Kim Bảng ưu tiên nguồn vốn vay giải quyết việc làm
Từ nguồn vốn vay giải quyết việc làm, những năm qua, Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Kim Bảng đã giúp cho hàng nghìn hộ gia đình có vốn phát triển kinh tế, xây dựng các mô hình sản xuất kinh doanh hiệu quả, tạo việc làm và thu nhập ổn định. Đây là một trong những nguồn tín dụng ưu đãi được đánh giá phát huy hiệu quả và thực hiện tốt mục tiêu an sinh xã hội.
Từ nguồn vốn vay giải quyết việc làm, những năm qua, Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Kim Bảng đã giúp cho hàng nghìn hộ gia đình có vốn phát triển kinh tế, xây dựng các mô hình sản xuất kinh doanh hiệu quả, tạo việc làm và thu nhập ổn định. Đây là một trong những nguồn tín dụng ưu đãi được đánh giá phát huy hiệu quả và thực hiện tốt mục tiêu an sinh xã hội.
Là địa phương có tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế mạnh mẽ trong thời gian qua, nhu cầu việc làm của người lao động huyện Kim Bảng rất lớn. Toàn huyện có trên 40.000 hộ dân, trong đó có trên 1.600 hộ nghèo, hơn 1.800 hộ cận nghèo. Thực hiện Nghị định 78/2002/NĐ-CP ngày 4/10/2002 của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác, Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Kim Bảng đã triển khai thực hiện 11 chương trình tín dụng chính sách, theo dõi và quản lý 7.380 khách hàng vay vốn. Trong số đó, chương trình tín dụng cho vay giải quyết việc làm (GQVL) đã và đang phát huy hiệu quả, giúp cho hàng nghìn hộ dân có hoàn cảnh khó khăn vay vốn phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo bền vững.
Bà Lê Thanh Huế, Giám đốc Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Kim Bảng cho biết: Với mục tiêu tăng trưởng phải đi đôi với nâng cao chất lượng tín dụng, mang lại lợi ích cho người nghèo và các đối tượng chính sách, NHCSXH huyện đã tham mưu với UBND huyện ban hành các văn bản chỉ đạo các ngành có liên quan, các hội đoàn thể nhận ủy thác cho vay nâng cao chất lượng phối hợp để nguồn vốn nhanh đến tay người dân. Chương trình tín dụng giải quyết việc làm thực sự có ý nghĩa khi giúp cho nhân dân Kim Bảng có điều kiện thực hiện các mô hình phát triển kinh tế hộ, tạo việc làm và thu nhập chính đáng.
Hai vợ chồng chị Vũ Thị Hương, Tổ dân phố số 6, thị trấn Ba Sao cách đây 3 năm chuyển hướng làm ăn từ trồng trọt sang chăn nuôi bò. Thiếu vốn, chị phải vay NHCSXH huyện Kim Bảng số tiền gần 30 triệu đồng để mua giống. Chị Hương cho biết: Với điều kiện thổ nhưỡng ở Ba Sao, chúng tôi nghĩ nuôi bò rất phù hợp, vì nguồn thức ăn khá dồi dào. Tuy nhiên, hai vợ chồng thiếu vốn, phải vay NHCSXH mới mở rộng chăn nuôi. Đến cuối năm ngoái, đàn bò có 17 con, chúng tôi lấy đó là cơ sở để tiếp tục phát triển kinh tế gia đình. Theo chị Hương, ở Tổ dân phố số 6, có nhiều hộ gia đình như gia đình chị, nhờ tiếp cận nguồn vốn vay giải quyết việc làm đã mở rộng sản xuất, chăn nuôi hiệu quả. Sau một vài năm, đời sống kinh tế của các gia đình cơ bản ổn định, lao động có việc làm, thu nhập, không phải đi làm ăn xa. Điều chúng tôi lo nhất là vấn đề dịch bệnh đối với đàn gia súc, gia cầm hiện nay. Mức cho vay từ chương trình này so với nhu cầu sản xuất kinh doanh còn thấp. Hầu hết các hộ dân làm ăn nhỏ như chúng tôi không có vốn nhiều, nếu chỉ vay được số tiền hai, ba chục triệu thì rất khó cho việc đầu tư ban đầu.
Nhận định vấn đề này, bà Lê Thanh Huế, Giám đốc Phòng Giao dịch NHCSXH huyện khẳng định: Trong số gần 75.000 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn thông qua NHCSXH huyện, có gần 36.500 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo vay vốn để đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, ổn định cuộc sống và thoát nghèo bền vững. Nhờ đó, toàn huyện đã có trên 10.000 hộ vượt qua ngưỡng nghèo; tạo việc làm và mở rộng việc làm cho hơn 4.700 lao động.
Hằng năm, nguồn tín dụng chính sách để cho vay tạo việc làm luôn được Trung ương và tỉnh quan tâm phân bổ tăng trưởng cho huyện, nhưng nguồn bổ sung chỉ đáp ứng khoảng 50-55% nhu cầu vay vốn thực tế của nhân dân. Chúng tôi đã nhận được nhiều ý kiến, kiến nghị của người dân đề nghị tăng thêm nguồn vốn cho vay chương trình này. Vừa qua, tại hội nghị tổng kết 20 năm thực hiện Nghị định 78 của Chính phủ, đã có ý kiến kiến nghị UBND tỉnh, Ban đại diện Hội đồng Quản trị NHCSXH tỉnh Hà Nam, các sở, ban, ngành có liên quan tiếp tục quan tâm đến vấn đề này. Bổ sung thêm nguồn vốn cho vay chương trình hỗ trợ tạo việc làm, tạo điều kiện cho lao động nông thôn ổn định cuộc sống, thu nhập, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững và an sinh xã hội trên địa bàn huyện.
Theo báo cáo của Phòng Giao dịch NHCSXH huyện, trong tổng dư nợ cho vay 11 chương trình tín dụng ưu đãi tính đến 31/7/2022 là 446,9 tỷ đồng với 7.396 hộ vay, trong đó số dư nợ cho vay chương trình GQVL đạt 58,192 tỷ đồng với 1.161 hộ vay. Chỉ tính từ đầu năm đến nay, doanh số cho vay GQVL của NHCSXH huyện là 30,688 tỷ đồng. Trên 560 hộ dân tiếp tục được tiếp cận nguồn vốn này. Theo quy định, mức vay tối đa của chương trình này hiện nay là 100 triệu đồng.
Ông Nguyễn Quyết Thắng, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Ba Sao cho biết: Với mức vay này, các đối tượng thụ hưởng có điều kiện mở rộng sản xuất, chăn nuôi, kinh doanh, hạn chế đẩy lùi nạn “tín dụng đen”. Mạng lưới tổ tiết kiệm và vay vốn ở các địa phương hoạt động hiệu quả, chất lượng, là cánh tay nối dài của NHCSXH đến với người dân theo địa bàn thôn xóm, giúp cho việc tiếp cận nguồn vốn vay được thuận lợi hơn rất nhiều. Quan trọng nhất là người dân hiểu được mục đích, yêu cầu của vốn vay để sử dụng, khai thác hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tế của gia đình. Hiện nay, điểm giao dịch xã hoạt động theo phương thức “giao dịch tại nhà, giải ngân, thu nợ tại xã” góp phần quan trọng trong cải cách thủ tục hành chính, giúp cho việc chuyển tải nguồn vốn được kịp thời đến đúng đối tượng thụ hưởng, giảm thời gian, tiết kiệm chi phí cho người đi vay.