Kiên Giang khai thác tiềm năng du lịch từ di sản văn hóa

Với hệ thống trên 160 di tích lịch sử-văn hóa, danh lam, thắng cảnh, tỉnh Kiên Giang có nhiều nhiều tiềm năng phát triển du lịch từ di sản văn hóa, thu hút du khách.

Đông đảo người dân đến dâng hương tưởng nhớ Anh hùng Dân tộc Nguyễn Trung Trực tại Kiên Giang. (Ảnh: Lê Sen/TTXVN)

Đông đảo người dân đến dâng hương tưởng nhớ Anh hùng Dân tộc Nguyễn Trung Trực tại Kiên Giang. (Ảnh: Lê Sen/TTXVN)

Kiên Giang có trên 160 di tích lịch sử-văn hóa, danh lam, thắng cảnh. Trong đó có nhiều di tích có hàng trăm năm và nổi tiếng như Đình thần Nguyễn Trung Trực, quần thể Lăng Mạc Cửu…

Mỗi di tích đều gắn với di sản văn hóa truyền thống lâu đời, thu hút hàng trăm nghìn lượt khách đến tham quan, chiêm bái mỗi năm.

Tiềm năng du lịch văn hóa

Nhắc tới du lịch văn hóa, tâm linh ở Kiên Giang không thể không nhắc đến Đình thần Nguyễn Trung Trực và Lễ hội truyền thống kỷ niệm Ngày mất của Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực.

Theo Sở Văn hóa, Thể thao Kiên Giang, năm 1861, Nguyễn Trung Trực cùng 59 nghĩa quân đã dùng mưu đánh úp chiến hạm L’Espérance trên vàm Nhựt Tảo, tiêu diệt hàng chục sỹ quan, binh lính Pháp cùng lính Ma Ní, lính tập, đốt cháy tan tành “pháo đài nổi” bọc đồng, được trang bị vũ khí hiện đại, mang lại chiến thắng vang dội cho quân và dân ta.

“Bao giờ Tây nhổ hết cỏ nước Nam thì mới hết người Nam đánh Tây” là câu nói bất hủ của vị anh hùng dân tộc đã in sâu vào tâm trí của bao thế hệ người Việt.

Sau khi Nguyễn Trung Trực bị thực dân Pháp xử chém ngày 27/10/1868 tại chợ Rạch Giá, những người dân yêu kính ông đã bí mật thờ ông trong đền thờ Nam Hải đại tướng quân.

Ban đầu, đây chỉ là một ngôi đền nhỏ bằng gỗ, mái lợp lá do dân chài dựng nên bên dòng sông Kiên. Qua lần sửa chữa vào năm 1881, ngôi đền đã khang trang hơn. Nhưng để có diện mạo như ngày hôm nay là nhờ lần sửa chữa lớn vào ngày 20/12/1964, khánh thành ngày 24/2/1970. Toàn bộ kinh phí xây dựng do nhân dân đóng góp.

Năm 1988, Bộ Văn hóa-Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã cấp bằng công nhận Di tích Lịch sử Văn hóa cấp Quốc gia đối với mộ và đình Nguyễn Trung Trực.

Theo Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao Kiên Giang Nguyễn Văn Sáu, Lễ hội truyền thống kỷ niệm Ngày mất của Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực năm 2023 diễn ra từ ngày 10-12/10 (ngày 26 - 28/8 âm lịch), tại thành phố Rạch Giá với nhiều nội dung đặc sắc.

Lễ hội góp phần bảo vệ, phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể gắn với phát triển thương hiệu, tăng cường quảng bá hình ảnh, đất nước, con người Kiên Giang đến du khách trong và ngoài nước.

Dịp lễ hội thường thu hút hàng triệu lượt khách đến hành hương, tưởng nhớ. Lễ hội năm 2023 gắn với Lễ đón nhận Bằng Di sản Văn hóa Phi Vật thể Quốc gia về “Lễ hội Đình thần Nguyễn Trung Trực-Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang.”

“Không chỉ dịp Lễ giỗ cụ Nguyễn mà gia đình tôi mỗi khi đến Rạch Giá, Kiên Giang đều ghé vào dâng hương để thể hiện lòng tôn kính, biết ơn với ông,” bà Tăng Thị Lệ, du khách đến từ tỉnh Hậu Giang chia sẻ.

Là địa phương có nhiều điểm du lịch tâm linh thu hút hàng triệu lượt khách đến mỗi năm, thành phố Hà Tiên là điểm đến không thể bỏ qua với những du khách thích khám phá, tìm hiểu lịch sử, văn hóa vùng đất phương Nam.

Giám đốc Trung tâm xúc tiến Thương mại và Du lịch thành phố Hà Tiên Nguyễn Thị Mộng Quyên cho biết Hà Tiên hiện có 5 di tích cấp Quốc gia, 5 di tích cấp tỉnh và văn hóa phi vật thể. Chuỗi các lễ hội truyền thống như Lễ hội Tao đàn Chiêu Anh Các, Lễ giỗ Đức khai trấn Mạc Cửu, Lễ giỗ Bà Mạc Mi Cô,... đã tạo nên những nét đặc thù về văn hóa và thế mạnh để thành phố phát triển du lịch tâm linh.

