Kích cầu tiêu dùng nội địa: Doanh nghiệp bán lẻ hướng đến chiến lược dài hạn
Sau gần 5 tháng đầu năm 2025, thị trường ghi nhận sự bứt tốc ấn tượng của ngành bán lẻ với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt khoảng 2.285,5 nghìn tỷ đồng, tăng 9,9% so với cùng kỳ năm trước. Đằng sau con số tăng trưởng này là nỗ lực không ngừng của các doanh nghiệp trong việc chủ động kích cầu tiêu dùng nội địa, đây đang dần trở thành chiến lược phát triển dài hạn.
Kích cầu không còn là giải pháp thời vụ
Khác với giai đoạn trước đây khi các chương trình ưu đãi thường chỉ diễn ra vào những thời điểm cao điểm mua sắm như Tết, lễ lớn hay cuối năm, nhiều doanh nghiệp bán lẻ hiện đang chuyển hướng sang tổ chức các chiến dịch kích cầu theo chuỗi liên tục và có chủ đích.

Các doanh nghiệp bán lẻ đang tập trung hướng tới thị trường trong nước
Tập đoàn Central Retail Việt Nam, đơn vị vận hành hệ thống GO!, Big C cho biết họ đang duy trì các chương trình khuyến mãi theo quý, gắn với các dịp lễ, sự kiện tiêu dùng như “Mega Season”, “Tháng vàng mua sắm gia đình”, “Tuần hàng Việt Nam chất lượng cao”. Mỗi chương trình đều được thiết kế kết hợp giữa ưu đãi, trải nghiệm và hoạt động kết nối cộng đồng.
Bà Nguyễn Thị Phương, Phó Tổng giám đốc Central Retail Việt Nam chia sẻ, doanh nghiệp chúng tôi không chỉ giảm giá đơn thuần mà còn đầu tư vào việc xây dựng trải nghiệm mua sắm tích cực, giúp người tiêu dùng cảm thấy được phục vụ trọn vẹn, từ đó hình thành thói quen chi tiêu đều đặn hơn.
Tương tự, WinCommerce là đơn vị sở hữu chuỗi WinMart và WinMart+ cũng đang vận hành chiến dịch “Mỗi tuần một ưu đãi lớn” kết hợp giữa offline và online, hướng đến nhóm khách hàng trẻ và thành thị. Doanh nghiệp này cũng đẩy mạnh phát triển sản phẩm nhãn hàng riêng với giá cả cạnh tranh, góp phần tạo lựa chọn giá trị cho người tiêu dùng.
Tháng 4 và 5 là thời điểm các “ông lớn” bán lẻ bước vào giai đoạn cao điểm kích cầu với hàng loạt chương trình khuyến mãi chào hè. Từ AEON, Lotte Mart đến Saigon Co.op đều tung ra loạt chương trình giảm giá sâu từ 20 - 50% cho nhiều mặt hàng thiết yếu, đồng thời tổ chức các hoạt động tương tác tại siêu thị như khu vui chơi, gian hàng trải nghiệm, hội chợ hè, sự kiện âm nhạc mini...
Tại TP. Hồ Chí Minh, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong 4 tháng đầu năm 2025 đạt gần 445.000 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, doanh thu ngành lưu trú, ăn uống tăng mạnh 42,2% và du lịch lữ hành tăng 38,2%, điều này cho thấy sức mua và nhu cầu tiêu dùng đang phục hồi rõ nét.

Doanh nghiệp phải mang trải nghiệm và ưu đãi đến từng người tiêu dùng.
Ông Trần Tuấn Anh, Giám đốc điều hành chuỗi siêu thị điện máy tại TP. Hồ Chí Minh nhận định, năm nay, sức mua mùa hè đến sớm hơn, phần nhờ thời tiết nắng nóng kéo dài, phần do các doanh nghiệp đều chủ động hơn trong việc tiếp cận người tiêu dùng qua online và ưu đãi cá nhân hóa. Không còn cảnh ngồi chờ khách tới cửa, mà giờ đây doanh nghiệp phải mang trải nghiệm và ưu đãi đến từng người tiêu dùng.
Ứng dụng dữ liệu và công nghệ để kích cầu hiệu quả
Một điểm nổi bật của xu hướng kích cầu hiện nay là việc các nhà bán lẻ áp dụng công nghệ và dữ liệu lớn (Big Data) để hiểu và cá nhân hóa trải nghiệm tiêu dùng. Thay vì tung ra các khuyến mãi đại trà, doanh nghiệp sử dụng dữ liệu hành vi mua sắm để gửi ưu đãi phù hợp tới từng nhóm khách hàng, nhờ đó tăng hiệu quả chi tiêu quảng cáo và giữ chân người mua.
Đại diện bộ phận Thương mại điện tử của Tập đoàn Masan (chủ sở hữu WinCommerce) cho biết, chúng tôi sử dụng hệ thống AI để phân tích lịch sử mua hàng, từ đó thiết kế các gói khuyến mãi riêng cho từng khách. Nhờ đó, tỷ lệ chuyển đổi tăng đáng kể, đồng thời tiết kiệm chi phí marketing hơn so với trước đây.
Đồng thời, nhiều doanh nghiệp cũng kết hợp kích cầu với thúc đẩy tiêu dùng hàng Việt. Saigon Co.op, MM Mega Market và BRG Retail liên tục tổ chức các hội chợ, tuần lễ hàng Việt tại siêu thị, nhằm vừa giảm giá, vừa thúc đẩy tiêu thụ nông sản, thực phẩm trong nước.
PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, Chuyên gia kinh tế cho rằng, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu còn nhiều bất định, việc đẩy mạnh tiêu dùng nội địa là hướng đi quan trọng và bền vững cho Việt Nam. Tiêu dùng nội địa hiện chiếm hơn 70% GDP và là động lực then chốt thúc đẩy tăng trưởng. Do đó, việc doanh nghiệp bán lẻ đầu tư lâu dài vào kích cầu là tín hiệu rất tích cực. Nó cho thấy các doanh nghiệp không còn trông chờ vào yếu tố mùa vụ mà đang thực sự xây dựng chiến lược kinh doanh bền vững.

Kích cầu tiêu dùng chỉ thực sự hiệu quả khi đi kèm với chất lượng sản phẩm, dịch vụ và trải nghiệm mua sắm đồng bộ
Tuy vậy, kích cầu tiêu dùng chỉ thực sự hiệu quả khi đi kèm với chất lượng sản phẩm, dịch vụ và trải nghiệm mua sắm đồng bộ. Doanh nghiệp cần song song nâng cao năng lực cung ứng, dịch vụ hậu mãi và minh bạch thông tin để tạo niềm tin tiêu dùng lâu dài.
Với đà tăng trưởng hiện tại, các doanh nghiệp bán lẻ kỳ vọng thị trường sẽ tiếp tục khởi sắc trong nửa cuối năm. Dự báo tiêu dùng sẽ bùng nổ dịp năm học mới, lễ Quốc khánh 2/9 và cao điểm cuối năm.
Nhiều tập đoàn như Masan, Central Retail, AEON, WinCommerce đang lên kế hoạch mở rộng thêm hàng trăm điểm bán, đầu tư vào trung tâm phân phối, nâng cấp trải nghiệm online và số hóa quản lý chuỗi cung ứng để phục vụ tốt hơn nhu cầu của người tiêu dùng trong nước.