Khủng hoảng 'Made in China' đe dọa ngành ô tô

Xu hướng xuất khẩu ô tô điện (EV) từ Trung Quốc, kết hợp với chủ nghĩa bảo hộ ngày càng gia tăng, báo hiệu một năm tái cơ cấu đầy khó khăn đang chờ đợi ngành công nghiệp ô tô toàn cầu.

Khi thương hiệu Jaguar khởi động chiến dịch tái định vị với khẩu hiệu "copy nothing" vào cuối năm ngoái, một người yêu xe đã bình luận trên nền tảng mạng xã hội X: “Cái quái gì thế này?” Đáp lại, Jaguar tuyên bố: “Đây là tương lai”.

 Trung tâm trưng bày ô tô Volkswagen tại Autostadt, biểu tượng công nghệ hiện đại. Ảnh: Bloomberg

Trung tâm trưng bày ô tô Volkswagen tại Autostadt, biểu tượng công nghệ hiện đại. Ảnh: Bloomberg

Liệu điều đó có thành hiện thực hay không vẫn còn là câu hỏi, nhưng ít nhất đoạn quảng cáo kỳ lạ và gây bối rối ấy cũng đã làm dấy lên sự tò mò về những gì đang chờ đợi ngành công nghiệp ô tô toàn cầu.

Jaguar - một thương hiệu danh tiếng nhưng đang chật vật của Anh, thuộc sở hữu của Tata Motors (Ấn Độ) đã từ bỏ các giá trị truyền thống thông qua đoạn video dài 30 giây, với các hình ảnh người mẫu nhưng hoàn toàn không có bóng dáng một chiếc xe nào.

Video này đánh dấu một hướng đi mới của Jaguar: tập trung vào xe điện cao cấp. Mẫu concept Type 00 đã được công bố tại Miami ngay sau đó, nhận được nhiều phản ứng trái chiều. Ngay cả Elon Musk cũng phải lên tiếng bình luận.

Hai “thiên thạch” va vào ngành công nghiệp ô tô

Ngành ô tô hiện đối mặt với hai tác động lớn: sự bùng nổ của các nhà sản xuất Trung Quốc và xu hướng điện khí hóa.

Trung Quốc, nhờ chiến lược đầu tư mạnh mẽ vào năng lực sản xuất, hiện có thể chế tạo hơn 50 triệu xe du lịch mỗi năm, gấp đôi nhu cầu nội địa và đủ để đáp ứng hơn một nửa nhu cầu toàn cầu.

Các liên doanh giữa các hãng nước ngoài và đối tác Trung Quốc từng là cỗ máy tăng trưởng suốt hàng thập kỷ nay đã sụp đổ, minh chứng rõ ràng qua khoản lỗ 5 tỷ USD của General Motors (GM) tại Trung Quốc. Xuất khẩu xe của Trung Quốc đã tăng vọt lên 6 triệu chiếc vào năm ngoái, vượt qua cả Nhật Bản.

Đồng thời, Trung Quốc đã khẳng định vị thế là “thủ phủ” của ngành xe điện, chiếm tới hai phần ba doanh số toàn cầu và hơn 90% mức tăng trưởng trong năm 2023. Tuy nhiên, sản lượng 11,2 triệu xe điện bán ra tại Trung Quốc chỉ chiếm khoảng một nửa công suất sản xuất của nước này.

Chính trị và bảo hộ thương mại gia tăng áp lực

Không quốc gia nào có thể ngồi yên nhìn ngành công nghiệp chiến lược bị áp đảo bởi các sản phẩm nhập khẩu giá rẻ từ một quốc gia đã phát triển vượt bậc nhờ các chính sách chiến lược và trợ cấp quy mô lớn.

Mỹ đã nhanh chóng dựng lên hàng rào thuế quan đối với xe điện nhập khẩu từ Trung Quốc, và khả năng các biện pháp này sẽ còn gia tăng dưới chính quyền mới của Tổng thống đắc cử Donald Trump. Châu Âu, mặc dù phụ thuộc nhiều vào thương mại với Trung Quốc, cũng đã nâng thuế đối với xe điện Trung Quốc vào năm ngoái.

Song, chủ nghĩa bảo hộ đi kèm với cái giá phải trả. Các hãng như Ford và GM đã rút khỏi nhiều thị trường, tập trung vào Mỹ - nơi nhu cầu chủ yếu nằm ở các dòng xe bán tải và SUV cỡ lớn. Tuy nhiên, đây là thị trường đã bão hòa, với mức giá trung bình tăng vọt sau đại dịch lên gần 50.000 USD, nhưng doanh số xe bán ra vẫn trì trệ.

Cơ hội và thách thức phía trước

Dư thừa công suất sản xuất tại Mỹ cùng với sự cạnh tranh khốc liệt từ các hãng xe Trung Quốc đang buộc các hãng ô tô lớn phải tái cơ cấu.

Các thương hiệu như Nissan đang chịu áp lực lớn nhất, với khoản lỗ do cạnh tranh giá rẻ và phải đối mặt với một bức tường nợ đáo hạn. Hãng này đã thảo luận với Honda về khả năng sáp nhập, trong bối cảnh xuất hiện sự quan tâm từ Foxconn, nhà sản xuất iPhone nổi tiếng của Đài Loan.

Ngay cả những ông lớn như Tesla cũng không tránh khỏi thách thức. Với mức vốn hóa thị trường đạt kỷ lục 1,5 nghìn tỷ USD, công ty của Elon Musk đang phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt và lợi nhuận giảm sút tại Trung Quốc.

Trong khi đó, các hãng xe như Jaguar đặt cược vào các mẫu xe điện cao cấp, nhưng cũng đối mặt với áp lực cắt giảm chi phí hoặc thậm chí là khả năng phải tái cấu trúc toàn bộ doanh nghiệp.

Ngành công nghiệp ô tô toàn cầu đang bước vào một giai đoạn chuyển đổi sâu sắc. Cắt giảm chi phí, sáp nhập và những xung đột thương mại mới là điều khó tránh khỏi. Thách thức và cơ hội sẽ cùng song hành, nhưng một điều chắc chắn: tương lai của ngành ô tô đã bắt đầu.

Hải Hà (Theo Bloomberg)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/khung-hoang-made-in-china-de-doa-nganh-o-to-post328844.html