cùng). Năm 2005, lăng mộ Bà Triệu được trùng tu theo đồ án thiết kế do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phê duyệt. Trên cơ sở giữ nguyên hình dáng kiến trúc của mộ và tháp cũ, thay đổi từ vật liệu gạch trát vữa vôi sang đá nguyên khối; đồng thời, khu lăng mộ Bà Triệu và ba anh em họ Lý được quy hoạch thành một tổng thể thống nhất. Khu vực tâm linh này được bao bọc bởi hệ thống cây xanh bốn mùa, tạo nên khung cảnh vừa tĩnh lặng, vừa hữu tình.

Khu di tích lịch sử văn hóa và kiến trúc nghệ thuật Đền Bà Triệu là một quần thể những công trình có giá trị về kiến trúc nghệ thuật và cảnh quan sinh thái và là nơi thờ tự, tưởng nhớ công lao của tiền nhân trong công cuộc chống ngoại xâm thời đầu Bắc thuộc. Không những thế, những tài liệu, hiện vật còn được bảo lưu trong di tích còn giúp hậu thế hiểu rõ hơn về nguồn gốc, quá trình hình thành phát triển, truyền thống văn hóa, kinh tế của làng Phú Điền - một làng Việt cổ có lịch sử lâu đời. Đồng thời, đó cũng là nguồn tài liệu quý giúp cho việc nghiên cứu tín ngưỡng, phong tục, tập quán, đời sống văn hóa tinh thần của cộng đồng văn hóa làng xã trong sự phát triển của lịch sử dân tộc. Với các giá trị về lịch sử, văn hóa và khoa học, năm 2014 quần thể di tích Đền Bà Triệu đã được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật quốc gia đặc biệt. Đây là niềm vinh dự, tự hào của người dân xứ Thanh. Bởi sự vinh danh này một lần nữa góp phần khẳng định, xứ Thanh là một trong những cái nôi di sản của đất nước.

Bài và ảnh: Khôi Nguyên

(Bài viết có sử dụng một số thông tin trong cuốn “Lý lịch di tích lịch sử, văn hóa và kiến trúc nghệ thuật Khu Di tích Bà Triệu, xã Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa”).

Bài 2: Bảo tồn và phát huy giá trị di tích: Trách nhiệm của hậu thế.

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/van-hoa-giai-tri/khu-di-tich-lich-su-van-hoa-va-kien-truc-nghe-thuat-den-ba-trieu-bai-1-ve-dep-va-gia-tri-cua-quan-the-di-tich-quoc-gia-dac-biet/180211.htm