Kiên trì xóa tà đạo 'San sư khẻ tọ'

Trên cao nguyên đá xám, những mái nhà từng chìm trong bóng tối của tà đạo 'San sư khẻ tọ' nay lại vang tiếng khung cửi dệt lanh, những vạt ngô xanh mướt và tiếng trẻ ê a đọc chữ. Thành quả ấy có được nhờ sự kiên trì của các địa phương trong hành trình hồi sinh những bản làng từng u tối trong tà đạo.

Lực lượng chức năng tuyên truyền, nâng cao nhận thức người dân cảnh giác với tà đạo.

Lực lượng chức năng tuyên truyền, nâng cao nhận thức người dân cảnh giác với tà đạo.

Len lỏi từ những lời rao giảng mê muội

Vào những năm 1990, ở các bản làng heo hút vùng cao phía Bắc của tỉnh, lời đồn về một đạo lạ có thể cầu an, trừ bệnh với tên gọi “San sư khẻ tọ” lan rộng. Đây là tà đạo không rõ hình hài, không giáo lý, truyền miệng nhau cách làm những cây thánh giá bằng gỗ được dán giấy đỏ để thờ. Theo những lời rao giảng, các gia đình không phải thờ cúng ông bà, tổ tiên, cũng không cần làm lễ theo phong tục dân tộc, chỉ cần tin là khỏi bệnh, cả đời được bình yên. Nếu có ốm đau không phải đi bệnh viện, chỉ cần quỳ lạy trước thánh giá sẽ khỏi. Những lời rỉ tai ấy đã làm nhiều người dân nhẹ dạ xiêu lòng nghe theo.

Không có nơi sinh hoạt tập trung, không có người cầm đầu công khai, “San sư khẻ tọ” âm thầm xâm nhập từng mái nhà. Trong cái khó, cái đói, người dân tưởng mình đã tìm được chỗ dựa nên bỏ hẳn phong tục truyền thống, từ chối tham gia sinh hoạt cộng đồng, không nghe lời trưởng thôn hay già làng. Dần dần, thôn làng vốn đoàn kết trở nên chia rẽ, nghi kỵ lẫn nhau. Không ít hộ vì mải mê cầu an, chờ đợi phép màu mà lơ là sản xuất nên cái nghèo cứ thế đeo bám. “Nhiều nhà đóng cửa không đi làm, không thờ cúng tổ tiên, không tham gia lễ hội, bỏ cả sinh hoạt thôn bản. Bản làng vốn bình yên như bị phủ lên một lớp sương mù u tối, nặng nề” - Bí thư Chi bộ thôn Chảo Vần Cao, xã Yên Minh nhớ lại giai đoạn tà đạo hoành hành.

Tà đạo “San sư khẻ tọ” thâm nhập, tồn tại qua nhiều thế hệ, chủ yếu tại các địa phương vùng Cao nguyên đá. Đến năm 2018, có trên 1.200 hộ với hơn 5.800 người mê muội theo tà đạo này. Nhiều xã vùng cao, biên giới như: Thắng Mố, Sủng Máng, Mậu Duệ, Lũng Phìn... trở thành những “điểm nóng”. Theo nhận định của lực lượng an ninh, tà đạo này dù chưa có hoạt động phức tạp chống phá Đảng, Nhà nước, nhưng có tính chất phản khoa học, làm sai lệch văn hóa truyền thống. Không chỉ vậy, tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến an ninh, trật tự và phát triển kinh tế, xã hội.

“3 bám, 5 cùng” Thuyết phục lòng dân

Ít ai nghĩ rằng, chỉ vài năm trước, xã Mậu Duệ từng là “điểm nóng” của tà đạo “San sư khẻ tọ”. Năm 2023, toàn xã có 43 hộ, trên 250 khẩu theo tà đạo này, các hộ đều bỏ hoang ruộng nương, trẻ em nghỉ học, thậm chí có gia đình bán hết gia sản nghe theo lời dụ dỗ của tà đạo này.