Trong số đó, Di tích danh thắng Núi Bình San, bao gồm đền thờ Mạc Cửu và quần thể lăng mộ dòng họ Mạc, những người có công khai phá và giữ gìn vùng đất Hà Tiên thu hút khoảng 600.000 lượt khách đến tham quan, chiêm bái mỗi năm.

“Du khách đến đây vào tất cả các ngày, đặc biệt vào dịp Lễ giỗ Mạc Cửu - Đức khai trấn Hà Tiên (diễn ra vào 26/6-28/6 âm lịch) có hàng chục nghìn người đến dâng hương, cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa,” ông Ong Vĩnh Phúc, Phó Trưởng Ban bảo vệ Di tích danh thắng Núi Bình San, thành phố Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang thông tin.

Đền Quốc Tổ Hùng Vương tọa lạc tại thị trấn Tân Hiệp, huyện Tân Hiệp cũng là một điểm đến thu hút du lịch tâm linh nổi tiếng. Đền được người dân địa phương lập từ năm 1957, là đền thờ Vua Hùng đầu tiên ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Năm 2004, đền được Ủy ban Nhân dân tỉnh Kiên Giang xếp hạng Di tích Lịch sử-Văn hóa cấp tỉnh.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Tân Hiệp Lê Trường Kế nói chia sẻ từ năm 2010, tỉnh chọn Lễ hội Đền Hùng ở huyện Tân Hiệp là một trong 8 lễ hội tiêu biểu của địa phương. Hàng năm, nơi đây đã đón hàng ngàn lượt khách về thăm viếng, lượng khách tham quan, du lịch không ngừng tăng lên.

Đền Hùng đã trở thành điểm tựa tinh thần, hội tụ tinh thần đại đoàn kết dân tộc Kinh-Hoa-Khmer đang sinh sống ở đây và một số tỉnh, thành phố trong khu vực.

Đẩy mạnh quảng bá, thu hút du khách

Theo Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Kiên Giang Bùi Quốc Thái, để phát triển du lịch văn hóa, du lịch tâm linh, tỉnh tiếp tục triển khai các giải pháp, chương trình kích cầu du lịch, phối hợp xúc tiến quảng bá du lịch, đẩy mạnh truyền thông về điểm đến du lịch, đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu về di tích lịch sử- văn hóa, danh lam thắng cảnh và lễ hội.

Thắng cảnh núi Tô Châu bên đầm Đông Hồ của thành phố Hà Tiên (Kiên Giang). (Ảnh: Lê Huy Hải/TTXVN)

Thắng cảnh núi Tô Châu bên đầm Đông Hồ của thành phố Hà Tiên (Kiên Giang). (Ảnh: Lê Huy Hải/TTXVN)

Tỉnh tham gia chương trình xúc tiến, quảng bá, hoạt động liên kết, hợp tác phát triển du lịch tại các thị trường trọng điểm du lịch trong nước (Thành phố Hồ Chí Minh, Lào Cai...) và nước ngoài (Ấn Độ, Vương quốc Anh...)

Tỉnh tổ chức khảo sát, vận động doanh nghiệp tham gia cấp biển hiệu đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch; phối hợp tổ chức đón, tiếp các đoàn famtrip, presstrip trong và ngoài nước.

Đồng thời, Kiên Giang đề xuất chính sách ưu đãi đầu tư, tạo môi trường kinh doanh du lịch thuận lợi, thông thoáng cho doanh nghiệp; nâng cao chất lượng, đa dạng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách.

Tỉnh cũng tích cực huy động nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất, kỹ thuật phát triển du lịch, nhất là đầu tư xây dựng công trình hạ tầng trọng điểm đến các khu, điểm du lịch, di tích.

Tỉnh tiếp tục liên kết, phát triển sản phẩm du lịch, nhất là các sản phẩm mới, sản phẩm đặc thù; đa dạng hóa sản phẩm và loại hình như du lịch văn hóa lịch sử, tâm linh, sinh thái, cộng đồng, nghỉ dưỡng, lễ hội.

Kiên Giang chú trọng đào tạo, phát triển nguồn nhân lực cho ngành du lịch để đáp ứng yêu cầu trong thời kỳ hội nhập và phát triển thông qua chương trình đào tạo nâng cao chất lượng phục vụ, đáp ứng sự hài lòng của du khách.

Cùng với đó, tỉnh vận hành hệ thống nhiều phần mềm của dự án hệ thống website tích hợp video thực tế ảo quảng bá hình ảnh du lịch, hệ thống mua vé trực tuyến, ứng dụng di động (mobile app) và nhiều hoạt động khác./.

Văn Sĩ (TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/kien-giang-khai-thac-tiem-nang-du-lich-tu-di-san-van-hoa/899699.vnp