Kiên Giang: Tư Việt - Nhà khoa học của nhà nông

Chia sẻ về nỗi niềm 'thất truyền' văn hóa lúa mùa, 'nhà khoa học của nhà nông' Lê Quốc Việt, tâm sự, những năm 1990 trở đi, ngành nông nghiệp chuyển sang trồng lúa cao sản, mỗi năm sản xuất từ 2 đến 3 vụ với những giống lúa ngắn ngày, cho năng suất cao, vì thế, theo thời gian, các giống lúa mùa gần như mất dần.

Anh Tư Việt - nhà khoa học của nhà nông - thăm cánh đồng lúa mùa

Anh Tư Việt - nhà khoa học của nhà nông - thăm cánh đồng lúa mùa

Bài 2: Đau đáu nỗi niềm “thất truyền” văn hóa lúa mùa

Chia sẻ về nỗi niềm “thất truyền” văn hóa lúa mùa, “nhà khoa học của nhà nông” tâm sự, những năm 1990 trở đi, ngành nông nghiệp chuyển sang trồng lúa cao sản, mỗi năm sản xuất từ 2 đến 3 vụ với những giống lúa ngắn ngày, cho năng suất cao, vì thế, theo thời gian, các giống lúa mùa gần như mất dần. Hiện nay, ở một số địa phương trong tỉnh Kiên Giang có gieo cấy lấp vụ lúa mùa luân canh trên nền đất nuôi tôm. Ở các vùng đó, người dân sử dụng giống lúa mùa đặc sản địa phương cho năng suất ổn định và những giống lúa ngắn ngày, chất lượng cao, kháng rầy nâu và chịu phèn, mặn, phù hợp với điều kiện đất đai để gieo trồng.

Trong sản xuất, người dân áp dụng các biện pháp kỹ thuật rửa mặn triệt để, đo độ mặn nguồn nước trước khi gieo cấy nhằm phòng tránh, ngăn chặn tình trạng ngộ độc mặn gây hại lúa, gia cố bờ bao, vệ sinh đồng ruộng, nạo vét kênh mương xổ mặn, phèn, đồng thời áp dụng tổng hợp những biện pháp kỹ thuật tiên tiến như “3 giảm - 3 tăng”, quản lý dịch hại tổng hợp IPM, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để lúa không bị sâu bệnh gây hại, sinh trưởng phát triển tốt.

Việc chuyển đổi từ sản xuất hai vụ lúa, năng suất thấp sang mô hình luân canh tôm - lúa đạt hiệu quả kinh tế khá cao, tăng giá trị kinh tế. Mô hình sản xuất này vừa cho nông dân nguồn lợi lúa, tôm và cua, vừa tạo ra môi trường sinh thái sản xuất khá bền vững trước biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp, nhất là đảm bảo an toàn, hiệu quả cho nuôi tôm, cua.

Có điều, cách sản xuất lúa mùa của họ rất khác với anh, mặc dù cũng chỉ trồng một vụ lúa. Họ áp dụng tổng hợp những biện pháp kỹ thuật tiên tiến như “3 giảm - 3 tăng”, quản lý dịch hại tổng hợp IPM, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để lúa không bị sâu bệnh gây hại, vậy là áp dụng khoa học kĩ thuật vào sản xuất, còn anh canh tác lúa mùa “thuận theo tự nhiên” theo cách truyền thống, bởi như anh nói, anh sinh ra, lớn từ nền văn hóa lúa mùa nên nó đã ăn sâu vào máu thịt của mình như “rành 6 câu vọng cổ”.

Thời thơ ấu, anh được sống trọn vẹn với kỹ thuật canh tác lúa mùa truyền thống. Chính vì vậy mà những hình ảnh, những thao tác trong quy trình trồng lúa mùa của người nông dân đã đi sâu vào ký ức, từ các khâu chuẩn bị, bừa đất, gieo mạ, cày, phát - chế cỏ, trục đất, nhổ mạ, cấy lúa, làm cỏ, gặt đập, chuyển lúa về… Mỗi động tác, mỗi cách làm đều là sự kết tinh của quá trình lao động sáng tạo, cải tiến qua hàng trăm năm khai phá của người dân vùng đất này mà có. Và mỗi giai đoạn phát triển của cây lúa mùa lại gắn liền với đời sống hàng ngày, qua từng năm, cả đời người và lưu truyền qua nhiều thế hệ tạo nên một nền tảng văn hóa ở nông thôn: Văn hóa lúa mùa.

