Kiểm soát chặt, không để bệnh sởi bùng phát
Từ đầu năm đến nay, Việt Nam ghi nhận hơn 20.000 trường hợp nghi sởi, trong đó có gần 5.000 ca dương tính, 5 trường hợp tử vong liên quan đến sởi (TP Hồ Chí Minh 3 ca, Bến Tre và Bình Dương mỗi địa phương 1 ca). So với cùng kỳ năm 2023, số nghi sởi cao hơn 52,9 lần, số sởi dương tính cao hơn 111 lần.
Số ca mắc sởi tăng cao
Theo báo cáo của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), tại Việt Nam, số ca mắc sởi tăng cao, nhiều trẻ chưa đến tuổi tiêm chủng đã mắc sởi. Một số địa phương có số nghi sởi và sởi dương tính cao là TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Nghệ An, Đắk Lắk, Bình Dương, Hà Nội, Khánh Hòa, Thanh Hóa, Kiên Giang, Cần Thơ, Đồng Tháp. Nhận định về tình hình dịch bệnh hiện nay, ông Nguyễn Lương Tâm, Phó cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho rằng, tình hình dịch bệnh truyền nhiễm cơ bản vẫn được kiểm soát.
Tuy nhiên, một số bệnh dự phòng bằng vaccine như sởi, ho gà... ghi nhận số mắc tăng cao so với cùng kỳ năm trước là do tác động của đại dịch Covid-19 những năm trước đó đã ảnh hưởng đến tỷ lệ tiêm chủng cho trẻ em trên toàn thế giới, không đạt được mức độ bao phủ cần thiết để ngăn ngừa các đợt bùng phát dịch bệnh, nhất là bệnh sởi. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã đưa ra cảnh báo về việc gia tăng số ca mắc sởi và nguy cơ bùng phát dịch tại nhiều khu vực trên toàn thế giới.
Trong 5 năm qua, dịch sởi đã bùng phát ở 103 quốc gia, nguyên nhân do tỷ lệ tiêm vaccine thấp (chỉ đạt hoặc thấp hơn 80%, so với yêu cầu cần đạt 95%). Còn tại Việt Nam, theo nhận định của Phó cục trưởng Cục Y tế dự phòng, nguyên nhân gia tăng dịch sởi là do chu kỳ dịch và tỷ lệ tiêm chủng thấp, nhiều trẻ mắc sởi dưới 9 tháng tuổi.
Trong đó, tháng 9 có 41 ca, tháng 10 có 90 ca, 11 ngày đầu tháng 11 có đến 64 ca, trong đó, tỷ lệ mắc ở trẻ dưới 9 tháng tuổi (chưa đến tuổi tiêm vaccine phòng sởi) chiếm hơn 31%, với trẻ trên 9 tháng tuổi, tỷ lệ chưa tiêm chủng chiếm đến 40%.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Thanh Hóa cho biết, số ca mắc sởi trong năm nay của Thanh Hóa tăng đột biến với 657 ca sởi và phát ban nghi sởi. Ghi nhận của CDC tỉnh Đồng Nai cũng cho thấy, bệnh sởi tại Đồng Nai cũng nghiêm trọng. Trong tháng 9 có 20 ca mắc, tháng 11 đã tăng lên 102 ca, nhiều đối tượng chưa tiêm vaccine sởi.
Trước tình hình bệnh sởi có xu hướng gia tăng, Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh đã có công văn gửi giám đốc sở y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các đơn vị y tế tăng cường truyền thông, khám, phân loại, thu dung, điều trị, kiểm soát lây nhiễm sởi trong cơ sở khám, chữa bệnh. Các cơ sở khám, chữa bệnh tổ chức phân luồng người bệnh ngay từ khi người bệnh đến đăng ký khám. Bố trí khu khám riêng cho người bệnh sởi hoặc người nghi mắc sởi.
Đồng thời, tổ chức tập huấn và triển khai thực hiện hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh sởi đã được Bộ Y tế ban hành. Cục Quản lý khám, chữa bệnh cũng yêu cầu các cơ sở khám, chữa bệnh chuẩn bị sẵn sàng khu vực cách ly, buồng bệnh cách ly, cơ số thuốc, trang thiết bị y tế, vật tư, phương tiện phòng hộ cá nhân, hóa chất khử khuẩn để cấp cứu, điều trị khi có ca bệnh.
Xem xét tiêm vaccine phòng sởi cho trẻ dưới 9 tháng tuổi
Đến nay, Bộ Y tế đã tiếp nhận hơn 1,13 triệu liều vaccine sởi do WHO viện trợ và phân bổ cho các địa phương. Riêng TP Hồ Chí Minh tự mua 300.000 liều vaccine sởi từ nguồn ngân sách địa phương, không nhận phân bổ vaccine từ nguồn viện trợ. Cả nước đã có hơn 961.793 trẻ được tiêm vaccine phòng sởi trong chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng, chống dịch sởi năm 2024 tại 31 tỉnh, thành phố cho trẻ em 1-10 tuổi tại vùng nguy cơ. Tuy nhiên, theo Bộ Y tế, vẫn còn một số tỉnh, thành phố triển khai chiến dịch chưa bảo đảm tiến độ.
Trước tình hình dịch sởi đang diễn biến rất phức tạp, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương đề nghị các địa phương theo dõi, giám sát chặt chẽ diễn biến dịch bệnh, không để dịch lây lan, bùng phát; cấp cứu, điều trị kịp thời, hạn chế tối đa các trường hợp chuyển nặng, tử vong; tăng cường tổ chức tập huấn, nâng cao năng lực giám sát, điều trị tại các tuyến.
Lãnh đạo Bộ Y tế cũng nhận định, trong thời điểm chuyển mùa hiện nay, thời tiết thay đổi bất thường tạo điều kiện cho các loại mầm bệnh phát triển, nguy cơ gia tăng các bệnh truyền nhiễm, diễn biến khó lường, có thể bùng phát thành dịch lớn. Các địa phương cần tăng cường khuyến cáo, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống, vệ sinh phòng bệnh, bảo đảm an toàn thực phẩm, cung cấp đủ nước uống, nước sạch, thường xuyên vệ sinh môi trường; triển khai kịp thời, hiệu quả các biện pháp chuyên môn về phòng, chống dịch bệnh.
Đồng thời, Bộ Y tế đề nghị các địa phương khẩn trương rà soát đối tượng, tổ chức tiêm bù, tiêm vét cho những trẻ chưa được tiêm hoặc tiêm chưa đủ các mũi vaccine phòng bệnh sởi trong chương trình tiêm chủng mở rộng, đặc biệt là các vùng có nguy cơ bùng phát bệnh sởi hoặc nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp, vùng khó khăn, dân tộc thiểu số, dân tộc ít người. Đẩy nhanh tiến độ triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng, chống dịch sởi năm 2024; tuyên truyền, vận động người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh sởi và đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch theo hướng dẫn của ngành y tế. Tới đây, Bộ Y tế cũng sẽ xem xét vấn đề tiêm vaccine phòng sởi cho trẻ dưới 9 tháng tuổi và các đối tượng khác.
(Theo qdnd.vn)