Kido: Mục tiêu lợi nhuận tăng gấp đôi, cổ đông chuẩn bị đón 'mưa' cổ tức

KIDO lên kế hoạch lợi nhuận trước thuế năm 2024 đạt 800 tỷ đồng, tăng gấp 2,5 lần so với mức thực hiện năm 2023.

Mục tiêu lợi nhuận tăng gấp đôi

Công ty Cổ phần Tập đoàn KIDO (HoSE: KDC) vừa công bố tài liệu ĐHĐCĐ thường niên năm 2024. trước đó, công ty đã tiến hành gia hạn thời gian tổ chức đến ngày 19/6 để có thời gian chuẩn bị đầy đủ các nội dung, văn bản trình đại hội theo quy định.

Tại ĐHĐCĐ thường niên sắp tới, KIDO dự kiến trình kế hoạch kinh doanh hợp nhất với doanh thu thuần mục tiêu đạt 13.000 tỷ đồng, tăng gấp rưỡi so với mức thực hiện năm 2023. Lợi nhuận trước thuế mục tiêu đạt 800 tỷ đồng, tăng gấp 2,5 lần so với thực hiện năm 2023.

Cổ tức năm 2024 trình cổ đông thông qua ở mức 12% bằng tiền mặt, tương đương cổ đông sở hữu 1 cổ phần có thể nhận được 1.200 đồng. Được biết, KIDO vẫn chưa tiến hành chia cổ tức của năm 2023 được ĐHĐCĐ thông qua hồi đầu năm 2023 với tỷ lệ 6%.

Như vậy, cộng dồn cổ tức của năm 2023 và 2024, cổ đông của KIDO có thể được nhận “cơn mưa” cổ tức từ công ty này với giá trị lên tới khoảng 500 tỷ đồng.

Bên cạnh kế hoạch kinh doanh và cổ tức, KIDO dự kiến trình đại hội về việc hủy phương án mua lại cổ phiếu để giảm vốn điều lệ. Theo đó, ĐHĐCĐ bất thường năm 2022 tổ chức ngày 20/12/2022 của KIDO đã thống nhất thông qua việc mua lại cổ phiếu để giảm vốn điều lệ với số lượng 10 triệu đơn vị.

Ở thời điểm nêu trên, ông Trần Lệ Nguyên, Tổng giám đốc KIDO cho biết việc mua lại cổ phiếu được thực hiện nhằm đưa giá cổ phiếu KDC trở về giá trị thực. Tuy nhiên, phương án này đến nay vẫn chưa được triển khai và dự kiến hủy thực hiện.

Cũng liên quan đến cổ phiếu quỹ, tại ĐHĐCĐ bất thường năm 2022, ban lãnh đạo KIDO đã tiết lộ việc bán lại 22,5 triệu cổ phiếu quỹ cho một tập đoàn đa quốc gia, dự kiến gắn bó lâu dài với công ty. Lãnh đạo KIDO cho biết đã ký kết bản ghi nhớ và dự kiến việc hợp tác có thể mang lại giá trị sản xuất và xuất khẩu sản phẩm của KIDO đi qua các quốc gia khác.

Tuy nhiên, tại ĐHĐCĐ thường niên sau đó, KIDO lại thông qua nội dung chia số lượng cổ phiếu quỹ này cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ sở hữu tương ứng.

Mở rộng nhiều mảng mới

Năm 2023, KIDO ghi nhận doanh thu thuần 8.650 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 323 tỷ đồng, lần lượt giảm 31% và giảm 36,7% so với mức thực hiện năm 2022.

Trong một năm qua, KIDO đã mở rộng thêm nhiều mảng mới, tham gia sâu vào ngành thực phẩm thiết yếu. Cụ thể, trong nửa cuối năm 2023, KIDO đã đầu tư và nâng tỷ lệ sở hữu tại Công ty Cổ phần Thọ Phát Quốc tế lên 68% vốn điều lệ. Đây là thương hiệu bánh bao lâu đời, có mặt trên thị trường từ năm 1987 đến nay.

KIDO thâu tóm thương hiệu bánh bao Thọ Phát trong nửa cuối năm 2023

KIDO thâu tóm thương hiệu bánh bao Thọ Phát trong nửa cuối năm 2023

Bên cạnh đó, KIDO cũng đã rót vốn thành lập Công ty Thực phẩm và Gia vị TA, mở đường cho công ty vào thị trường nước mắm. Sau các thương vụ này, KIDO liên tiếp ra mắt các sản phẩm nước mắm, hạt nêm nhãn hiệu Tường An và Tường An Unicook.

Năm 2023, bên cạnh ngành dầu ăn đem về doanh thu và lợi nhuận lớn nhất cho KIDO, ngành hàng thực phẩm cũng đem về 1.475 tỷ đồng doanh thu bán hàng và 472 tỷ đồng lợi nhuận gộp, đứng thứ 2 trong các ngành hàng của KIDO.

Theo báo cáo nghiên cứu thị trường được thực hiện bởi Euromonitor International, quy mô thị trường ngành hàng gia vị năm 2022 của Việt Nam đạt 35.707 tỷ đồng. Trong đó, nước mắm chiếm tỷ trọng lớn nhất với tổng quy mô đạt 15.214 tỷ đồng. Cũng trong báo cáo này, ngành hàng gia vị được dự báo sẽ đạt 40.812 tỷ vào năm 2026.

Trong bối cảnh này, ông Trần Lệ Nguyên cho biết gia vị sẽ trở thành một ngành hàng đầy tiềm năng của KIDO.

Hải Đường

Nguồn Vietnam Finance: https://vietnamfinance.vn/kido-muc-tieu-loi-nhuan-tang-gap-doi-co-dong-chuan-bi-don-mua-co-tuc-d111443.html