Kiểm soát, xử lý vi phạm để ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi

Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã chỉ đạo các đơn vị chức năng như chi cục tỉnh/thành phố, chi cục vùng xuống các địa phương giám sát, cảnh báo và xử lý các vi phạm liên quan đến dịch bệnh.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Phùng Đức Tiến chủ trì cuộc họp chỉ đạo phòng chống dịch tả lợn châu Phi. Ảnh: Bích Hồng/Bnews/vnanet.vn

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Phùng Đức Tiến chủ trì cuộc họp chỉ đạo phòng chống dịch tả lợn châu Phi. Ảnh: Bích Hồng/Bnews/vnanet.vn

Chiều 15/7, tại cuộc họp chỉ đạo phòng chống dịch tả lợn châu Phi, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Phùng Đức Tiến cho biết, tình hình dịch tả lợn châu Phi đã có những chuyển biến tích cực so với cùng kỳ năm ngoái.

Tuy nhiên, ở một số địa phương, nhất là ở phía Bắc, dịch vẫn có xu hướng gia tăng, do ảnh hưởng của thời tiết bất thường, đặc biệt mưa lũ và sự lây lan nhanh, độc lực cao của virus dịch tả lợn châu Phi.

Để ứng phó với tình hình này, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã chỉ đạo các đơn vị chức năng như chi cục tỉnh/thành phố, chi cục vùng xuống các địa phương giám sát, cảnh báo và xử lý các vi phạm liên quan đến dịch bệnh.

Bộ cũng đã ban hành các văn bản chỉ đạo, yêu cầu các địa phương phối hợp với các lực lượng chức năng để quản lý, kiểm soát tình hình. Với hành động quyết liệt, nhanh hơn, hiệu quả hơn, tình hình dịch sẽ hạn chế hơn, giảm tối đa hơn nữa, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết.

Cùng với chăn nuôi an toàn chính học, việc tiêm phòng vaccine cho đàn lợn, đặc biệt là ở các cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ, cũng được chỉ đạo tăng cường thông qua các hoạt động tập huấn, tuyên truyền. Qua đó nâng cao tỷ lệ đàn lợn được tiêm phòng, giúp bảo hộ đàn lợn tốt hơn, đưa ngành chăn nuôi đạt tốc độ tăng trưởng đề ra từ 5,5 - 5,7%. Trước tình trạng người dân còn cố tình bán chạy đàn lợn bệnh nhằm thu hồi vốn, gây rủi ro lớn cho công tác kiểm soát dịch và an toàn thực phẩm, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhìn nhận, đây là một điểm yếu lớn trong chuỗi đảm bảo an toàn thực phẩm, nhất là khi cả nước vẫn còn trên 24.000 cơ sở giết mổ nhỏ lẻ. Các cơ sở, mắt xích này phải được giám sát chặt chẽ, chính quyền địa phương, lực lượng thú y địa phương phải vào cuộc quyết liệt thì mới phát hiện và xử lý kịp thời. Theo ông Phan Quang Minh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi và Thú y, bệnh dịch tả lợn châu Phi đang có chiều hướng gia tăng, chủ yếu là tái phát các ổ dịch cũ, phát sinh ở loại hình chăn nuôi quy mô nhỏ (bình quân 50 - 60 con/ổ dịch) tại các hộ gia đình nơi có điều kiện chăn nuôi không đảm bảo an toàn sinh học. Trong khi, Việt Nam đã sản xuất thành công vaccine phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi và đã xuất khẩu sang một số nước, nhưng việc kiểm soát dịch bệnh trong nước vẫn còn nhiều thách thức. Qua các kênh thông tin không chính thức, phản ánh từ người dân, các phương tiện truyền thông và các Đoàn công tác của Cục Chăn nuôi và Thú y cho thấy tình trạng giấu dịch, không báo cáo dịch bệnh trên hệ thống đang diễn ra phổ biến, làm lây lan dịch bệnh và thách thức nghiêm trọng cho công tác phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi.

Xác lợn chết, nghi bị dịch bệnh bị vứt xuống lòng kênh Chính, kênh Bắc, kênh Nam - Bái Thượng, gây ô nhiễm môi trường, ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt của người dân. Ảnh: TTXVN

Xác lợn chết, nghi bị dịch bệnh bị vứt xuống lòng kênh Chính, kênh Bắc, kênh Nam - Bái Thượng, gây ô nhiễm môi trường, ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt của người dân. Ảnh: TTXVN

Tình trạng giấu dịch biểu hiện dưới nhiều hình thức (bán chạy, giết mổ chui, tiêu thụ nội bộ, vứt xác lợn bừa bãi, báo cáo không đúng sự thật, thiếu sự chủ động kiểm tra từ cơ quan chức năng...), chủ yếu xuất phát từ tâm lý sợ thiệt hại kinh tế và thiếu niềm tin vào chính sách hỗ trợ. Điều này làm tăng nguy cơ lây lan dịch.

Ông Phan Quang Minh cũng thẳng thắn thừa nhận, hoạt động giết mổ động vật còn chưa được kiểm soát triệt để. Một số cơ sở giết mổ vi phạm pháp luật thú y, vẫn thu gom, giết mổ gia súc mắc bệnh, nghi mắc bệnh. Số lượng cơ sở giết mổ nhỏ lẻ tại các địa phương còn nhiều, trong khi địa phương còn thiếu kiểm soát chặt chẽ đối với hoạt động giết mổ. Mặc dù đã có vaccine phòng bệnh hiệu quả cho lợn thịt, nhưng nhiều người nuôi vẫn chủ quan không tiêm phòng cho đàn vật nuôi, còn tâm lý ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ vaccine của nhà nước. Trong khi các trang trại lớn chủ động tiêm phòng, áp dụng biện pháp an toàn sinh học đều không phát sinh dịch bệnh. Đến nay, các doanh nghiệp đã sản xuất và cung ứng ra thị trường khoảng 6,6 triệu liều; trong đó, Công ty Navetco 2,2 triệu liều; Công ty cổ phần AVAC Việt Nam trên 4,4 triệu liều. Theo số liệu của các công ty sản xuất vaccine, đến nay các công ty đã cung ứng ra thị trường trong nước khoảng 4 triệu liều vaccine phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi. Kết quả sử dụng vaccine của các địa phương thời gian qua cho thấy vaccine có hiệu lực và hiệu quả trong phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi.

Đây là “lá chắn” giúp người chăn nuôi lợn yên tâm sản xuất, nhờ đó đã cơ bản kiểm soát được dịch bệnh dịch tả lợn châu Phi trên đàn lợn và tăng tái đàn, cung ứng sản phẩm thịt lợn cho người tiêu dùng, ông Phan Quang Minh chia sẻ.

Từ đầu năm 2025 đến nay, cả nước đã xảy ra 514 ổ dịch tại 27 tỉnh, thành phố (sau hợp nhất). Số lợn mắc bệnh là hơn 29.642 con, số lợn chết và tiêu hủy là 30.462 con. Hiện nay, cả nước có 248 ổ dịch tại 20 tỉnh, thành phố (sau hợp nhất) chưa qua 21 ngày. So với cùng kỳ năm 2024, số liệu của 31 tỉnh, thành phố (sau hợp nhất) cho thấy, số ổ dịch giảm hơn 41%, số lợn chết và tiêu hủy giảm hơn 60%.

Bích Hồng/bnews/vnanet.vn

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/kiem-soat-xu-ly-vi-pham-de-ngan-chan-dich-ta-lon-chau-phi/380456.html