Kinh Dược Sư tóm lược (Phần cuối)
Kinh khuyên chúng sinh nên nỗ lực nương theo pháp môn Dược Sư, học hạnh bố thí, gìn giữ Bát Quan trai, tán thán, xưng tụng đức Như Lai Dược Sư Lưu Ly Quang để tự tăng trưởng thiện căn mình mà vượt qua mọi khổ nạn, bệnh tật, điều ác.
1. Khuyên người thọ trì “cúng dường”
"Cúng" là cung ứng, cung cấp, "dường" là dưỡng nuôi, hiểu theo nghĩa đen thì "cúng dường" là sự cung cấp, đáp ứng để nuôi dưỡng thân mạng theo nhu cầu thiết yếu như đồ ăn, thức uống, chỗ ngồi, chỗ nằm, quần áo giữ ấm, thuốc men trị bệnh,...
Nếu có thiện nam, thiện nữ nào có niềm tin thanh tịnh, trong sáng đối với Phật pháp, được nghe danh hiệu cùng tất cả hạnh nguyện bi thiết, ân đức từ bi dứt trừ tai ương của đức Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai, sau khi nghe xong cung kính thọ trì các hạnh lành của đức Dược Sư sẽ thành tựu được công đức, lợi ích lớn cho tự thân, tránh được tai họa.
Thọ trì các hạnh lành của đức Dược Sư được coi chính là cúng dường đức Dược Sư.
Chúng sinh cúng dường kinh Dược Sư bằng cách biên chép, luận giải, khuyên người khác chép, in ấn. Nhất tâm lắng nghe, quán chiếu bằng trí tuệ nghĩa lý của kinh, tư duy và thực hành, như vậy chính là cúng dường kinh sách.
Người khuyên nhủ người khác truyền bá Phật pháp cũng chính là cúng dường. Đối với bất cứ quyển kinh nào, thuộc pháp môn nào, chúng sinh cũng nên đề xướng, xiển dương, nương theo giáo pháp chẳng phân biệt môn phái để tu tập.
Đối với các bậc tu hành, chúng sinh khởi tâm cung kính, cúng dường mọi vật dụng cần thiết cho một bậc tu hành như y áo, thức ăn, vật dụng,… để không cho hoàn cảnh thiếu thốn gây trở ngại tới người tu.
Nếu có thể phát tâm, hoan hỷ cúng dường như vậy đối với Phật pháp, thiện nam, thiện nữ sẽ được chư Phật hộ niệm, nâng đỡ, trợ duyên cho mọi mong cầu đều được toại nguyện, viên mãn tròn đầy.
2. Tứ vô lượng tâm trong khi cúng dường
Trong tâm cần phải thanh tịnh, không khởi lên một chút tạp niệm cấu uế, nhiễm ô nào, cũng không được nổi giận, hoặc có ý bất lương gây hại cho mọi người, nuôi dưỡng lòng từ bi.
Từ là ban vui, bi là cứu khổ, vừa đem tới niềm vui, vừa phá tan nỗi khổ, niềm đau của người khác.
Đặc biệt với pháp môn Dược Sư cần tận tâm cứu độ và làm lợi lạc cho chúng sinh nhưng vẫn giữ vững niệm hỷ, xả, nếu tâm còn khởi sân thì không còn tương ưng với pháp môn Dược Sư.
Hỷ là tâm không ganh tỵ, thấy người khác đạt thành tựu, hoặc lìa khổ thì mừng vui cho người như vui cho mình, xả là tâm bình đẳng, không nắm giữ, không chấp trước, không phân biệt đối tượng chúng sinh.
Bốn loại tâm này gọi là Tứ vô lượng tâm, rất rộng lớn, không đo lường được nên gọi là vô lượng, hay còn gọi là quảng đại. Thân phải chỉnh tề, tâm phải ngay thẳng mới có thể phát tâm rộng lớn mà hành trì pháp môn Dược Sư.
Phúc báo và sự bố thí
Nhờ nương theo pháp môn Dược Sư, chúng sinh có thể đạt được 4 loại phúc báo lớn trong đời gồm có: Sống lâu, nhiều tài của, có quyền thế, con cái giỏi giang.
