Kích thích tiêu dùng, tăng trưởng kinh tế

Từ 1/1/2023, Nghị định 15/2022/NĐ-CP về việc giảm 2% thuế suất giá trị gia tăng (VAT) với các nhóm hàng hóa, dịch vụ… hết hiệu lực. Người mua hàng hóa, dịch vụ trở lại nộp thuế VAT 10%.

Nhiều ý kiến cho rằng, trong bối cảnh nền kinh tế tiếp tục gặp nhiều khó khăn, cần kéo dài chính sách giảm thuế VAT nhằm hỗ trợ DN và người dân.

Hợp tình, hợp lý

Năm 2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định 15/2022/NĐ-CP quy định chính sách miễn, giảm thuế theo Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Chính sách giảm thuế GTGT từ 10% xuống 8% đã làm giảm giá bán của một số hàng hóa trên thị trường, qua đó làm tăng sức mua, góp phần tạo điều kiện cho DN mở rộng hoạt động sản xuất, đồng thời còn giảm áp lực lạm phát.

Thanh toán tiền hàng cho khách tại siêu thị lotte Cầu Giấy. Ảnh Công Hùng

Thanh toán tiền hàng cho khách tại siêu thị lotte Cầu Giấy. Ảnh Công Hùng

Theo thống kê của Bộ Tài chính, tổng số thuế miễn, giảm trong năm 2022 ước khoảng 50.200 tỷ đồng, bằng 78,4% số dự kiến khi xây dựng Chương trình phục hồi kinh tế (64.000 tỷ đồng). Trong đó, giảm thuế suất thuế VAT từ 10% xuống 8% đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10% trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ theo quy định tại Nghị định số 15/2022/NĐ-CP ngày 28/01/2022 khoảng 38.900 tỷ đồng.

"Sau khi Nhà nước giảm thuế VAT, cứ mua hàng 100.000 đồng, tôi lại tiết kiệm được 2.000 đồng. Tuy con số không lớn nhưng với đồng lương công nhân ỏi, bớt được đồng nào hay đồng đó trong thời buổi thu nhập giảm và vật giá leo thang hiện nay. Tôi mong Nhà nước tiếp tục kéo dài chính sách ý nghĩa này, để người tiêu dùng vơi bớt khó khăn" - chị Nguyễn Thị Hạnh, phường Kiến Hưng, quận Hà Đông chia sẻ.

Sau khi chính sách hết hiệu lực từ 1/1/2023, các hiệp hội, ngành hàng liên tục đề xuất tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế GTGT từ 10% xuống còn 8% áp dụng cho cả năm 2023. Nhiều ý kiến đánh giá đề xuất này là hợp lý từ minh chứng giảm thuế VAT là một trong các chính sách đã hỗ trợ tích cực, hiệu quả cho việc kiểm soát lạm phát, phục hồi tăng trưởng trong năm 2022.

Chủ tịch Hiệp hội Tư vấn Thuế Việt Nam (VTCA) Nguyễn Thị Cúc cho biết, năm 2022 là năm có nhiều giải pháp toàn diện nhất, sâu rộng nhất, nhiều sắc thuế được hỗ trợ nhất để các DN phục hồi một cách an toàn và phát triển mạnh mẽ. Trong đó, chính sách giảm thuế GTGT từ 10% xuống 8% trong năm vừa qua đã góp phần kích thích tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ, qua đó thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh sôi động hơn. Đối với DN, việc giảm thuế VAT có tác dụng thiết thực và có ý nghĩa quan trọng đối với DN. Do đó, Chủ tịch VTCA kiến nghị Chính phủ nên tiếp tục gia hạn chính sách giảm thuế VAT trong năm 2023 để hỗ trợ cho người dân, DN tiếp tục phục hồi và phát triển.

Lý giải về đề xuất này, Chủ tịch VTCA Nguyễn Thị Cúc cho biết: VTCA nhận được nhiều ý kiến từ cộng đồng DN, các hiệp hội đánh giá rất cao tính hiệu quả của các gói giải pháp hỗ trợ DN vượt qua khó khăn do đại dịch Covid-19, đặc biệt là giải pháp giảm thuế suất thuế VAT. Điều đặc biệt của chính sách này so với các chính sách hỗ trợ khác như giảm lãi suất ngân hàng, tiếp cận vốn hay gói vay ưu đãi… là không cần qua các khâu xét duyệt hồ sơ phức tạp với các điều kiện ngặt nghèo. Mức giảm được áp dụng chung cho phần lớn hàng hóa khiến đa số DN và người dân được hưởng lợi ngay lập tức.

