Kích cầu tiêu dùng hàng sản xuất trong nước dịp cuối năm

Nhu cầu tiêu dùng và sản xuất trong nước thường tăng vào những tháng cuối năm và đó cũng là thời gian để doanh nghiệp đưa ra nhiều chương trình kích cầu tiêu dùng.

Doanh nghiệp đang tập trung kích cầu sản phẩm hàng hóa sản xuất trong nước. Ảnh: Đ.T

Doanh nghiệp đang tập trung kích cầu sản phẩm hàng hóa sản xuất trong nước. Ảnh: Đ.T

Kích cầu tiêu dùng

Phương án kích cầu này cần thiết trong thời điểm xu hướng tiêu dùng nội địa vẫn bị co lại, do tâm lý “thắt chặt hầu bao” của phần lớn người tiêu dùng.

Sức mua chậm trên thực tế đã và đang tác động tiêu cực tới tỷ trọng đóng góp của thương mại trong nước. Theo số liệu của Bộ Công thương, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành 10 tháng năm 2024 ước đạt 5.246.200 tỷ đồng, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2023 tăng 9,8%); nếu loại trừ yếu tố giá thì chỉ tăng 4,6%, thấp hơn đáng kể so với mức tăng 7,3% của cùng kỳ năm trước.

Nhiều doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng, thực phẩm xác nhận, doanh số bán hàng tại nội địa tăng trưởng không như kỳ vọng do sức cầu vẫn khá yếu, người tiêu dùng còn dè dặt trong chi tiêu.

Trong khi đó, vẫn có một số yếu tố gây áp lực lên mặt bằng giá trong thời gian còn lại của năm 2024, như giá đầu vào (điện, dịch vụ vận tải, nhân công…) có xu hướng tăng.

Khảo sát quý III/2024 của Công ty nghiên cứu thị trường NielsenIQ (NIQ) cho thấy, người tiêu dùng Việt Nam đã lạc quan hơn về triển vọng nền kinh tế và tình hình tài chính cá nhân, nhưng đa số người tiêu dùng tăng cường kiểm soát chi tiêu và ưu tiên tiết kiệm hơn.

Cụ thể, có đến 45% người được hỏi cho rằng, kinh tế đất nước không suy thoái, tăng 3 điểm phần trăm so với quý I/2024. Đồng thời, 67% cho biết, tình hình tài chính cá nhân tốt hơn, đi lên đều đặn trong 4 quý liên tiếp.

Tuy nhiên, xu hướng tiết kiệm vẫn đặt lên hàng đầu, khi 83% số người được hỏi nói tiết kiệm là thói quen và 75% nói không bao giờ để hết tiền trong túi. Cùng kỳ quý III/2023, hai thói quen này lần lượt ở mức 77% và 63%. Ngoài ra, 72% muốn tiết kiệm cho dài hạn, tăng 6 điểm phần trăm.

Theo ông Bùi Huy Sơn, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ Công thương), sức mua nội địa dẫu có tăng, nhưng còn yếu hơn nhiều so với trước dịch. “Để làm mới một trong những động lực tăng trưởng là tiêu dùng nội địa, Bộ sẽ tiếp tục phát triển mạnh thương mại nội địa, với giải pháp tập trung vào xúc tiến thương mại, kích cầu các sản phẩm hàng hóa sản xuất trong nước”, ông Sơn cho biết.

Kích cầu tiêu dùng, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh trong nước cũng là chỉ đạo của người đứng đầu Chính phủ. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các đơn vị có chính sách khuyến khích tiêu dùng, đầu tư vào các lĩnh vực sản xuất trong nước có thế mạnh và thị trường có nhu cầu.

Đưa hàng Việt vào hệ thống phân phối

Lúc này, các doanh nghiệp sản xuất và nhà bán lẻ đều có phương án sản xuất, đặt hàng để có đủ nguồn hàng trong hệ thống bán lẻ.

Hệ thống siêu thị BRGMart cho biết đã phối hợp với các nhà cung cấp dự báo sản lượng tiêu thụ và lên kế hoạch dự trữ hàng hóa Tết tăng gấp 2 - 3 lần so với các tháng trong năm, đồng thời tiến hành nhập hàng, đảm bảo các phương tiện vận chuyển hoạt động tốt vào cao điểm tháng 11 - 12/2024, đảm bảo kiểm soát hàng hóa, minh bạch nguồn gốc, bình ổn giá thị trường.

Trong khi đó, Tập đoàn Central Retail, sở hữu các chuỗi bán lẻ như GO!, BigC, Tops Market, Lan Chi Mart… xác nhận, với phương châm sử dụng nguồn cung ứng sản phẩm có nguồn gốc nội địa, hàng sản xuất trong nước luôn là ưu tiên hàng đầu. Ngày 15/11/2024, đội ngũ thu mua của Tập đoàn Central Retail Việt Nam đã tham gia các chương trình xúc tiến thương mại cả trong Nam và ngoài Bắc nhằm tìm kiếm, mở rộng thêm các nhà cung cấp hàng hóa đặc sản vùng miền cho chuỗi siêu thị GO!, đáp ứng nhu cầu mua sắm tăng mạnh vào dịp cuối năm.

Bà Nguyễn Thị Bích Vân, Giám đốc Truyền thông Tập đoàn Central Retail Việt Nam cho biết, Central Retail Việt Nam đang đẩy mạnh tìm kiếm các nhà cung cấp đặc sản vùng miền từ các địa phương nhằm chuẩn bị cho Chương trình Đặc sản Việt cho Tết Việt, được triển khai trong thời gian tới.

Cùng với đó, các chương trình ưu đãi liên tiếp hàng tuần, kéo dài đến Tết Nguyên đán phục vụ người tiêu dùng mua các sản phẩm như thực phẩm xanh, thực phẩm tươi sống... đều được ưu đãi 25 - 50% giá trị sản phẩm.

Ngay lúc này, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng tăng mạnh của mùa mua sắm cuối năm, hơn 800 điểm bán trên toàn quốc, bao gồm Co.opmart, Co.opXtra… thực hiện Chương trình 10 ngày vàng - sắm thả ga, kéo dài đến ngày 30/11, giảm tới 50% toàn bộ ngành hàng.

Cụ thể, siêu thị giảm giá sập sàn cho nhóm hàng gia dụng thiết yếu như khăn mặt, bộ bình ly thủy tinh, bộ lau nhà 360 độ khi mua sắm hóa đơn từ 300.000 đồng trở lên.

Trong bối cảnh cầu chung của thế giới vẫn suy giảm, sự phục hồi của các đối tác thương mại lớn chậm và còn rủi ro gián đoạn chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu…, tiêu dùng trong nước được xem là một động lực quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Với các giải pháp và chương trình kích cầu tiêu dùng, kỳ vọng sức mua hàng hóa cuối năm sẽ phục hồi mạnh mẽ, giúp cải thiện tổng mức tăng của bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng, tiếp sức cho tăng trưởng kinh tế.

Thế Hoàng

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/kich-cau-tieu-dung-hang-san-xuat-trong-nuoc-dip-cuoi-nam-d230998.html