Kiến nghị lùi 1 năm tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia để doanh nghiệp có thời gian chuẩn bị
Đại biểu Nguyễn Duy Minh đề nghị đề nghị xem xét lộ trình điều chỉnh thuế tiêu thụ đặc biệt với bia hợp lý, có độ trễ tối thiểu 1 năm để doanh nghiệp có thời gian chuẩn bị và người tiêu dùng có thời gian thích nghi.
Phát biểu tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 7, thảo luận về dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Duy Minh - Phó trưởng Đoàn đại biểu quốc hội chuyên trách TP Đà Nẵng nêu rõ, việc áp thuế cần được xem xét một cách thận trọng, toàn diện, đặc biệt là trên 3 khía cạnh về việc làm, thu ngân sách địa phương, thu ngân sách nhà nước nói chung và sức khỏe người tiêu dùng.
Về tác động của việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt với ngành bia đến việc làm, đại biểu Nguyễn Duy Minh cho rằng, ngành bia hiện nay đang tạo ra hàng triệu việc làm trực tiếp và gián tiếp trên cả nước, từ người nông dân trồng nguyên liệu, nhà máy sản xuất đến hệ thống vận chuyển, phân phối và bán lẻ. Việc tăng thuế đột ngột, mạnh tay như đề xuất như hiện nay sẽ khiến giá bia hợp pháp tăng cao, kéo theo sự sụt giảm tiêu thụ và doanh thu, buộc doanh nghiệp phải cắt giảm nhân sự. Theo một nghiên cứu độc lập, thu nhập của người lao động có thể giảm đến gần 4.600 tỷ đồng mỗi năm nếu thuế tăng như đề xuất. Điều này đe dọa đến sinh kế của hàng trăm nghìn lao động, đặc biệt tại các tỉnh, thành phố phụ thuộc rất nhiều vào ngành đồ uống.

Đại biểu Nguyễn Duy Minh.
Cũng theo đại biểu, về thu ngân sách địa phương, ngành bia hiện nay đóng góp hàng chục nghìn tỷ đồng mỗi năm cho ngân sách nhà nước bao gồm thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế VAT và thuế TNDN. Tuy nhiên, khi sản lượng tiêu thụ hợp pháp giảm mạnh thì các nguồn thu này sẽ bị suy giảm đáng kể. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến ngân sách trung ương mà còn trực tiếp tác động đến thu ngân sách của các địa phương có nhà máy bia, nơi mà nguồn thu này đóng vai trò rất quan trọng trong việc đầu tư phát triển hạ tầng y tế, giáo dục tại địa phương và trong bối cảnh là phải đặt ra mục tiêu tăng trưởng GDP tối thiểu là 8% trong năm 2025. Do vậy, việc điều chỉnh thuế cần phải được tính toán kỹ lưỡng để không tạo ra áp lực cho nguồn thu.
Về sức khỏe cộng đồng, theo đại biểu Nguyễn Duy Minh, chính sách thuế phải góp phần bảo vệ sức khỏe của cộng đồng. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, việc tăng thuế quá nhanh, quá cao có thể gây tác động ngược. Giá bia hợp pháp tăng đột biến sẽ đẩy người tiêu dùng, nhất là nhóm thu nhập thấp chuyển sang các sản phẩm không chính thức, không kiểm soát được chất lượng “bia cỏ” hoặc bia nhập lậu. Điều này đã được một số tổ chức nghiên cứu có danh tiếng chứng minh.
“Qua báo cáo nghiên cứu hành vi của người tiêu dùng, nhiều mẫu bia đã bị phát hiện chứa hàm lượng methanol vượt ngưỡng, gây nguy cơ lớn về an toàn thực phẩm và đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe của người tiêu dùng. Việc này không những phá vỡ những mục tiêu ban đầu là bảo vệ sức khỏe mà còn làm gia tăng thị phần bia bất hợp pháp, gây thất thu ngân sách, làm méo mó thị trường. Chính sách thuế nếu không được thiết kế trên cơ sở khoa học, không có đánh giá tác động đầy đủ và thiếu sự tham vấn của cộng đồng doanh nghiệp sẽ dẫn đến hệ lụy ngoài mong muốn”, đại biểu Minh nhấn mạnh.
Từ những lý do nêu trên, đại biểu Nguyễn Duy Minh đề nghị Ban soạn thảo tiến hành đánh giá tác động toàn diện, minh bạch, có sự tham gia của các tổ chức nghiên cứu độc lập, đặc biệt là xem xét tác động đến việc làm và thu ngân sách địa phương.
Bên cạnh đó, đại biểu cũng đề nghị xem xét lộ trình điều chỉnh thuế hợp lý, có độ trễ tối thiểu 1 năm để doanh nghiệp có thời gian chuẩn bị và người tiêu dùng có thời gian thích nghi.
Cùng với đó, nghiên cứu áp dụng phương pháp đánh thuế dựa trên hàm lượng cồn thay vì đánh thuế theo đánh đồng theo giá trị sản phẩm. Điều này phù hợp với xu hướng quốc tế, vừa công bằng, vừa góp phần định hướng tiêu dùng có trách nhiệm.
Đại biểu Hoàng Đức Thắng, Phó trưởng Đoàn đại biểu quốc hội chuyên trách tỉnh Quảng Trị cho rằng, việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ngành bia là bao nhiêu, lộ trình, thời điểm áp dụng như thế nào thì cần phải nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng, hợp lý, khoa học và thực tiễn, nhất là đánh giá đầy đủ, đúng đắn những tác động không mong muốn nếu áp mức thuế mới này. Đặc biệt là trong bối cảnh các doanh nghiệp vẫn còn gặp khó khăn để duy trì tồn tại và phát triển sau đại dịch Covid-19.
Đại biểu Hoàng Đức Thắng nhận định, các phương án dự kiến tăng mức thuế tiêu thụ đặc biệt đều dẫn đến giá tăng cao, người tiêu dùng có thể sẽ tìm đến các sản phẩm rẻ tiền hơn và kích hoạt sản xuất thủ công, buôn lậu, vừa gây thất thu thuế, gia tăng rủi ro sức khỏe đối với người tiêu dùng và những hệ lụy khác làm cho mục đích tăng thuế không thể thực hiện được. Mặt khác, việc tăng thuế mặt hàng rượu, bia sẽ có tác động ảnh hưởng đến hàng chục mặt hàng đầu vào nguyên liệu và ảnh hưởng đến thu nhập, việc làm của hàng triệu người, trong khi họ chưa sẵn sàng cho việc thay đổi này sẽ tạo ra cú sốc làm quan ngại về việc làm và an sinh xã hội.
Để hài hòa lợi ích của nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng, đại biểu Hoàng Đức Thắng ủng hộ áp dụng phương án thuế theo phương án 1 của dự thảo Luật nhằm tạo điều kiện để doanh nghiệp, thị trường, người tiêu dùng có thời gian thích nghi với việc tăng thuế mới; đồng thời đảm bảo mục tiêu quản lý nhà nước và điều tiết tiêu dùng, hướng tới mục đích hài hòa lợi ích sức khỏe cộng đồng, an sinh xã hội ổn định, phát triển sản xuất kinh doanh, tăng thu ngân sách cho nhà nước trong bối cảnh chúng ta đang nỗ lực để thúc đẩy tăng trưởng chung của nền kinh tế quốc dân.