'Kiến tạo' mùa vàng trên những cánh đồng xanh
Năm 2024, ngành nông nghiệp Hòa Bình tiếp tục có những gam màu tươi sáng. Thời tiết tương đối ổn định, cây trồng, vật nuôi sinh trưởng tốt, dịch bệnh được kiểm soát chặt chẽ. Bước sang năm 2025, bất chấp những thách thức, con số tăng trưởng quý I và những chuyến hàng xuất khẩu đã cho thấy sức bật mạnh mẽ, định hình hướng đi cho một nền nông nghiệp hiệu quả, bền vững, từng bước vươn ra thị trường quốc tế.
Năm 2024, ngành nông nghiệp Hòa Bình tiếp tục có những gam màu tươi sáng. Thời tiết tương đối ổn định, cây trồng, vật nuôi sinh trưởng tốt, dịch bệnh được kiểm soát chặt chẽ. Bước sang năm 2025, bất chấp những thách thức, con số tăng trưởng quý I và những chuyến hàng xuất khẩu đã cho thấy sức bật mạnh mẽ, định hình hướng đi cho một nền nông nghiệp hiệu quả, bền vững, từng bước vươn ra thị trường quốc tế.

Sản phẩm măng chế biến của Công ty cổ phần Kim Bôi (thị trấn Ba Hàng Đồi, huyện Lạc Thủy) được đóng thùng, chuyển lên xe công-ten-nơ để xuất khẩu.
Nông nghiệp chuyển mình sau từng vụ mùa
Ba tháng đầu năm 2025, khi giá vật tư nông nghiệp vẫn neo ở mức cao, thị trường tiêu thụ đầy cạnh tranh, ngành nông nghiệp của tỉnh vẫn gặt hái những trái ngọt đầu mùa. Theo số liệu báo cáo của Chi cục Thống kê Hòa Bình, ước quý I/2025, GRDP của tỉnh tăng 12,76% so với cùng kỳ năm trước, cao thứ 2 cả nước; trong đó, nông nghiệp tăng 4,5%.
Vụ xuân này toàn tỉnh đã gieo trồng gần 62.000ha cây hàng năm, riêng lúa chiêm xuân gieo cấy gần 16.000ha. Lúa vẫn là cây trồng chủ lực, tuy nhiên điểm sáng nằm ở sự đa dạng: ngô lai, khoai sọ, lạc, mía, rau đậu thực phẩm... đều được chú trọng phát triển, phù hợp với từng vùng đất, điều kiện canh tác. Xen kẽ đó là những mô hình sản xuất hiện đại, công nghệ cao, hữu cơ ngày càng mở rộng.
Ở lĩnh vực chăn nuôi, tổng đàn gia súc, gia cầm đều tăng so với cùng kỳ. Hiện gần 105.000 con trâu, gần 90.000 con bò và đàn gia cầm gần 10.000 con phát triển ổn định. Công tác phòng, chống dịch bệnh được siết chặt, an toàn vệ sinh thực phẩm được đặt lên hàng đầu, từng bước hình thành những chuỗi sản xuất khép kín, hiện đại.
Khu vực lòng hồ Hòa Bình mênh mông, ngư dân cũng vui mừng với những mẻ cá bội thu. Diện tích nuôi trồng thủy sản đạt hơn 2.730 ha; sản lượng khai thác thủy sản đạt khá. Đặc biệt, cá lồng nuôi trên hồ đã trở thành điểm sáng, mang lại thu nhập bền vững, tạo việc làm cho nhiều hộ dân vùng lòng hồ.
Từ sản phẩm OCOP đặc sản đến những chuyến hàng "xuất ngoại”
Nhắc đến nông sản Hòa Bình hôm nay, không thể không nhắc đến những sản phẩm OCOP đã khẳng định được tên tuổi. 158 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên là niềm tự hào của tỉnh. Từ cam Cao Phong mọng nước, bưởi đỏ Tân Lạc ngọt thanh, cá sông Đà tươi ngon, gà Lạc Thủy chắc thịt đến mật ong rừng Hợp Tiến đậm đà…, mỗi sản phẩm đều mang câu chuyện về đất, về nghề, về con người Hòa Bình.
