Khuyến công đồng hành cùng cơ sở công nghiệp nông thôn Quảng Ninh

Những năm qua, nguồn kinh phí khuyến công quốc gia và địa phương đã được Quảng Ninh tập trung thực hiện nhiều đề án nhằm đồng hành cùng sơ sở công nghiệp nông thôn trong ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến vào sản xuất... Qua đó đã mang lại hiệu quả thiết thực, giúp các cơ sở công nghiệp nông thôn phát triển, nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ.

Hoạt động khuyến công tại Quảng Ninh đã được triển khai tích cực. Ảnh: internet

Hoạt động khuyến công tại Quảng Ninh đã được triển khai tích cực. Ảnh: internet

Để chính sách khuyến công đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả, thời gian qua, Quảng Ninh đã tập trung hỗ trợ xây dựng, phát triển thương hiệu, nhãn hiệu cho công nghiệp chế biến sản phẩm công nghiệp nông thôn, phát triển nghề truyền thống, cơ khí, ưu tiên cho những ngành nghề tạo nhiều việc làm, cơ sở công nghiệp sử dụng nhiều lao động...

Thực hiện công tác khuyến công, hằng năm, Trung tâm Xúc tiến và Phát triển công thương Quảng Ninh đều rà soát, xem xét và lựa chọn các sản phẩm đảm bảo yêu cầu về chất lượng, số lượng, mẫu mã để hỗ trợ đầu tư mở rộng, phát triển sản xuất theo hướng chuyên nghiệp. Công tác tuyên truyền, tập huấn nghiệp vụ, tăng cường thu hút đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến tại các vùng quy hoạch và tập trung phát triển đồng bộ việc xây dựng các chuỗi liên kết trong sản xuất, chế biến, bảo quản và phân phối cho các sản phẩm chủ lực, tiềm năng cũng được Trung tâm chú trọng thực hiện.

Trung tâm cũng tạo điều kiện khuyến khích các tổ chức khoa học công nghệ, doanh nghiệp, cá nhân đầu tư vào hoạt động nghiên cứu, chuyển giao, tiếp nhận, làm chủ và ứng dụng công nghệ để sản xuất các sản phẩm mới mang tính tối ưu, phù hợp với đặc điểm của từng địa phương trên địa bàn tỉnh.

Năm 2023, hoạt động khuyến công quốc gia và khuyến công địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã được triển khai hiệu quả. 19 đề án, nhiệm vụ khuyến công, trong đó có 5 đề án khuyến công quốc gia và 14 khuyến công địa phương đã được thực hiện. Tổng kinh phí cho hoạt động khuyến công quốc gia và khuyến công địa phương năm 2023 của tỉnh à 6.497 triệu đồng.

Các đề án được triển khai tập trung vào hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến vào sản xuất, nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh… Hoạt động khuyến công của Quảng Ninh thời gian qua đã góp phần làm tăng giá trị sản xuất công nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động của khu vực nông thôn.

Thông qua các hoạt động khuyến công, cơ sở công nghiệp nông thôn đã gắn kết với các hoạt động của doanh nghiệp trên địa bàn. Từ đó, tạo thêm nhiều việc làm và tăng thu nhập cho nhiều lao động tại nông thôn, góp phần nâng cao đời sống, vật chất, tinh thần cho bà con vùng nông thôn. Theo thống kê, trung bình cứ 01 đồng vốn từ ngân sách nhà nước thu hút được khoảng 2,5 đồng vốn đầu tư của cơ sở công nghiệp nông thôn, tạo việc làm cho gần 240 lao động tại địa phương.

2023 cũng là năm đầu tiên tỉnh Quảng Ninh tổ chức bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh với 33 sản phẩm đã được công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh. Kết quả này là cơ sở để tỉnh Quảng Ninh có kế hoạch tiếp tục hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn phát triển sản xuất, xúc tiến thương mại, góp phần thúc đẩy phát triển công nghiệp nông thôn.

Phát huy những kết quả đạt được, Trung tâm Xúc tiến và Phát triển công thương Quảng Ninh sẽ tiếp tục xây dựng kịch bản đề xuất các nội dung chương trình khuyến công giai đoạn tiếp theo gửi Sở Công Thương trình UBND Tỉnh xem xét.

Trong đó, tập trung vào các nội dung chính về chương trình đào tạo nghề, truyền nghề; chương trình hỗ trợ nâng cao năng lực quản lý, thành lập và khởi sự doanh nghiệp sản xuất công nghiệp nông thôn; hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật; chuyển giao công nghệ và ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến.

Bên cạnh đó, hoạt động khuyến công trên địa bàn còn tập trung hỗ trợ tư vấn và áp dụng các giải pháp sản xuất sạch hơn để khuyến khích nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên thiên nhiên, nguyên vật liệu; phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu; hỗ trợ thành lập cụm liên kết doanh nghiệp công nghiệp, hợp tác kinh tế, và di dời cơ sở gây ô nhiễm môi trường.

Để hoạt động khuyến công tiếp tục được triển khai hiệu quả, công tác tuyên truyền tiếp tục được chú trọng, đặc biệt là tuyên truyền cho cán bộ làm công tác khuyến công cấp huyện, xã và tại cơ sở công nghiệp nông thôn, tạo điều kiện cho các địa phương và cơ sở công nghiệp nông thôn tiếp cận chính sách khuyến công để chủ động tham gia.

Cùng với đó, tăng cường hướng dẫn, kiểm tra, giám sát và kịp thời tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện đề án, đảm bảo hoàn thành đúng tiến độ và đạt hiệu quả; kinh phí hỗ trợ sử dụng đúng mục tiêu, yêu cầu của đề án cũng như các quy định khác về hoạt động khuyến công.

Năm 2023, hoạt động khuyến công quốc gia và khuyến công địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã được triển khai hiệu quả. 19 đề án, nhiệm vụ khuyến công, trong đó có 5 đề án khuyến công quốc gia và 14 khuyến công địa phương đã được thực hiện. Tổng kinh phí cho hoạt động khuyến công quốc gia và khuyến công địa phương năm 2023 của tỉnh à 6.497 triệu đồng.

Ngọc Ánh

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/khuyen-cong-dong-hanh-cung-co-so-cong-nghiep-nong-thon-quang-ninh.html