Kiếm tiền triệu mỗi ngày nhờ 'chụp ảnh dạo' dịp hè
Có chiếc máy ảnh trong tay, không ít người đang kiếm tiền triệu mỗi ngày nhờ đi chụp ảnh dạo tại các điểm du lịch, công viên, bãi biển hay khu vui chơi vào dịp hè.
Một ngày "chớp máy" bỏ túi tiền triệu
Anh Nguyễn Văn Quý (26 tuổi, Hà Nội) chia sẻ, từ đầu tháng 6 đến nay, ngày nào anh cũng mang máy ảnh ra Công viên Thủ Lệ và phố đi bộ Hồ Gươm để chụp ảnh thuê. "Trung bình mỗi ngày tôi nhận từ 7–10 khách, chủ yếu là các gia đình có con nhỏ đi chơi. Giá dao động từ 100.000 – 200.000 đồng/bộ ảnh 10–15 tấm chỉnh sửa cơ bản. Ngày cao điểm có thể kiếm 1,5–2 triệu đồng".
Tại Nghệ An, chị Minh Thảo (29 tuổi), một nhiếp ảnh gia tự do cho biết, cứ đến hè là chị lại chuyển lịch từ chụp sự kiện sang chụp ảnh dạo ở các bãi tắm. "Nghề này tưởng lông bông nhưng nếu biết nắm thời cơ, chọn đúng địa điểm, khéo tay, giao tiếp tốt thì thu nhập hơn cả nhân viên văn phòng", chị Thảo nói.

Nhiếp ảnh dạo - một nghề kiếm tiền triệu vào dịp hè. Ảnh: Quỷnh Mai.
Theo chị Thảo, ưu điểm của nghề chụp ảnh dạo là vốn đầu tư ban đầu không cao. Chỉ cần một chiếc máy ảnh cũ, ống kính "xịn sò" vừa phải, thẻ nhớ và pin dự phòng là đủ hành nghề. Không cần thuê mặt bằng, không ràng buộc thời gian, người chụp chủ động di chuyển đến nơi đông khách để bắt cơ hội.
"Ngoài kỹ năng chụp, chỉnh ảnh, người làm nghề này cần biết nắm bắt tâm lý khách hàng, biết chủ động mời chào thân thiện. Đặc biệt với khách có trẻ nhỏ, chỉ cần bắt được một khoảnh khắc cười tự nhiên là họ sẵn sàng trả tiền để lưu giữ", chị Thảo chia sẻ.
Cũng tại bãi biển Cửa Lò (Nghệ An), một nam nhiếp ảnh gia dạo cho biết: "Khách có nhu cầu chụp ảnh rất nhiều, nhất là khi đi tắm biển, không tiện mang điện thoại. Lúc này chúng tôi bắt thời cơ, mời chào khách chụp những tấm ảnh để làm kỷ niệm".
Theo người này, cả hai vợ chồng anh đểu tranh thủ đi chụp ảnh dạo để kiếm thêm thu nhập vào dịp hè. Đây là thời điểm nắng nóng, người dân đi nghỉ mát nhiều nên vợ chồng anh mới làm thêm được. Mỗi năm chỉ làm thêm được trong 3 tháng hè.
"Giá cả thì rất phải chăng, chỉ 10.000 đồng/ảnh gửi file qua zalo, 30.000 đồng/ảnh rửa", người này nói thêm.