Đặc biệt, những con số về xuất khẩu nông, lâm sản những tháng đầu năm 2025 là minh chứng cho khát vọng vươn ra "biển lớn". Tính đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh có 10 cơ sở đã xuất khẩu gần 15.120 tấn nông sản các loại, thu về hơn 100,5 tỷ đồng. Trong đó, lâm sản chiếm phần lớn với hơn 14.493 tấn, trị giá gần 67 tỷ đồng. Còn nông sản, dù sản lượng khiêm tốn hơn với trên 624 tấn, nhưng giá trị lại rất đáng kể, mang về khoảng 33,5 tỷ đồng. Từng chuyến măng khô, rau củ muối, chè, cam, ớt, quế… đã vượt qua những tiêu chuẩn khắt khe nhất để có mặt tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, EU, Malaysia, Thái Lan, Đài Loan... Đó không chỉ là buôn bán, mà là sự khẳng định chất lượng, nỗ lực truy xuất nguồn gốc và từng bước xây dựng thương hiệu nông sản Hòa Bình trên trường quốc tế.
Là một trong những đơn vị tiên phong đưa nông, lâm sản chế biến vươn ra thị trường quốc tế, ông Ngô Đức Sinh, Giám đốc Công ty CP Kim Bôi (thị trấn Ba Hàng Đồi, huyện Lạc Thủy) cho biết: "Chúng tôi nhìn thấy tiềm năng rất lớn từ nguồn nguyên liệu sẵn có tại địa phương. Việc đầu tư vào công nghệ chế biến măng không chỉ nâng cao giá trị sản phẩm, mà quan trọng hơn là mở ra cơ hội xuất khẩu sang những thị trường khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc. Những đơn hàng đầu tiên đã minh chứng cho chất lượng và khả năng cạnh tranh của măng chế biến Hòa Bình. Đây là động lực rất lớn để chúng tôi tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất, tạo thêm việc làm cho nhiều lao động và đóng góp vào kim ngạch xuất khẩu chung của tỉnh".
Tiếp tục khẳng định vai trò trụ đỡ của nền kinh tế
Những kết quả tích cực từ nông, lâm nghiệp và thủy sản 3 tháng đầu năm 2025 cho thấy, khu vực này vẫn đóng vai trò quan trọng trong cơ cấu kinh tế của tỉnh. Không chỉ đảm bảo an ninh lương thực, cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp chế biến, nông nghiệp còn góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, đặc biệt là ở khu vực nông thôn. Hơn nữa, còn góp phần lan tỏa phong trào xây dựng nông thôn mới (NTM) ở các vùng nông thôn. Đến nay, toàn tỉnh có 64,3% xã đạt chuẩn NTM. Không dừng lại ở chuẩn cơ bản, nhiều miền quê vươn mình lên một tầm cao mới: đã có 32 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 3 xã chạm mốc NTM kiểu mẫu. Đi sâu vào từng xóm, có thể thấy sự chỉn chu, khang trang hiện hữu qua 75 khu dân cư kiểu mẫu và 258 vườn mẫu xanh tươi, trù phú. Thành quả này không chỉ đếm bằng những con số tiêu chí bình quân 16,3 tiêu chí/xã, mà còn thể hiện rõ nét qua sự đổi thay của từng mái nhà, con đường ở các xóm, thôn.
Trao đổi về định hướng cho năm 2025, đồng chí Nguyễn Huy Nhuận, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường cho biết: Với mục tiêu tăng trưởng 4,3% được đặt ra, ngành phấn đấu giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt khoảng 14,5 nghìn tỷ đồng; có thêm 6 xã được công nhận đạt chuẩn NTM; chuẩn hóa 16 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên... Để đạt được điều đó, ngành tập trung vào "xanh hóa" nông nghiệp, "số hóa" sản xuất, nâng cao chất lượng nông sản và xây dựng thương hiệu. Chuyển đổi số sẽ được đẩy mạnh để quản lý hiệu quả hơn, khuyến khích tích tụ ruộng đất nhằm hình thành những vùng sản xuất lớn, xây dựng vùng nguyên liệu gắn với chế biến, chế biến sâu, hướng đến một nền nông nghiệp "xanh" - nông nghiệp sinh thái, tuần hoàn, hiệu quả. Sự liên kết giữa doanh nghiệp, hợp tác xã sẽ được tăng cường, nhưng trên hết, người nông dân vẫn được đặt ở vị trí trung tâm của sự phát triển...