Khuyến khích phát triển kinh tế tư nhân, kiểm soát hàng giả, hàng nhái
Đánh giá cao thời gian qua Chính phủ đã kiểm soát tốt tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng nhập lậu, đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội) cho rằng, nhiệm vụ này cần tiếp tục kiên quyết, kiên trì thực hiện để khuyến khích kinh tế tư nhân trong nước phát triển…
Ngày 23/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về 6 nội dung: (1) đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2024; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2025; (2) phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2023; (3) việc bổ sung ngân sách chi thường xuyên (nguồn viện trợ không hoàn lại nước ngoài) năm 2025; (4) việc chuyển tiếp áp dụng một số cơ chế, chính sách đặc thù đã được Quốc hội cho phép thực hiện tại một số địa phương sau khi thực hiện sắp xếp bộ máy, mở rộng địa giới hành chính theo chủ trương của Đảng, Nhà nước; (5) công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2024; (6) kết quả thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2024.
Chủ trì phiên thảo luận tổ tại Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài - Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn - Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội; Phó Trưởng đoàn Chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai.

Chủ trì phiên thảo luận tổ tại Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài - Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn - Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội; Phó Trưởng đoàn Chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai. Ảnh: Như Ý
Giải pháp thúc đẩy các động lực tăng trưởng
Thảo luận tại tổ, đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường đồng tình với các nhóm giải pháp Chính phủ đã nêu trong Báo cáo; đồng thời đề xuất một số giải pháp đột phá nhằm thúc đẩy 3 động lực truyền thống: xuất khẩu, tiêu dùng, đầu tư. Theo đại biểu, bên cạnh việc tiếp tục đàm phán thuế đối ứng với Mỹ (yếu tố tác động lớn đến tăng trưởng) phải tiếp tục giữ vững thị trường xuất khẩu truyền thống, trong đó có Trung Quốc.
Theo thống kê, những tháng đầu năm 2025, xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc giảm mạnh, do đó Nhà nước cần can thiệp trực tiếp vào quá trình sản xuất, như đưa ra hướng dẫn, tiêu chuẩn cụ thể của sản phẩm hàng hóa. Đồng thời, ban hành các chính sách “nóng” như thưởng xuất khẩu đối với doanh nghiệp nào xuất được các mặt hàng cần thiết duy trì xuất khẩu.
Bên cạnh đó, giữ vững thị trường nội địa, bởi nếu không cẩn trọng, sản phẩm hàng hóa các nước vào Việt Nam và trực tiếp cạnh tranh với hàng hóa Việt Nam.

Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội) thảo luận tại tổ. Ảnh: Như Ý
Đánh giá cao thời gian qua Chính phủ đã kiểm soát tốt tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng nhập lậu, đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng, nhiệm vụ này cần tiếp tục kiên quyết, kiên trì thực hiện để khuyến khích kinh tế tư nhân trong nước phát triển. Cùng với đó, thúc đẩy tiêu dùng trong nước, thông qua các chính sách như tiếp tục giảm thuế VAT 2%; hoãn thời gian thi hành một số luật liên quan đến thuế tiêu thụ đặc biệt; thực hiện giãn hoãn các loại thuế, phí…
Đại biểu cũng đề nghị để tăng trưởng và thu hút khách du lịch, đặc biệt là khách du lịch quốc tế, thì cần các giải pháp như: giảm phí visa; thử nghiệm miễn visa cho một số khu vực du lịch như Phú Quốc; có chính sách thưởng du lịch cho những tour du lịch đón được khách từ thị trường mong muốn.
Song song với đó, thúc đẩy phát triển kinh tế đêm; mỗi khu du lịch nên quy hoạch khu vực phát triển kinh tế đêm, trong đó có thể xem xét miễn tiền thuê mặt bằng cho người dân, nới lỏng các điều kiện kiểm soát và chỉ tăng cường kiểm soát an ninh, trật tự và phòng cháy chữa cháy.

Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội thảo luận ở tổ ngày 23/5. Ảnh: Như Ý
Nêu các giải pháp thúc đẩy động lực tăng trưởng đầu tư, đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng, mặc dù Chính phủ nêu các giải pháp quyết liệt thực hiện giải ngân đầu tư công, nhưng dự báo sẽ khó đạt mục tiêu. Do đó, cần thay đổi phương thức giải ngân đầu tư công, không chỉ theo cách truyền thống, mà cần khuyến khích sang khu vực đầu tư tư nhân. Trong đó, lưu ý tháo gỡ vướng mắc về nguồn vốn phát triển bất động sản, tập trung giải ngân cho các dự án nhà ở xã hội để tạo ra tăng trưởng bền vững; đồng thời đẩy nhanh cơ chế đặt hàng cho các doanh nghiệp nhà nước, góp phần đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công.
Lấy trọng tâm là khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số
Quan tâm đến công tác phòng, chống lãng phí, đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí cho rằng, thực tế còn xảy ra nhiều lãng phí trên bình diện chung của cả nước. Chúng ta thấy rất rõ, nhiều khu nhà đang bị bỏ hoang, vắng lặng người qua lại, nhiều dự án chưa giải quyết được vẫn phải nằm chờ. Bên cạnh đó, là lãng phí trong ăn uống, liên hoan. Đây là vấn đề chúng ta tưởng nhỏ nhưng thực sự là rất lớn.

Quan tâm đến công tác phòng, chống lãng phí, đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí cho rằng, thực tế còn xảy ra nhiều lãng phí trên bình diện chung của cả nước. Ảnh: Như Ý
Do đó, đại biểu Nguyễn Anh Trí cho rằng, báo cáo cần tiếp tục đánh giá nguyên nhân sâu xa của những tồn tại, hạn chế của lãng phí. Bởi trên thực tế còn nhiều lãng phí trong công tác quản lý, sử dụng tài sản công; lãng phí trong công tác quản lý, khai thác, sử dụng đất đai, tài nguyên; lãng phí trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của nhân dân…
“Chỉ khi nào tiết kiệm là lẽ sống, là đạo đức cơ bản của con người, khi đó mới thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí thường xuyên được; cần phát động thành phong trào rộng rãi thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong Nhân dân” - đại biểu Nguyễn Anh Trí nêu quan điểm.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Lan thảo luận tổ. Ảnh: Như Ý
Nhìn nhận lĩnh vực nông nghiệp luôn có vai trò quan trọng trong nền kinh tế, đặc biệt là lĩnh vực xuất khẩu nông sản, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Lan nêu thực tế, hiện nay còn tồn tại nhiều bất cập trong khâu chế biến, tổ chức thương mại, nên nông sản chủ yếu bán ở dạng thô, giá trị thấp. Nếu chúng ta không cải thiện tình hình này thì khó khắc phục được tình trạng được mùa rớt giá, bán sản phẩm thô giá trị không cao.
“Thời gian tới cần lấy trọng tâm là khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số để tổ chức sản xuất theo chuỗi liên kết, phát huy các ngành nghề có lợi thế và phát triển vùng nguyên liệu. Cùng với đó, ngành nông nghiệp cũng như các địa phương cần tập trung sản xuất chế biến sâu, hạn chế tối đa xuất khẩu thô; xây dựng cơ chế ràng buộc gắn quyền lợi, trách nhiệm giữa các chủ thể, từ cung ứng vật tư, sản xuất chế biến đến tiêu thụ sản phẩm...” - đại biểu Nguyễn Thị Lan nêu quan điểm.