Kiên trì thuyết phục, ngăn ngừa nạn tảo hôn làm vơi đi những lời ru buồn...

Với giọng nói rủ rỉ, nhẹ nhàng, nhưng trông anh già hơn so với tuổi 40 của mình. Là người có uy tín của dòng họ Mùa, Mùa A Thào đã đi khắp 13 bản của xã Tả Ngảo, Sìn Hồ, Lai Châu để thuyết phục, ngăn ngừa nạn tảo hôn, làm vơi đi những lời ru buồn.

Mùa A Thào mở đầu câu chuyện về những lo lắng của mình khi nạn tảo hôn luôn sẵn sàng bủa vây những đứa trẻ trong xã còn đang tuổi ăn, học và chơi, thế nhưng nhiều em đã "làm cha, mẹ" ở tuổi 15, 16, 17. Bọn trẻ lấy vợ, lấy chồng sớm, gây nhiều hệ lụy đến đời sống xã hội, làm giảm chất lượng dân số, chất lượng giống nòi…

"17 tuổi chưa lấy chồng là… ế"

Tả Ngảo là một xã khó khăn của huyện Sìn Hồ, Lai Châu. Địa bàn rộng, dân cư sống rải rác trên địa bàn, nhận thức của người dân còn nhiều hạn chế. Vấn nạn tảo hôn và kết hôn cận huyết thống từng phổ biến tại địa phương và là tập quán lâu đời.

Người dân cho rằng con cháu thích nhau, không có trâu, bò, lợn, tiền nhiều để làm đám cưới thì mua mấy đồng bạc trắng về làm cái lý theo phong tục rồi cho chúng về ở với nhau, cho nên vợ, nên chồng. Những đứa trẻ đang tuổi ăn, tuổi chơi kéo nhau về sống chung rồi sinh con. Đây cũng là nguyên nhân của đói nghèo cứ đeo bám các bản làng triền miên năm này qua năm khác.

Ở bản Lùng Sử Phìn, mới đây, Thào A Sử và Sình Thị Tôm đã nên vợ, nên chồng khi ở tuổi 16 và 14. Nhìn hai bạn trẻ lông tơ vẫn còn đọng trên má hây hây mà chúng tôi thấy buồn. "Bọn cháu thích nhau và muốn được ở với nhau thôi", Sử Phìn nói và quay mặt đi kéo tay vợ vào nhà, để mặc khách đứng ngoài.

Đến Thà Giảng Chải chúng tôi biết Tẩn Mý Dao vừa qua tuổi 22, em gái, dân tộc Dao, nhưng mang khuôn mặt khắc khổ của một phụ nữ tuổi trung niên.

Lấy chồng từ năm 16 tuổi khi đang học lớp 9, năm nay con trai lớn của Tẩn Mý Dao đã lên 6 và con thứ hai được 3 tuổi. Bước vào đời ở cái tuổi ăn chưa no, nghĩ chưa tới, hàng ngày Dao cùng chồng phải bươn trải với cuộc sống mưu sinh ruộng nương, với hai đứa con nheo nhóc và kinh tế nghèo khó.

Sau giờ lên lớp trẻ em ở Tả Ngảo vùi đầu vào điện thoại thông minh

Sau giờ lên lớp trẻ em ở Tả Ngảo vùi đầu vào điện thoại thông minh

Khi lấy chồng rồi, phải nghỉ học, ở nhà chăm chồng, chăm con, cuộc sống rất vất vả. Những năm đầu sống cùng gia đình chồng, cuộc sống thiếu thốn nên hai vợ chồng thường xuyên xích mích. Giờ ra ở riêng, cuộc sống đỡ vất vả, muốn được quay trở lại lớp học, nhưng lại vướng bận chăm sóc hai con nhỏ.

Tẩn Mý Dao chia sẻ: Em lấy chồng sớm, khi mới 16 tuổi. Lúc đó em chưa biết chăm con, lại nhiều khó khăn về kinh tế. Trong bản em hiện giờ có bạn lấy chồng sớm, tảo hôn. Em bảo mấy đứa em gái lấy chồng muộn thôi, đủ tuổi xong mới lấy chồng, không khó khăn về kinh tế. Lấy chồng khi chưa đủ tuổi, mình sẽ nuôi con khó, con thiếu dinh dưỡng, rồi còi xương...

Người có uy tín làm dân vận

Những bé gái bước vào độ tuổi 14-15 đã đi lấy chồng, phải gánh vác trọng trách làm vợ và thiên chức làm mẹ, làm nhiều người như anh Mùa A Thào, người có uy tín trong dòng họ Mùa ở Tả Ngảo thấy đau lòng.

Anh Mùa A Thào kể: Hủ tục của người Mông từ lâu đời là lấy vợ, lấy chồng sớm. Chưa đủ tuổi, dắt nhau về nhà coi như đã là dạm ngõ. Về ở với nhau, khi đến tuổi mới ra xã làm giấy đăng ký kết hôn…

Đời sống người dân chủ yếu là làm nông nên còn nhiều khó khăn, trình độ dân trí thấp nên tình trạng tảo hôn vẫn xảy ra trong đồng bào dân tộc thiểu số. Nhiều em tiếp thu kiến thức chậm, học lực giảm, học không tốt chỉ muốn ở nhà.

Mùa A Thào (thứ 3 từ trái sang) truyền thông cùng gia đình người Mông bỏ tập tục lạc hậu

Mùa A Thào (thứ 3 từ trái sang) truyền thông cùng gia đình người Mông bỏ tập tục lạc hậu

A Thào cùng với cán bộ y tế ở trạm lặn lội đến từng bản tuyên truyền nâng cao nhận thức cho đồng bào. Anh còn thường xuyên phối hợp với cán bộ y tế ở cơ sở, lồng ghép các nội dung về chăm sóc sức khỏe sinh sản cho người dân thông qua các hoạt động tiêm chủng hàng tháng, các chiến dịch về công tác y tế.