Trung tá Cháng Mí Lùng, Trưởng Công an xã Mậu Duệ cho biết: “Đơn vị xác định nếu muốn thuyết phục người dân không tin theo tà đạo phải mềm dẻo, nếu quá cứng rắn, theo luật thì bà con sẽ trốn tránh. Do vậy, trong quá trình tham gia các tổ vận động, đơn vị nắm chắc từng hộ, tìm hiểu hoàn cảnh để có cách tiếp cận phù hợp. Chúng tôi cũng áp dụng phương châm “5 cùng”: cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng dân tộc, cùng sinh hoạt cộng đồng với các hộ để phân tích cho người dân hiểu đâu là tín ngưỡng chính đáng, đâu là tà đạo làm hại cuộc sống. Nhiều buổi vận động, đơn vị mời cả những người đã từ bỏ tà đạo đến chia sẻ để nâng cao hiệu quả công tác vận động, tuyên truyền”.

Chính cách tiếp cận mềm dẻo của lực lượng chức năng đã tạo hiệu ứng lan tỏa ở nhiều địa phương. Bên cạnh đó, cấp ủy, chính quyền các cấp duy trì thực hiện “3 bám”: bám chủ trương, bám cơ sở, bám dân để kiên trì xóa bỏ tà đạo. Cán bộ xã nắm chắc chủ trương chính sách, thấu hiểu văn hóa, phong tục, xuống từng nhà, kiên nhẫn trò chuyện, xóa khoảng cách. Đồng thời, các cao điểm xóa tà đạo “San sư khẻ tọ” được các xã liên tục triển khai với mục tiêu xáo trắng tà đạo này. Tại xã Hữu Vinh đã thành lập các tổ công tác với sự tham gia của lãnh đạo xã, cán bộ thôn, người có uy tín đến từng nhà để nắm bắt tình hình, đánh giá tâm tư và thuyết phục. Trong quá trình đó, ưu tiên các chương trình an sinh xã hội, làm đường, xây điểm trường, xóa nhà tạm... để các hộ thấy được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước.

Nhiều địa phương còn sáng tạo để xóa tận gốc rễ tà đạo, nổi bật là vận động người uy tín, trưởng dòng họ xây dựng dòng họ không tà đạo. Nhờ “3 bám, 5 cùng” và những cách làm hiệu quả, nhiều người từng mê muội đã tự nguyện từ bỏ tà đạo. Đến cuối tháng 3-2025, toàn tỉnh đã “xóa trắng” tà đạo “San sư khẻ tọ”, 100% các hộ đã dỡ bỏ biểu tượng chữ thập đỏ và ký cam kết quay lại phong tục tập quán địa phương. Bản làng bình yên trở lại, nhiều hộ sau khi từ bỏ tà đạo “San sư khẻ tọ” được hỗ trợ con giống, cây trồng, kỹ thuật sản xuất vươn lên thoát nghèo. Trong đó có anh Chảo Mìn Thàng ở xã Yên Minh, khi được tuyên truyền, gia đình đã hiểu và không để kẻ xấu lợi dụng nữa. Sau khi bỏ tà đạo đã mạnh dạn đầu tư nuôi bò, trồng ngô lai, một vụ đã đủ ăn, hai vụ đã có của để dành.

Sau nhiều năm kiên trì, tà đạo “San sư khẻ tọ” đã được xóa trên khắp các xã vùng cao, nhiều bản trở thành điểm sáng đoàn kết, đời sống vật chất và tinh thần ngày càng ổn định. Kết quả ấy đã phản ánh sự quyết liệt của chính quyền, sự bền bỉ của lực lượng công an, cán bộ cơ sở.

Bài, ảnh: Phạm Hoan

Nguồn Tuyên Quang: http://baotuyenquang.com.vn/an-ninh-quoc-phong/202507/kien-tri-xoa-ta-dao-san-su-khe-to-32159bf/