Khuổi Bốc kết đoàn

Là thôn khó khăn nằm trong xã vùng cao đặc biệt khó khăn, thế nhưng Khuổi Bốc, xã Trung Minh (Yên Sơn) với 7 dân tộc anh em cùng nhau chung sống đã lấy chính điểm giao thoa văn hóa làm cội nguồn chung của tình đoàn kết. Sinh sống cùng nhau trên một mảnh đất, dưới những tán rừng, uống chung một dòng nước, bà con dân tộc thiểu số bao đời nay lấy 'đoàn kết' là điểm tựa để vun đắp cho tình làng nghĩa xóm bền chặt.

Văn hóa là điểm tựa tinh thần

Khuổi Bốc nằm cách trung tâm xã Trung Minh khoảng 3 km, đường vào thôn rợp bóng xanh mát với xung quanh là vút cao đại ngàn. Nơi đây có 7 anh em dân tộc cùng nhau chung sống là Dao, Mông, Pà Thẻn, Tày, Thái, Nùng, Kinh. Lớp truyền dạy nâng cao chất lượng nghệ thuật bảo tồn và phát huy bản sắc dân tộc thiểu số thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được khai giảng vào một ngày cuối thu thu hút đông đảo học viên tham gia, trong đó học viên trẻ tuổi nhất năm nay mới 15 tuổi. Lớp học là nơi gặp gỡ, giao thoa văn hóa, phát triển hơn nữa tình cảm chan hòa, gắn bó giữa các dân tộc.

Bí thư Chi bộ thôn Đặng Văn Chuyên cười bảo, bà con nơi đây vẫn còn giữ được những nét đẹp văn hóa riêng của dân tộc mình. Đó là những bộ trang phục truyền thống cầu kỳ, công phu của người Dao Ô Gang, người Mông Trắng vẫn được chính tay những người phụ nữ khéo léo trong thôn làm nên… Không chỉ thông thạo tiếng nói dân tộc mình, bà con còn nói được tiếng phổ thông và hiểu được tiếng nói của dân tộc khác. Đó là ý nghĩa của việc bà con nhân dân các dân tộc bao đời nay chung sống, cùng đùm bọc lẫn nhau, tôn trọng phong tục tập quán, bản sắc riêng có của nhau.

Bà con các dân tộc ở Khuổi Bốc tham gia lớp học bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

Bà con các dân tộc ở Khuổi Bốc tham gia lớp học bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

Trước đây, Câu lạc bộ “Giữ gìn, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số” thôn Khuổi Bốc được thành lập đã góp phần bảo tồn, gìn giữ và phát huy những nét đẹp, giá trị văn hóa của các dân tộc trong thôn. Từ khi lớp học truyền dạy văn hóa các dân tộc được khai giảng với những hạt nhân văn nghệ của thôn tham gia, các thành viên đã được học cách xây dựng các tiết mục biểu diễn, lựa chọn chủ đề, diễn viên, tìm hiểu nét đẹp văn hóa của các dân tộc khác và phát huy giá trị tinh hoa của dân tộc mình. Các học viên còn được học hát Then, đàn Tính, múa khèn Mông, trình diễn phân đoạn của lễ Cấp sắc người Dao, tìm hiểu nét tương đồng, sự giao thoa văn hóa giữa các dân tộc từ đó thêm gắn bó, yêu thương, đoàn kết với nhau.

Với bà con nhân dân Khuổi Bốc, đời sống văn hóa tinh thần gắn liền với đời sống phát triển kinh tế và đảm bảo an ninh, trật tự xã hội. Sự giao thoa văn hóa làm những quy tắc, phong tục, tập quán trở nên “mềm mại” hơn. Văn hóa tinh thần phát triển tạo động lực, sức mạnh để bà con nỗ lực phát triển kinh tế, nâng cao đời sống, xây dựng nét đẹp riêng có cho quê hương.

Người Dao Ô Gang ở Khuổi Bốc giữ nét đẹp trang phục truyền thống.

Người Dao Ô Gang ở Khuổi Bốc giữ nét đẹp trang phục truyền thống.