Nhiều cơ sở để cân nhắc gia hạn

Phó Tổng thư ký, Trưởng ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Đậu Tuấn Anh cho biết: Theo khảo sát, điều tra hơn 12.000 DN trong 63 tỉnh, TP của VCCI, dịch bệnh đã làm đứt gãy chuỗi sản xuất, tác động nhiều mặt tới DN. DN phải đối mặt với những khó khăn về vốn, nhân sự, thị trường… Trong bối cảnh năm 2023 còn tiềm ẩn nhiều khó khăn, khi dòng tiền đang thiếu hụt, sức mua giảm, cả người tiêu dùng va DN đều mong đợi chính sách này tiếp tục được thực hiện. Vì đây là nhóm chính sách quan trọng và hiệu quả.

Cũng chung nhận định về những thách thức với nền kinh tế năm 2023, TS Cấn Văn Lực – chuyên gia kinh tế, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính – tiền tệ quốc gia nêu quan điểm, thách thức của nền kinh tế trong năm 2023 vẫn rất lớn. Đó là những thách thức từ bên ngoài tác động; sự phục hồi của các ngành sản xuất, kinh doanh khác nhau; lạm phát có nguy cơ tăng nóng trong khi lãi suất đang ở mức rất cao… Trong bối cảnh khó khăn, các chính sách hỗ trợ, đồng hành cùng DN cần phải tạo ra hiệu quả càng sớm càng tốt. Duy trì sức khỏe của DN là rất quan trọng. Do vậy, cần tiếp tục chính sách giãn, hoãn, giảm thuế phí. Việc tiếp tục giảm thuế VAT cũng là một trong những giải pháp tăng sức đề kháng cho DN trong thời điểm này.

Đưa ra cơ sở có thể tiếp tục kéo dài gói hỗ trợ giảm thuế VAT, TS Cấn Văn Lực phân tích, ngân sách Nhà nước đã có 2 năm liên tiếp thặng dư. Đây là cơ sở đầu tiên để xem xét việc đẩy mạnh thực hiện các chính sách tài khóa hỗ trợ tăng trưởng. Bên cạnh đó, năm 2023 dự toán bội chi ngân sách Nhà nước khoảng 455.500 tỷ đồng, tương đương 4,42% GDP. Như vậy Bộ Tài chính dự báo, năm 2023 ngân sách không còn thặng dư mà sẽ quay trở lại tình trạng chi nhiều hơn thu do đẩy mạnh thực hiện các chính sách phục hồi tăng trưởng, hỗ trợ nền kinh tế. Tuy nhiên trong bối cảnh kinh tế còn khó khăn, kể cả chấp nhận bội chi ngân sách ở mức cao hơn con số 4,42% GDP cũng là chấp nhận được.

Chủ tịch Hiệp hội DN châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) Alain Cany đánh giá, chính sách giảm thuế VAT từ 10% xuống 8% đã có nhiều tác động tích cực đến nền kinh tế, hỗ trợ DN và người dân đối phó với những tác động tiêu cực từ đại dịch Covid-19, từng bước phục hồi đà tăng trưởng và phát triển kinh tế. Việc tiếp tục giảm thuế VAT sẽ góp phần giúp DN giảm chi phí đầu vào, chia sẻ khó khăn với người thu nhập thấp và kích thích sản xuất tiêu dùng.

Theo Chủ tịch EuroCham, một cơ sở khác để Việt Nam tiếp tục gia hạn việc giảm thuế VAT 2% là nhiều quốc gia khác ở châu Á như Malaysia, Thái Lan, Trung Quốc, Nhật Bản… cũng đang thực hiện chính sách này, một số quốc gia chưa xác định thời hạn kết thúc. Các quốc gia này cũng thể hiện tốc độ tăng trưởng GDP tương đối tốt so với các quốc gia không thực hiện chính sách giảm thuế VAT trong năm 2022.

Nhiều DN, đặc biệt là DN nhỏ và vừa đang gặp rất nhiều khó khăn nên việc giảm thuế VAT sẽ có ý nghĩa và hỗ trợ thiết thực cho hoạt động sản xuất, kinh doanh trong thời gian tới. Đáng chú ý, rủi ro lạm phát được dự báo ở mức cao trong thời gian tới, việc giảm thuế VAT sẽ góp phần giảm giá hàng hóa tiêu dùng, góp phần kích cầu tiêu dùng nhưng không làm tăng lạm phát.
Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội Mạc Quốc Anh

Thuế VAT là sắc thuế gián thu đánh trên toàn bộ mặt hàng từ sản xuất đến tiêu dùng. Vì vậy, việc giảm thuế VAT sẽ giúp kéo giảm giá thành sản phẩm, dịch vụ… góp phần kiểm soát lạm phát. Việc giảm thuế VAT sẽ giúp DN tăng sức cạnh tranh, sản phẩm được tiêu thụ nhiều hơn làm tăng thêm doanh thu, lợi nhuận. Điều này đồng nghĩa DN sẽ nộp thuế nhiều hơn để bù đắp cho nguồn thu ngân sách do giảm thuế VAT.
Giám đốc Hãng luật TGS, luật sư Nguyễn Văn Tuấn

Phương Nga

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/kich-thich-tieu-dung-tang-truong-kinh-te.html