Dân gian có câu: Thất mùa một năm nghèo ba năm. Bởi mỗi năm 12 tháng, ba trăm sáu mươi lăm ngày chỉ trồng được có một vụ lúa thôi nên sự năng động sáng tạo, cải tiến gì cũng phải từng chút, từng chút một, để rồi một cách làm, một động tác, một mốc thời gian… trong sản xuất lúa mùa nói riêng và trong đời sống nông nghiệp lúa mùa nói chung, đều có ý nghĩa và một giá trị văn hóa nhất định của nó.

Chính sản xuất lúa mùa là nền tảng hình thành nếp sống, nếp nghĩ của người dân ở nông thôn. Mỗi đứa trẻ khi mới sinh ra đã được nghe những lời ru ngọt ngào đậm đà hương đồng gió nội của mẹ, của bà; lớn lên một chút thì chơi những trò chơi dân dã vừa rèn luyện sức khỏe, vừa rèn luyện kỹ năng lao động và giao tiếp trong cộng đồng; khi đã trưởng thành tiếp tục tiếp thu, kế thừa và phát triển những cách làm, cách sống của cha mẹ, ông bà. Tất cả diễn ra êm đềm, chầm chậm theo chu kỳ mỗi năm một mùa lúa chín!

Rõ ràng, trồng lúa mùa xưa của ông bà mình là loại hình sản xuất thuận theo tự nhiên. Cả quá trình sản xuất và đời sống của người dân dựa theo quy luật của tự nhiên, theo diễn biến của thời tiết. Mùa mưa đến, hột lúa mọc ngoài đồng, con cá lên ruộng sinh sôi nảy nở, con người cũng ra đồng để chăm sóc cho cây lúa, để bắt con cá mà ăn. Hết mùa mưa, bắt đầu chuyển sang mùa khô, cây lúa trỗ và chín, con cá quay về sông rạch, con người hối hả thu hoạch lúa, những hạt ngọc trời, là nguồn sống của từng gia đình, là cơ sở của mọi hoạt động xã hội ở nông thôn. Nông nghiệp nước ta phát triển mạnh theo hướng hiện đại với sự ứng dụng của khoa học kỹ thuật hiện đại, trồng lúa cao sản, mỗi năm 2 vụ nên văn hóa lúa mùa ngày càng mai một. Với người gắn bó mật thiết với cây lúa mùa như mình thì đó là nỗi buồn khó tả, mình tiếc lắm, anh tâm sự.

Trồng lúa mùa là một quá trình được đúc kết hàng trăm năm của cộng đồng các dân tộc sinh sống trên vùng đất này Minh Lương, Châu Thành. Trồng lúa mùa là nền tảng chi phối đời sống vật chất, tinh thần nông dân quê trong quá trình phát triển từ khi khai phá vùng đất đến cuối những năm 1970, tất cả hòa quyện tạo thành một thứ văn hóa: văn hóa lúa mùa, ăn sâu vào nếp sống, nếp nghĩ của người nông dân xưa, trong đó tính hòa quyện với thiên nhiên và cố kết cộng đồng là những giá trị quý báu nhất.

Việc thay đổi cơ cấu mùa vụ, sử dụng các giống cao sản ngắn ngày, áp dụng sâu rộng các biện pháp kỹ thuật mới để thâm canh, tăng năng suất, sản lượng để lấy nông nghiệp làm nền tảng phát triển công nghiệp, để đảm bảo an ninh lương thực là cần thiết đối với một quốc gia đông dân, kém phát triển, nhiều thiên tai như Việt Nam. Mặc khác, việc đẩy mạnh đầu tư hạ tầng kỹ thuật, máy móc thiết bị hiện đại, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, kể cả công nghệ sinh học và khoa học quản lý để xây dựng một nền nông nghiệp tiên tiến, hiện đại cũng là hướng đi đúng của Đảng và nhà nước trong vấn đề phát triển nông nghiệp nông thôn.

Sự phát triển bền vững nào cũng phải dựa trên các giá trị truyền thống. Hiểu biết về quá khứ để vững bước trong tương lai (Sơn Nam). Qua quá trình lưu giữ, nghiên cứu đó chắc chắn sẽ phát hiện ra những giá trị tích cực thích ứng được trong bối cảnh phát triển một nền nông nghiệp tiên tiến mà thị trường là toàn cầu, người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm, cộng thêm tình trạng biến đổi khí hậu đang diễn ra ngày một gay gắt, người tiêu dùng nhất định sẽ hướng về những hạt gạo lúa mùa - một sản phẩm sạch, giàu chất dinh dưỡng, đảm bảo sức khỏe của bản thân và thân thiện mới môi trường.

Trương Anh Sáng

Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/kien-giang-tu-viet-nha-khoa-hoc-cua-nha-nong-a25359.html