Vững tin theo Đảng

Trong xanh mát đại ngàn và nắng vàng rực rỡ cuối thu, những bộ trang phục truyền thống của các dân tộc dường như cũng trở nên lấp lánh hơn dưới con đường mới được bê tông hóa. Trưởng thôn Ma Thị Thực bảo rằng, trước đây, đường vào khu Tát Lợi - khu đồng bào dân tộc Mông sinh sống - còn nhiều khó khăn. Thế nên việc đi lại học tập của các cháu thiếu nhi cũng hạn chế, bà con phát triển kinh tế cũng khó mà thuận lợi.

Khi có chủ trương làm đường của Nhà nước, bà con trong thôn tích cực tham gia góp công góp sức để hoàn thiện trên 700 m tuyến đường. Khi có công việc chung, tinh thần đoàn kết vẫn luôn được phát huy như thế. Như năm 2023, bà con Khuổi Bốc còn phối hợp với bà con thôn Bản Pài bê tông hóa 200 m đường bê tông nội đồng. Bà con cũng tham gia đóng góp tiền của, ngày công lao động để đổ đường bê tông vào khu sản xuất Khuổi Dài với tổng chiều dài 150 m.

Cô giáo Chu Thị Hồng Thắm đã có 3 năm liên tiếp gắn bó với điểm trường Khuổi Bốc vì được phụ huynh con em các dân tộc ưu ái lựa chọn. Cô Thắm chia sẻ, khi đến từng nhà vận động các em đi học, vận động phụ huynh vững tin theo Đảng mới thấu hiểu được hoàn cảnh của từng gia đình. Các tuyến đường trong thôn được bê tông tạo điều kiện thuận lợi để phụ huynh cho con đi lại học tập, bà con yên tâm phát triển kinh tế.

Niềm vui của bà con người Mông ở Khuổi Bốc trên con đường mới được bê tông hóa.

Niềm vui của bà con người Mông ở Khuổi Bốc trên con đường mới được bê tông hóa.

Những năm trước đây, đời sống ở Khuổi Bốc còn nhiều khó khăn, một số khu vực bà con sống biệt lập tạo cơ hội cho những thế lực xấu tìm cách lôi kéo, kích động, đưa những thông tin sai sự thật, phá hoại chính sách đại đoàn kết của dân tộc, đi ngược lại chủ trương, chính sách của Nhà nước. Trẻ em đến tuổi không được đi học, thanh niên không tham gia sản xuất phát triển kinh tế thậm chí quay lưng với các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, địa phương…

Thế nhưng đó là câu chuyện trước đây. Với tinh thần vào cuộc cũng như quyết tâm của cả hệ thống chính trị, người dân Khuổi Bốc đã thay đổi suy nghĩ, nỗ lực tham gia phát triển kinh tế, phát huy các giá trị tốt đẹp của dân tộc mình. Các hoạt động văn hóa chung của thôn, xã như các ngày hội, liên hoan văn nghệ, giao lưu thể thao… đã góp phần làm cho bà con Khuổi Bốc nói riêng và bà con nhân dân các dân tộc ở Trung Minh xích lại gần nhau hơn.

Đến nay, đời sống của bà con đã được cải thiện, trẻ em đến tuổi được đi học, thanh thiếu niên trong độ tuổi lao động tích cực đi làm ở các công ty, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, đi xuất khẩu lao động, trên 95% các hộ gia đình có tivi, điện thoại thông minh để tiếp cận thông tin phục vụ đời sống…

Chủ tịch UBND xã Trung Minh Lý Thị Thu Hằng khẳng định, việc thường xuyên gần gũi, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của bà con trong tất cả các công việc chung, những sinh hoạt hàng ngày như vệ sinh đường làng ngõ xóm, bê tông hóa đường giao thông, làm nương rẫy, bảo vệ rừng, treo cờ Tổ quốc vào dịp lễ, Tết, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao… chính là cách để cán bộ xã, cán bộ thôn bản tháo gỡ những khó khăn, tạo niềm tin yêu và động lực với bà con nhân dân. Đó cũng là cách để đưa chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước trở nên gần gũi, để người dân thêm tin vào Đảng, Nhà nước, chính quyền và cán bộ địa phương.

Thùy Lê

Nguồn Tuyên Quang: http://baotuyenquang.com.vn/khuoi-boc-ket-doan-200640.html