Ảnh gửi qua zalo có giá 10.000 đồng/tấm. Ảnh: Quỳnh Mai.
Chụp ảnh dạo có người khen, kẻ chê…
Theo nhiều "nhiếp ảnh gia", không phải ai chụp ảnh dạo cũng mang đến sản phẩm chất lượng. Sự chênh lệch trong tay nghề và kinh nghiệm khiến cảm nhận của khách hàng rất khác nhau.
Chị Trần Hải Yến (35 tuổi, Hải Phòng) kể: "Tôi đưa con đi chơi công viên và được một bạn trẻ mời chụp ảnh. Ban đầu cũng hơi ngại, nhưng thấy bạn ấy chuyên nghiệp, chỉ dẫn tạo dáng khéo, ảnh chỉnh màu nhẹ nhàng, trông đẹp hơn cả ảnh studio".
Trong khi đó, anh Hoàng Hải (Hoàng Mai, Hà Nội) không hài lòng: "Lúc đưa con ra phố đi bộ chơi, có thuê một người chụp ảnh dạo nhưng ảnh gửi lại mờ, góc chụp không hợp lý, ánh sáng xấu. Mình bỏ ra 150.000 đồng mà cảm thấy như bị "mua hớ". Lúc góp ý thì bạn ấy nói do nắng gắt quá nên khó xử lý được".
Chị Mai Lan (Hà Đông, Hà Nội) cũng chia sẻ: "Gia đình tôi đi nghỉ ở Cửa Lò, Nghệ An, thấy xuất hiện khá nhiều thợ chụp ảnh dạo. Họ bắt trúng tâm lý khách hàng muốn có những tấm ảnh đẹp để làm kỷ niệm. Tôi chọn hình thức chụp và gửi ảnh qua zalo với giá 10.000 đồng/ảnh. Tuy nhiên, lựa chọn này hơi sai lầm vì chất lượng ảnh bị giảm so với khi xem ở trên máy ảnh".
Theo nhiều du khách, không phải ai chụp ảnh dạo cũng mang đến sản phẩm chất lượng. Sự chênh lệch trong tay nghề và kinh nghiệm khiến cảm nhận của khách hàng rất khác nhau, đồng thời tạo nên sự cạnh tranh lớn giữa các "tay máy". Để có được sản phẩm như ý, trước khi chọn nhiếp ảnh gia, nên yêu cầu họ cho xem những sản phẩm trước đó. Nếu ảnh đẹp, chất lượng thì mới "chốt".

Nhiều người đi tắm biển trong dịp hè. Ảnh: Quỳnh Mai.
Chụp ảnh xong chưa chắc đã có tiền!
Anh Quân (32 tuổi, thợ chụp ảnh dạo ở Hà Nội) chia sẻ: "Nghề nào cũng có rủi ro, chụp ảnh dạo không phải ngoại lệ. Có lần tôi chụp gần xong bộ ảnh cho một nhóm bạn trẻ thì họ đổi ý, bảo "ảnh không ưng", rồi bỏ đi, không trả tiền, dù mình đã bỏ công, phơi nắng gần tiếng đồng hồ. Cũng không tranh cãi với họ được vì họ chê ảnh không đẹp nên không lấy... May mà trường hợp này cũng chỉ là hãn hữu".
Còn chị Lê Tuyết (39 tuổi, thợ chụp ảnh dạo ở Thanh Hóa), kể: "Tôi chụp cho một chị khách 15 tấm ảnh, khách bảo gửi qua zalo rồi về khách sạn sẽ chuyển khoản trả tiền sau vì đi tắm biển nên không mang theo điện thoại hay tiền mặt. Tôi cũng vui vẻ làm theo, nhưng chờ mãi không thấy khách trả tiền. Nhắn tin hay gọi điện khách đều không trả lời,... Mất toi 150.000 đồng.... Nếu chị khách không ưng có thể nói với tôi là không lấy ảnh, không trả tiền, nhưng đằng này lại bảo tôi gửi ảnh rồi im lặng".
Nhiều thợ ảnh cho rằng, việc chụp ảnh dạo cũng không đơn giản như nhiều người vẫn tưởng. Ngoài kỹ năng chụp và chỉnh sửa ảnh, người hành nghề còn phải có con mắt nhanh nhạy để bắt đúng khoảnh khắc, sự kiên nhẫn để đứng hàng giờ chờ khách, và cả khả năng giao tiếp để thuyết phục người lạ bỏ tiền ra chụp chỉ trong vài phút trò chuyện. Nhiều thợ ảnh dạo chia sẻ, khó nhất không phải là chụp đẹp, mà là "chốt đơn" giữa dòng người đang đi chơi, chưa có ý định chụp ảnh.
"Thời tiết nắng nóng, khách có người dễ tính sẽ vui vẻ hợp tác, người khó tính thì chê bai, đôi khi còn tỏ thái độ thiếu thiện chí. Dù thu nhập có lúc lên tới tiền triệu mỗi ngày, nhưng để duy trì nghề này một cách bền vững đòi hỏi rất nhiều nghị lực, linh hoạt và không ít lần... nhẫn nhịn", chị Ngọc Anh (30 tuổi, thợ ảnh ở Quảng Ninh) cho hay.