"Tổ chức nói chuyện giáo dục hôn nhân ban đầu không có ai đến đâu. Gia đình tôi vận động các nhà khác cùng dòng họ đến nghe. Tổ chức nhiều chương trình vui lắm, thế rồi bà con nghe theo. Lúc đầu vì tò mò rồi quen dần mỗi lần tổ chức trao đổi, cung cấp thông tin về sức khỏe sinh sản thấm dần với bà con", Thào giọng hồ hởi khoe.

Không chỉ tổ chức các lớp nói chuyện, anh Mùa A Thào cùng với nhiều người trong dòng họ tổ chức các nhóm sinh hoạt. Mỗi nhóm là một địa chỉ của một thôn để thông tin nắm bắt tình hình con em của các hộ gia đình, nhất là các em trong độ tuổi đi học từ lớp 6 trở lên, theo dõi các em có bỏ học không, có quan hệ bạn bè với con cái của gia đình nào để kịp thời đến gặp gỡ các gia đình, vận động các bà mẹ, người thân thường xuyên quan tâm đến chăm sóc nuôi dạy con cái, bỏ các tập tục lạc hậu về hôn nhân gia đình, thấy rõ được tác hại của việc kết hôn sớm.

Trẻ em vùng sâu, vùng xa cần nhiều sân chơi lành mạnh tránh xa những hủ tục

Trẻ em vùng sâu, vùng xa cần nhiều sân chơi lành mạnh tránh xa những hủ tục

Định kỳ 3 tháng một lần tổ sinh hoạt chuyên đề phổ biến, giáo dục pháp luật về hôn nhân gia đình, bảo vệ chăm sóc trẻ em, phòng chống bạo lực gia đình, bảo vệ môi trường, mời các bà mẹ có con vị thành niên, trẻ em gái vị thành niên (kể cả số đã tảo hôn), tuyên truyền về thực trạng và tác hại của việc tảo hôn đối với bản thân, gia đình và xã hội.

Đặc biệt, trong các buổi sinh hoạt, Mùa A Thào đã mời chính những người trong cuộc nói về cuộc sống hiện tại của họ. Điều đó như một lời cảnh tỉnh những người có ý định tảo hôn, đồng thời động viên tinh thần các chị vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống. Từ đó giúp các thành viên và chị em phụ nữ nâng cao nhận thức, tuyên truyền, vận động người thân, con em tích cực phòng chống tảo hôn.

Đơn cử trên địa bàn có 2 cặp sống chung với nhau như vợ chồng khi chưa đủ tuổi đăng ký kết hôn. Ngay sau khi nắm được thông tin, Mùa A Thào đã cùng cán bộ của bản phối hợp với các tổ chức đoàn thể xuống tận gia đình gặp các em để tuyên truyền về Luật Hôn nhân và Gia đình, những hệ lụy xã hội khi tảo hôn. Sau khi lắng nghe và thấu hiểu, em gái đã tự về nhà bố mẹ.

Tuy nhiên, vẫn còn trường hợp gia đình ở gần, thường xuyên qua lại nên chưa chấm dứt hẳn được tình trạng này. Ở bản Lao Lử Để, trước đó có nhiều trường hợp trai gái chưa đến tuổi kết hôn nhưng bỏ học về nhà ở với nhau.

Khi nắm được thông tin, A Thào đã rất quyết tâm đến nói chuyện. Ngày đầu chưa thấm, rồi các ngày sau A Thào lại ngồi kiên trì nói chuyện, tâm tình với bố mẹ của bé trai. Với uy tín của mình, A Thào đã vận động được hai bên gia đình động viên bọn trẻ tạm chưa lên vợ, thành chồng.

Có thể thấy, hầu hết các cặp vợ chồng tảo hôn thời gian qua trên địa bàn huyện Sìn Hồ đều là những hộ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn. Trình độ dân trí và hiểu biết pháp luật còn hạn chế, ít có cơ hội tiếp thu tri thức văn hóa, đồng thời các chế tài xử lý còn nhẹ, chưa tương xứng với hành vi vi phạm là những nguyên nhân khiến nạn tảo hôn vẫn còn xảy ra.

Với những nỗ lực không mệt mỏi của chính quyền các cấp, thời gian qua nhiều giải pháp đã được đưa ra nhằm phòng chống tình trạng tảo hôn. Ngoài công tác tuyên truyền, vận động, chính quyền và các đoàn thể của huyện Sìn Hồ đã chủ động xây dựng quy ước chung của thôn, bản, như quy định về không tảo hôn, kết hôn sớm; nêu gương các mô hình điểm về phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống tại các địa phương vùng cao....

Dù từng bước ngăn chặn được tình trạng tảo hôn nhằm nâng cao hơn chất lượng cuộc sống cho bà con nhưng nguy cơ vẫn luôn tái diễn nếu như việc tuyên truyền không thường xuyên.

Mô hình già bản, người có uy tín đi đầu trong vận động tổ chức các buổi truyền thông về tác hại của tảo hôn được huyện Sìn Hồ và tỉnh Lai Châu thực hiện được đồng bào đón nhận và tin tưởng. Những bước chân thầm lặng của già bản, người có uy tín đã làm vơi đi những lời ru buồn nơi rẻo cao.

Mời độc giả xem thêm video:

Anh Tuệ

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/kien-tri-thuyet-phuc-ngan-ngua-nan-tao-hon-lam-voi-di-nhung-loi-ru-buon-169221029142616338.htm