Kiểm soát quyền lực bằng cơ chế
Hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực theo hướng tất cả quyền lực đều được kiểm soát, bảo đảm mọi hoạt động của cơ quan, đơn vị, tổ chức và cá nhân đều thực hiện đúng nguyên tắc tập trung dân chủ, công khai, minh bạch, hiệu quả. Theo ông Nguyễn Tiến Dĩnh - nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, cần kiểm soát quyền lực bằng chính các cơ chế.
PV: Thưa ông, Bộ Chính trị vừa có Thông báo số 50-KL/TW kết luận về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW. Một vấn đề được đề cập là khắc phục tình trạng chồng chéo, trùng lặp, bỏ sót chức năng, nhiệm vụ giữa các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị. Quan điểm của ông về vấn đề này?
Ông Nguyễn Tiến Dĩnh: Chúng ta phải rà soát lại chức năng nhiệm vụ tại các cơ quan, tổ chức để tránh chồng chéo. Theo đó, một việc chỉ giao cho một bộ, ngành chủ trì thực hiện. Vì vậy, phải tính toán, tổ chức sắp xếp lại nhiệm vụ từ bên trong mỗi bộ, ngành cho đến các sở. Bên cạnh đó, sắp xếp các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện phù hợp thực tiễn.
Tại Nghị quyết 18, Bộ Chính trị cũng đã yêu cầu phải tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu quả. Cho nên các bộ, ngành cũng phải tính đến việc chuyển cho doanh nghiệp, các tổ chức xã hội đảm nhiệm những nhiệm vụ và dịch vụ hành chính công mà Nhà nước không nhất thiết phải thực hiện.
Quan điểm những việc tư nhân làm được thì Nhà nước không nhất thiết phải thực hiện để giải phóng nguồn lực đã được đặt ra lâu nay. Song thực tế nhiều nơi vẫn muốn “ôm”, thưa ông?
- Vừa qua cũng đã thực hiện việc chuyển giao cho tư nhân làm nhiều việc. Do đó thời gian tới cũng cần rà soát lại các nhiệm vụ, cái gì tư nhân làm được thì để họ làm. Nên tính toán để chuyển giao mạnh mẽ hơn trong nhiều lĩnh vực. Bởi những lĩnh vực rất quan trọng như thi hành án mà chúng ta còn chuyển giao được thì nói gì các vấn đề khác.
Việc chuyển giao cho tư nhân làm không chỉ giúp tránh được chồng chéo, ôm đồm mà còn tránh tiêu cực, thưa ông?
- Thứ nhất nó sẽ giảm sự cồng kềnh của bộ máy quản lý nhà nước. Ngân sách nhà nước sẽ giảm đầu tư vào bộ máy. Thứ hai sẽ nâng cao được trách nhiệm của người dân, doanh nghiệp. Theo đó người dân, doanh nghiệp phải tuân thủ pháp luật, làm đúng pháp luật. Nếu người dân, doanh nghiệp sai thì Nhà nước “tuýt còi”, “uốn nắn”, và “xử lý”. Tư nhân làm được thì rất nên để họ làm. Vì như vậy sẽ được cả hai yếu tố, giảm được đầu tư của nhà nước, đỡ cồng kềnh cho bộ máy mà còn giúp nhà nước tập trung vào công tác quản lý.
Nhưng điều quan trọng nhất của việc chuyển giao, theo tôi chính là huy động được nguồn lực trí tuệ, và trách nhiệm của toàn dân. Bởi trong các lĩnh vực khi có sự tham gia của người dân, doanh nghiệp rõ ràng là tốt hơn nhiều. Nó thể hiện sức mạnh của toàn dân tộc.
Chúng ta thấy rõ, bộ máy cồng kềnh khiến ngân sách phải bỏ ra nhiều tiền để nuôi trong khi nguồn lực thì có hạn. Từ đó khiến lương của cán bộ công chức, viên chức thấp, và đây là nguồn cơn của tiêu cực.
Nhiều ý kiến cho rằng, điều cần làm ngay là hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực theo hướng tất cả quyền lực đều được kiểm soát?
- Hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực là vấn đề đã đề cập nhiều lần. Đó là cần kiểm soát quyền lực bằng chính cơ chế như: quy định của Đảng; pháp luật của Nhà nước; rồi sự giám sát của Mặt trận, của nhân dân. Quyền lực đến đâu phải được kiểm soát đến đó một cách tương xứng, tức là trách nhiệm gắn với quyền hạn. Đã có quyền thì phải có trách nhiệm. Vừa qua nhiều cá nhân đã chủ động xin từ chức khi không còn đủ uy tín, tín nhiệm là như vậy.
Nhưng có lẽ chúng ta cần kiểm soát quyền lực ngay từ khâu xây dựng pháp luật. Bởi đây là khâu đầu tiên, và nếu không kiểm soát sẽ có nguy cơ xảy ra tiêu cực, lợi ích nhóm, thưa ông?
- Cần ngăn chặn tiêu cực ngay từ trong xây dựng chính sách. Pháp luật phải thể chế hóa một cách cụ thể để cán bộ không thể, không dám, không muốn tham nhũng, tiêu cực. Trong đó phải rất chặt chẽ về mặt pháp luật để cán bộ không thể lợi dụng để tham nhũng; bên cạnh đó cần cải cách chính sách tiền lương để không muốn tham nhũng. Song, tôi cho rằng tất cả đều nằm ở yếu tố con người. Vì tất cả đều do con người thực hiện, nhiều luật rất chặt chẽ nhưng vẫn có tình trạng “đi đêm”, “quân xanh quân đỏ” trong đấu thầu, rồi thông thầu. Nhiều ngành có phần trăm phụ cấp lên đến 180% nhưng vẫn xảy ra tiêu cực.
Vì thế bên cạnh việc rà soát lại chính sách pháp luật một cách chặt chẽ thì cần có chính sách thu hút, trọng dụng, đãi ngộ hợp lý đối với người tài.
Luật pháp chưa đồng bộ, chưa hoàn thiện thì phải tiếp tục hoàn thiện. Phải đồng bộ mới ngăn chặn được tiêu cực. Kiểm soát quyền lực thì cũng phải bằng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, và phát huy quyền dân chủ của nhân dân, trong đó có quyền dân chủ đại diện và dân chủ trực tiếp. Trong nhiều vấn đề, chúng ta cần mở rộng quyền dân chủ trực tiếp và xin ý kiến trực tiếp của nhân dân, chứ nhiều khi dân chủ đại diện chưa phản ánh hết được tiếng nói của nhân dân.
Trân trọng cảm ơn ông!
Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/kiem-soat-quyen-luc-bang-co-che-5712087.html