'Khu vườn trên mây' đủ loại rau của chàng trai trong dịch

Tranh thủ lúc ở nhà giãn cách, Hoàng Anh cải tạo không gian đơn điệu trong nhà thành nơi trồng rau củ, vừa tạo nguồn thực phẩm cho bản thân vừa là nơi thư giãn.

Khoảng một tuần trở lại đây, mâm cơm của Phạm Hoàng Anh, sống tại TP Đà Lạt, xuất hiện những đĩa rau củ xanh tươi, ngon mắt. Không tốn tiền mua, tất cả được thu hoạch từ “khu vườn trên mây” - cách anh gọi khu sàn gỗ nhỏ phía sau nhà được cải tạo thành nơi đặt các chậu trồng cây, rau.

“Ăn những thứ mình tự trồng được, ngoài cảm giác ngon miệng khó tả, tôi cũng thấy yên tâm về độ sạch sẽ, có cả phần tự hào và thích thú. Trong những ngày giãn cách xã hội, thử sức với việc trồng trọt là quyết định rất đúng đắn của tôi”, Hoàng Anh nói với Zing.

Sở thích mới

Kinh doanh quán cà phê, homestay, từ khi dịch bệnh tái bùng phát, công việc của Hoàng Anh bị ảnh hưởng nặng. Chủ yếu dành thời gian ở nhà, chàng trai Đà Lạt muốn làm gì đó đổi mới không gian sống.

Để ý sau nhà có khu sàn gỗ rộng khoảng 10 m2, vốn là nơi đặt một chiếc bàn nhỏ ngồi thư giãn hoặc làm việc ngoài trời, Hoàng Anh nảy ra ý tưởng cải tạo nó thành nơi trồng rau củ.

“Tôi thấy vừa rồi giá thực phẩm có nhiều biến động do dịch bệnh. Do vậy, thay vì hoa cỏ chỉ để ngắm, tôi quyết định trồng một số loại rau, vừa đẹp, bền lại ăn được. Thịt, trứng tôi thường đặt giao từ siêu thị, nên nếu có thêm rau tự trồng, tôi sẽ không cần ra khỏi nhà nhiều, đảm bảo giãn cách phòng dịch”.

 Khu vườn nhỏ của Hoàng Anh tràn ngập các loại rau củ.

Khu vườn nhỏ của Hoàng Anh tràn ngập các loại rau củ.

Sẵn một số tấm gỗ còn thừa từ đợt làm sàn nhà, ông chủ homestay tự đóng thành các bồn gỗ lớn nhỏ làm nơi gieo trồng. Để giữ được nước, phân bón, anh lót một lớp nylon mỏng trước khi đổ đất vào. Ngoài ra, một số sọt tre, giỏ xách không dùng tới cũng được anh tận dụng.

Tùy diện tích từng bồn, Hoàng Anh phân bố các loại rau có kích thước phù hợp như cải kale, cải cầu vồng, xà lách, cần tây, hẹ, ớt, bí ngòi, dưa peptino và rau thơm.

Ở khu đất trống rộng khoảng 6 m2 sát sàn gỗ, Hoàng Anh trồng thêm một số loại cây chịu mưa hơn như dưa chuột, mướp đắng, cà tím, su hào. Phần khung tường rào bao quanh cũng đều được anh sử dụng vật liệu thân thiện môi trường như củi khô nhặt trong rừng.

Khu vườn được Hoàng Anh hoàn thiện dần trong khoảng một tháng.

Khu vườn được Hoàng Anh hoàn thiện dần trong khoảng một tháng.

“Vì không có nhiều kinh nghiệm, tôi ưu tiên trồng các loại rau dễ sống, mùi vị quen thuộc. May mắn quen một số anh chị làm nông, tôi nhờ họ tư vấn cách ươm mầm, chăm bón”.

Hoàng Anh bắt đầu triển khai ý tưởng từ đầu tháng 7, tranh thủ thời gian cuối giờ chiều mỗi ngày, vừa đóng bồn vừa bắt đầu ươm cây con. Sau khoảng một tháng, vườn rau dần hoàn thiện cũng là lúc những mầm xanh lớn dần.

Thú vui trong dịch

Vì lần đầu tự chăm sóc nhiều loại cây rau, Hoàng Anh háo hức nhưng cũng khá lo lắng. Đều đặn mỗi bữa, anh ra kiểm tra, tưới nước.

“Thời gian đầu, có một số loại rau xuất hiện sâu, bọ ăn lá. Lúc đó, tôi khá cuống, sợ cây hỏng mất, nhanh chóng tham khảo trên mạng và từ người quen cách trị. May mắn là sau đó tình trạng đỡ hơn rất nhiều”.

 Ngoài cung cấp rau củ, khu vườn còn khiến Hoàng Anh cảm thấy thư giãn trong thời gian ở nhà giãn cách.

Ngoài cung cấp rau củ, khu vườn còn khiến Hoàng Anh cảm thấy thư giãn trong thời gian ở nhà giãn cách.

Không uổng công chăm sóc, những loại rau Hoàng Anh trồng bắt đầu cho thu hoạch sau hơn một tháng gieo trồng. Ngoài tự cung cấp thực phẩm tươi cho bản thân, anh còn đủ tặng một số bạn bè thân thiết.

Dần dần, việc chăm sóc những bồn rau củ cũng trở thành thói quen và thú vui mới của chàng trai Đà Lạt. Nhìn chúng lớn lên từng ngày, anh vừa có cảm giác tự hào vừa như được tiếp thêm năng lượng, sự lạc quan trong đại dịch.

“Hiện, tôi tập trung chăm sóc tốt những loại rau củ đang có sẵn. Đợi khi tàn vụ, có lẽ tôi sẽ thử sức với một số loại mới lạ hơn song mục đích chính vẫn là tự sản xuất rau để sử dụng và đổi mới không gian gia đình”.

Mai An

Ảnh: NVCC

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/khu-vuon-tren-may-du-loai-rau-cua-chang-trai-trong-dich-post1260445.html