Sau 5 năm, thu nhập của đồng bào DTTS tăng gấp đôi

Đồng bào dân tộc thiểu số sống tập trung theo cộng đồng tại 119 thôn, thuộc 14 xã của 5 huyện ở Hà Nội. Tại các quận, huyện, thị xã của thành phố Hà Nội đều có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống với hơn 107.000 người, thuộc 50/53 thành phần dân tộc, chiếm 1,3% dân số.

Quán triệt sâu sắc quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước về công tác dân tộc, từ năm 2019 đến nay, thành phố đã dành nhiều nguồn lực ưu tiên đầu tư cho vùng đồng bào dân tộc. Đây là những cơ sở quan trọng góp phần hiện thực hóa Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới ở nhiều địa phương.

Gia đình chị Bùi Thị Chín, ở thôn Cổ Rùa, xã Phú Mãn, huyện Quốc Oai, năm 2020, với gần 100 triệu đồng từ nguồn vốn vay của Ngân hàng chính sách xã hội cho hộ nghèo, đã tập trung chăn nuôi gà thả vườn. Sau hơn 3 năm, gia đình chị đã thoát nghèo.

Chị Bùi Thị Chín chia sẻ: "Sự hỗ trợ của thành phố và bà con nhân dân ở xã Phú Mãn đã tạo điều kiện giúp đỡ gia đình chúng tôi phát triển nghề chăn nuôi gà thả vườn, chăn nuôi gà tập trung, chúng tôi đã có cơ hội phát triển tốt kinh tế gia đình".

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, thành phố đã ủy thác qua Ngân hàng chính sách xã hội trên 8.000 tỷ để cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách vay vốn phát triển sản xuất, giải quyết việc làm. Từ năm 2019 đến tháng 6/2024, có trên 6.720 lượt hộ đồng bào dân tộc thiểu số được vay vốn. Sự quan tâm của thành phố đã giúp đồng bào thay đổi từ nếp nghĩ đến cách làm, yên tâm phát triển kinh tế, giảm nghèo. Năm 2018, thu nhập bình quân mới chỉ đạt 35 triệu đồng/người/năm, thì đến nay thu nhập bình quân đầu người đạt 65-70 triệu đồng/người/năm.

Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó chủ tịch UBND huyện Thạch Thất, cho hay: "Ba xã Tiến Xuân, Yên Bình, Yên Trung của huyện có tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm đạt 15,1%. Thu nhập bình quân đầu người đến cuối năm 2023 đạt 73 triệu đồng/người/năm, tăng 17 triệu so với năm 2019. Tỷ lệ hộ nghèo là người dân tộc thiểu số thì giảm từ 0,84% cuối năm 2019 xuống còn 0,25% cuối năm 2023, và đến nay cả 3 xã trên địa bàn huyện đều đạt chuẩn nông thôn mới".

Ông Đặng Văn Cảnh, Phó chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức, cho biết: "Trong giai đoạn vừa qua, Chương trình 138 và Chương trình 235 đã thực hiện rất nhiều đầu tư cho cơ sở hạ tầng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội. Qua đó, từng bước nâng cao đời sống của nhân dân trên địa bàn của xã An Phú và đã đem lại những kết quả làm thay đổi diện mạo của xã dân tộc miền núi".

Sau 5 năm qua, bằng những chính sách đầu tư cụ thể, đến nay các địa phương vùng dân tộc thiểu số của thành phố đã hoàn thành cơ bản 32/35 chỉ tiêu theo Nghị quyết 88 của Quốc hội và hoàn thành 12/16 chỉ tiêu theo kế hoạch của UBND thành phố. Chính sách của Đảng, Nhà nước, chủ trương của thành phố đã phát huy hiệu quả, tạo sự đổi thay toàn diện tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của Thủ đô.

Đỗ Bắc

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/video/sau-5-nam-thu-nhap-cua-dong-bao-dtts-tang-gap-doi-275848.htm