Kinh ngạc với khả năng 'chịu đòn' của cường kích A-10 Warthog

A-10 Warthog được đánh giá là máy bay hỗ trợ không quân cự ly gần xuất sắc nhất lịch sử. Cường kích này nổi tiếng với khả năng 'chịu đòn' nhờ thiết kế độc đáo.

A-10 Warthog là một huyền thoại trong ngành hàng không, được coi là máy bay hỗ trợ không quân cự ly gần tốt nhất từng được chế tạo. Tuy nhiên, sau gần năm thập kỷ hoạt động, vòng đời của A-10 Warthog đang đi đến hồi kết. Không quân Mỹ đã bắt đầu loại bỏ dần dòng máy bay này.

Hãy cùng nhìn lại những điều đã biến A-10 Warthog thành huyền thoại:

Thiết kế để bền bỉ

Khi một chiếc máy bay được chế tạo để bay ở tầm thấp, tốc độ chậm trong các khu vực chiến đấu mặt đất khốc liệt, việc nó phải chịu hỏa lực từ đối phương là điều không thể tránh khỏi. A-10 Warthog thực sự là một cỗ máy bền bỉ, bắt đầu từ buồng lái.

Yếu tố quan trọng nhất của hầu hết các loại máy bay (trừ các máy bay không người lái hiện đại) chính là phi công. Trong A-10, phi công được bảo vệ tối ưu nhờ buồng lái bọc titan. Lớp bảo vệ này giống như một "bồn tắm" đặt dưới buồng lái, bảo vệ phi công trước hỏa lực từ vũ khí phòng không và vũ khí hạng nhẹ. Đây là một lá chắn khó xuyên thủng, giúp phi công an toàn khi tác chiến ở các khu vực có giao tranh ác liệt.

Tương tự, phần thân máy bay cũng được chế tạo vô cùng chắc chắn. Động cơ được đặt trên cánh để giảm nguy cơ bị trúng đạn trực tiếp. Tuy nhiên, ngay cả khi bị trúng đạn, A-10 vẫn nổi tiếng với khả năng tiếp tục bay. Máy bay này có thiết kế khí động học ổn định và các hệ thống dự phòng để đảm bảo hoạt động.

Thiết kế để phá hủy

Đặc điểm nổi bật nhất của A-10 là khẩu pháo tự động GAU-8/A Avenger, nhô ra từ mũi máy bay. GAU-8 là một khẩu pháo bảy nòng, có thể bắn tới 70 viên đạn mỗi giây. Phi công thường mang theo hơn 1.100 viên đạn, được chứa trong một băng đạn dài khoảng 1,8 mét. Các viên đạn có phần đầu đạn là uranium nghèo nên có khả năng phá hủy xe tăng và các phương tiện bọc thép mà hầu hết các loại súng thông thường không thể xuyên thủng. Mỗi viên đạn có kích thước tương đương một lon Pepsi. Khi khai hỏa, GAU-8 phát ra âm thanh đặc trưng "BRRT," vốn là dấu ấn nhận diện của A-10.

Ngoài pháo tự động, A-10 còn mang theo tên lửa không đối đất và không đối không. Tuy nhiên, A-10 không được thiết kế để chiến đấu trên không và chỉ nên sử dụng để đối phó với các mục tiêu như trực thăng của đối phương.

Hiệu quả của các loại vũ khí trang bị trên A-10 đã giúp nó có được danh tiếng đáng kính trong lòng các binh sĩ ở mặt đất, những người dựa vào Warthog để nhận được sự hỗ trợ không quân cự ly gần. Khi Không quân Mỹ đề xuất cho A-10 nghỉ hưu, Lục quân là lực lượng phản đối mạnh mẽ nhất, thậm chí còn cân nhắc việc tự vận hành loại máy bay này.

Kết thúc một kỷ nguyên

Tuy nhiên, A-10 đang dần bị loại bỏ. Những chiếc Warthog đã được đưa về căn cứ không quân Davis-Monthan ở Arizona để "ngủ đông". Sự vắng bóng của A-10 chắc chắn sẽ để lại tiếc nuối, đặc biệt khi các dòng máy bay thay thế (như F-35) không được thiết kế chuyên biệt cho nhiệm vụ hỗ trợ không quân cự ly gần và do đó không hiệu quả bằng.

Dù vậy "ngủ đông" nhưng A-10 sẽ luôn được nhớ đến như chiếc máy bay hỗ trợ không quân cự ly gần tốt nhất từng được chế tạo.

Thế Hải (Theo National Interest)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/kinh-ngac-voi-kha-nang-chiu-don-cua-cuong-kich-a-10-warthog-204250115155031334.htm