Đức Dược Sư rất chú trọng việc làm an vui đời sống chúng sinh ngay trong đời hiện tại, tuy nhiên có được 4 phúc báo lớn rồi chúng sinh vận dụng cho đời sống thế nào mới quan trọng.
Cần tận dụng sự sống lâu để làm việc lợi ích cho chúng sinh, tận dụng khả năng kinh tế, tài của có được để trợ cấp, cứu tế cho người khổ cực, khó khăn hơn mình, sử dụng quyền thế để cải thiện, giúp đỡ nhân sinh, lợi ích cho nhân dân, với con cái cần dạy dỗ nuôi nấng cho tin sâu nhân quả, bồi đắp lòng thiện lương, đạo đức.
3. Thoát khỏi tai ương nhờ ân đức pháp môn Dược Sư
Người thực hành bố thí, pháp môn Dược Sư, được phúc báo to lớn giúp thoát khỏi nhiều tai ương
(1). Đoạn diệt được tai họa gây nên bởi thói nghiện rượu, săn bắt sát sinh, đam mê sắc dục, phóng túng không gìn giữ sức lực do thực hành giới, và từ bi không ngừng nghỉ.
(2). Tránh được sự thiếu thốn, đói khát cơm ăn, nước uống.
(3). Tránh được nạn nước: Nạn mưa lớn, nước dâng tạo thành thiên tai, có thể nhấn chìm hoa màu ruộng vườn, hủy hoại nghiêm trọng nhà cửa, cướp sinh mạng chúng sinh.
(4). Tránh được nạn lửa: Lửa lớn gây hỏa tai đáng sợ, thiêu rụi mọi thứ không trừ thứ gì.
(5). Tránh được gươm đao: Hoạn nạn trong thời kỳ chiến tranh loạn lạc, hoặc gặp những tên hung bạo, cướp bóc.
(6) Tránh được thuốc độc: Ám chỉ sự bị đầu độc, hãm hại, đâm lén sau lưng.
(7) Bình an trước con đường hiểm trở: Không bị tai nạn khi đi tại những nơi hiểm nguy như tại vách núi, vách đá hay những nơi cầu cống, hầm hố,…
(8) Tránh được thú dữ: Tránh được những loài vật to lớn hơn sức chống đỡ loài người như voi dữ, hay các loài vật hung bạo như sư tử, hổ, gấu,… tránh được những con vật tuy nhỏ nhưng có độc nguy hiểm như rắn, bọ cạp,…
(9) Tránh xa được “Ngũ nghịch tội”
Ngũ nghịch tội được kinh giải thích là 5 tội ác không được dung thứ, phải chịu đọa đày rất đau khổ, nghiệp báo nặng nề không thể diễn tả bao gồm:
(9.1). Giết cha
(9.2). Giết mẹ
(9.3). Giết A la hán: Giết hại bậc Thánh xuất thế
(9.4). Làm thân Phật chảy máu
(9.5). Phá hòa hợp Tăng chúng: Tức xúi giục, kích động, chia rẽ tăng đoàn, khiến một tập thể tu học đang thanh tịnh, yên vui xảy ra bất hòa, mâu thuẫn, các pháp bất thiện nảy sinh. Ngoài ra, tội này còn bao gồm cả những hành vi phỉ báng Phật pháp như đập phá tượng, khinh khi tượng, thiêu đốt kinh sách,...
Lời kết
Kinh khuyên chúng sinh nên nỗ lực nương theo pháp môn Dược Sư, học hạnh bố thí, gìn giữ Bát Quan trai, tán thán, xưng tụng đức Như Lai Dược Sư Lưu Ly Quang để tự tăng trưởng thiện căn mình mà vượt qua mọi khổ nạn, bệnh tật, điều ác.
Chúng sinh tu học như vậy, phải có tấm lòng rộng lớn mới có thực lợi cho tự thân, nhờ đó phật pháp mới được lưu truyền qua các thế hệ, không ngừng chữa bệnh tâm cho chúng sinh.
Cư sĩ Phúc Quang tóm lược
Tài liệu tham khảo: Kinh Dược Sư và giảng giải kinh Dược Sư, Đại sư Ấn Thuận, Việt dịch: Thích Quảng Lâm, NXB Tôn giáo, 2021.
Nguồn Tạp chí Phật học: https://tapchinghiencuuphathoc.vn/kinh-duoc-su-tom-luoc-phan-cuoi.html