Kích cầu tiêu dùng hàng hóa dịp cuối năm

Năm 2024, tỉnh phấn đấu tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 95 nghìn tỷ đồng. Để đạt mục tiêu đề ra, bên cạnh sự nỗ lực triển khai các giải pháp thúc đẩy hoạt động thương mại – dịch vụ của các sở, ngành, địa phương, thời điểm này, các doanh nghiệp, kênh bán lẻ hàng hóa trong tỉnh đang 'tăng tốc' thực hiện kích cầu tiêu dùng, đặc biệt là đối với các sản phẩm hàng Việt.

Cửa hàng thời trang Tezo (thành phố Hưng Yên) triển khai nhiều chương trình khuyến mãi kích cầu tiêu dùng

Cửa hàng thời trang Tezo (thành phố Hưng Yên) triển khai nhiều chương trình khuyến mãi kích cầu tiêu dùng

Từ đầu năm đến nay, UBND tỉnh đã có nhiều chính sách hỗ trợ đặc thù, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trong tỉnh duy trì, ổn định và tiếp tục phát triển sản xuất, đặc biệt là các mặt hàng nông sản, đặc sản địa phương, hàng thủ công mỹ nghệ, sản phẩm OCOP… Chỉ đạo các sở, ban, ngành triển khai hỗ trợ các đề án với các nội dung: Hỗ trợ ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến, hiện đại vào sản xuất nhằm khuyến khích các cơ sở công nghiệp nông thôn sản xuất sản phẩm mới; duy trì hoạt động của 12 điểm giới thiệu và bày bán sản phẩm OCOP của tỉnh tại một số huyện, thị xã, thành phố. Ngoài ra, UBND tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến tiêu thụ nông sản như: Phiên chợ vải Hưng Yên; Hội nghị xúc tiến tiêu thụ nhãn và nông sản tỉnh Hưng Yên; livestream quảng bá nhãn lồng và các nông sản tiêu biểu của tỉnh trên nền tảng mạng xã hội và sàn giao dịch thương mại điện tử; Tuần lễ nhãn lồng – nông sản tiêu biểu tỉnh Hưng Yên tại Hà Nội… thu hút nhiều tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp tham gia, tạo điều kiện cho trên 100 nghìn lượt khách hàng tham quan, mua sắm, thưởng thức các nông sản đặc sản, sản phẩm OCOP của tỉnh.

Theo đánh giá của ngành chuyên môn, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 9 của tỉnh đạt trên 13,6 nghìn tỷ đồng, tăng 4,69% so với tháng 8; nâng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 9 tháng trong tỉnh đạt trên 91,3 nghìn tỷ đồng, trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt trên 24,1 nghìn tỷ đồng, tăng 4,88% so với cùng kỳ năm trước… Mức tăng trưởng này cho thấy, nhu cầu tiêu dùng trong tỉnh dù đã phục hồi nhưng vẫn thấp bởi thu nhập của người lao động, cũng là người tiêu dùng còn bấp bênh nên phải thắt chặt chi tiêu.

Với nhiều chính sách đã được ban hành như: Giảm 2% thuế giá trị gia tăng (từ 10% xuống 8%) từ ngày 1/7 đến 31/12/2024 đối với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ; tăng 30% lương cơ sở từ ngày 1/7/2024; chương trình khuyến mại tập trung quốc gia diễn ra từ ngày 2/12 đến 31/12/2024 trên phạm vi toàn quốc… kỳ vọng những tháng cuối năm sẽ tạo niềm tin để người tiêu dùng trong tỉnh tăng chi tiêu, qua đó kích cầu thị trường bán lẻ, hỗ trợ các doanh nghiệp khai thác tốt thị trường trong nước giúp doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh, góp phần triển khai thực hiện hiệu quả Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Lực lượng quản lý thị trường kiểm tra, kiểm soát hàng hóa dịp cuối năm để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

Lực lượng quản lý thị trường kiểm tra, kiểm soát hàng hóa dịp cuối năm để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

Ghi nhận chung tại tỉnh, thời điểm này, hệ thống siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện lợi, các đơn vị sản xuất, kinh doanh mặt hàng may mặc, phụ kiện thời trang, thiết bị công nghệ, sản phẩm điện máy... đều triển khai chương trình khuyến mãi, giảm giá cho khách hàng, trong đó hàng hóa nội địa chiếm trên 80%. Chất lượng hàng hóa được cải thiện về mẫu mã, kiểu dáng và bảo đảm nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Đặc biệt, chính sách giảm thuế giá trị gia tăng đang phát huy hiệu quả, hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh có điều kiện thuận lợi để hạ chi phí, giảm giá bán, tăng khuyến mãi kích cầu tiêu dùng.

Tại chuỗi cửa hàng bán lẻ Winmart+ trong tỉnh, thời điểm này, nhiều mặt hàng đã được áp dụng giảm giá 10 - 50%, đặc biệt là các sản phẩm thực phẩm tươi sống, thực phẩm khô, sữa và sản phẩm chế biến từ sữa... Từ nay tới cuối năm, chuỗi cửa hàng tiếp tục triển khai chính sách kích cầu tiêu dùng nội địa, các hoạt động xúc tiến, quảng bá thương mại, góp phần duy trì tăng trưởng sản xuất, kinh doanh, tăng sức mua của người tiêu dùng. Ngoài ra, hệ thống các cửa hàng đã có kế hoạch dự trữ hàng hóa Tết tăng khoảng 20% so với năm ngoái nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Đồng chí Vũ Quang Thắng, Giám đốc Sở Công Thương cho biết: Dự báo từ nay đến Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, sức mua của người tiêu dùng sẽ tăng cao. Để tạo điều kiện cho các đơn vị kinh doanh kích cầu tiêu dùng, sở tăng cường rà soát, tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục để các doanh nghiệp, siêu thị thực hiện các chương trình khuyến mãi phù hợp; phối hợp với các cơ quan chức năng theo dõi, nắm bắt tình hình cung - cầu, giá cả các loại hàng hóa để có giải pháp bình ổn thị trường, kiên quyết xử lý nghiêm những trường hợp buôn lậu, gian lận thương mại. Cùng với đó, hướng dẫn các doanh nghiệp xây dựng kế hoạch dự trữ hàng hóa dịp Tết, bảo đảm hàng hóa dồi dào, tránh tình trạng thiếu hàng, đứt gãy chuỗi cung ứng trong quá trình triển khai thực hiện kích cầu tiêu dùng…

Hoa Phương

Nguồn Hưng Yên: http://baohungyen.vn/kich-cau-tieu-dung-hang-hoa-dip-cuoi-nam-3176458.html