Kiến tạo hành lang pháp lý cho phát triển điện hạt nhân tại Việt Nam

Theo Phó Thủ tướng, dự thảo Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi) đã hoàn thiện khung pháp lý cho quản lý và vận hành nhà máy điện hạt nhân, lò phản ứng hạt nhân nghiên cứu tại Việt Nam.

Chiều 5/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình dự án Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi).

Sau 17 năm triển khai thi hành, Luật Năng lượng nguyên tử năm 2008 đã bộc lộ bất cập, hạn chế về yêu cầu quản lý, chưa có sự tương thích với một số luật mới ban hành, chưa đáp ứng yêu cầu nội luật hóa liên quan đến các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, chưa phù hợp với các yêu cầu, tiêu chuẩn mới của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế.

Theo Phó Thủ tướng, quan điểm xây dựng Luật lần này kế thừa, phát triển những quy định hợp lý, có tính nguyên tắc của Luật Năng lượng nguyên tử năm 2008; khắc phục triệt để những bất cập, chồng chéo của quy định gây khó khăn, vướng mắc trong quá trình thi hành pháp luật về năng lượng nguyên tử thời gian qua.

Đồng thời, các quy định của Luật phải rõ ràng, có tính khả thi, dài hạn, có tính dự báo đầy đủ và giúp kiến tạo hành lang pháp lý về an toàn bức xạ, hạt nhân, an ninh và thanh sát hạt nhân bảo đảm cho sự phát triển bền vững của ứng dụng của năng lượng nguyên tử, đặc biệt là phát triển điện hạt nhân tại Việt Nam.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long trình bày dự thảo Luật (Ảnh: Media Quốc hội).

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long trình bày dự thảo Luật (Ảnh: Media Quốc hội).

Về phạm vi điều chỉnh, trên cơ sở kế thừa Điều 1 Luật hiện hành, dự thảo Luật quy định về các hoạt động trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử và bảo đảm an toàn, an ninh trong các hoạt động đó.

Dự thảo Luật gồm 12 chương, 73 điều (giảm 20 điều tương ứng với hơn 20% số điều so với Luật năm 2008).

Trong đó, chương IV quy định về an toàn và an ninh cơ sở hạt nhân đã bổ sung quy định về trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở hạt nhân; yêu cầu đối với thiết kế; đầu tư xây dựng nhà máy điện hạt nhân; thẩm định công nghệ, an toàn bức xạ, an toàn và an ninh nhà máy điện hạt nhân.

Chương IV cũng quy định trách nhiệm giám sát an toàn và bảo đảm an ninh (Điều 29, Điều 30, Điều 39 và Điều 40 (dự thảo Luật) để phù hợp với Luật Xây dựng, Pháp lệnh Bảo vệ công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia, luật mẫu của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế và cơ chế đặc thù cho phát triển dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.

Phó Thủ tướng nêu rõ, dự thảo Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi) đã có nhiều sửa đổi quan trọng nhằm hoàn thiện khung pháp lý cho quản lý và vận hành nhà máy điện hạt nhân, lò phản ứng hạt nhân nghiên cứu tại Việt Nam.

"Các quy định mới được xây dựng theo hướng giảm thiểu thủ tục hành chính, nâng cao hiệu quả giám sát và đảm bảo an toàn bức xạ, an toàn và an ninh hạt nhân phù hợp với hệ thống pháp luật hiện hành và thông lệ quốc tế", Phó Thủ tướng nêu.

Kiến tạo hành lang pháp lý cho phát triển điện hạt nhân tại Việt Nam (Ảnh: Media Quốc hội).

Kiến tạo hành lang pháp lý cho phát triển điện hạt nhân tại Việt Nam (Ảnh: Media Quốc hội).

Chương VII của dự thảo Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi) đã thể chế hóa các nội dung về thanh sát hạt nhân theo đúng nội hàm mà thuật ngữ quy định trong các điều ước quốc tế về không phổ biến vũ khí hạt nhân và thanh sát hạt nhân mà Việt Nam là thành viên.

Đồng thời thể chế hóa trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân chịu thanh sát hạt nhân, trách nhiệm của cơ quan pháp quy hạt nhân là đầu mối quốc gia về thanh sát hạt nhân và quyền, nghĩa vụ của thanh sát viên quốc tế phù hợp với quy định của các điều ước quốc tế có liên quan.

Chương VIII của dự thảo Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi) đã thể chế hóa nội dung về vận chuyển vật liệu phóng xạ và nhập khẩu, xuất khẩu vật liệu phóng xạ, thiết bị hạt nhân nhằm bảo đảm an toàn, an ninh đáp ứng thực tiễn quản lý, tăng cường phân cấp, phân quyền và đáp ứng thông lệ quốc tế.

Những nội dung quy định chi tiết thuộc thẩm quyền của Chính phủ đã được rà soát, giao cho Chính phủ quy định trong các văn bản hướng dẫn thi hành Luật.

Ông Lê Quang Huy - Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (Ảnh: Media Quốc hội).

Ông Lê Quang Huy - Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (Ảnh: Media Quốc hội).

Thẩm tra, ông Lê Quang Huy - Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho biết, cơ quan thẩm tra cơ bản nhất trí với quan điểm xây dựng dự án Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi) như đề xuất của Chính phủ.

Về an toàn, an ninh cơ sở hạt nhân (Chương IV, từ Điều 28 đến Điều 43), cơ quan thẩm tra thấy rằng cần bổ sung quy định việc phê duyệt thiết kế đối với nhà máy điện hạt nhân, lò phản ứng hạt nhân nghiên cứu tại Điều 30 của dự thảo Luật.

Cụ thể là thiết kế nhà máy điện hạt nhân và lò phản ứng hạt nhân nghiên cứu phải được Cơ quan pháp quy hạt nhân của nước đối tác thẩm định và phê duyệt, trong đó có tính đến các yêu cầu đặc thù của Việt Nam.

"Trường hợp nhà máy điện hạt nhân và lò phản ứng hạt nhân nghiên cứu do các cơ quan chuyên môn của Việt Nam tự thiết kế thì cần bổ sung quy định về việc tuân thủ yêu cầu về an toàn và an ninh hạt nhân của IAEA", ông Huy nêu.

Về thẩm quyền quyết định, chấp thuận chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân, đa số ý kiến tán thành với phương án như Chính phủ trình, quy định Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư đối với dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân theo quy định của pháp luật về đầu tư công;

Chấp thuận chủ trương đầu tư dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân theo quy định của pháp luật về đầu tư và các quy định khác của pháp luật có liên quan để tạo cơ chế linh hoạt, chủ động và đẩy nhanh tiến độ trong việc triển khai các dự án nhà máy điện hạt nhân; đồng thời, cũng phù hợp với chủ trương về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong bối cảnh hiện nay.

Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra yêu cầu cần rà soát kỹ hệ thống pháp luật để bảo đảm tính đồng bộ, khả thi cũng như đáp ứng yêu cầu về bảo đảm an ninh, an toàn bức xạ và hạt nhân.

Nguyễn Thu Huyền

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/kien-tao-hanh-lang-phap-ly-cho-phat-trien-dien-hat-nhan-tai-viet-nam-20425050515220763.htm