Kinh tế biển Bình Thuận: Tiềm năng cần được đánh thức

Hội thảo khoa học 'Phát triển bền vững kinh tế biển ở các tỉnh, thành duyên hải miền Trung và phía Nam dựa trên lợi thế so sánh' do Tỉnh ủy Bình Thuận phối hợp với Tạp chí Cộng sản tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 13/9. Nhân dịp này, Báo Bình Thuận phỏng vấn ông Hồ Trung Phước - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; đồng trưởng Ban tổ chức, Phó trưởng ban nội dung hội thảo.

Kinh tế biển Bình Thuận

Thưa ông, ông có thể khái quát tiềm năng kinh tế biển của tỉnh ta?

Bình Thuận có ngư trường quản lý khai thác rộng 52.000 km2, là 1 trong 3 ngư trường lớn nhất của cả nước, trữ lượng khai thác đánh bắt hải sản hàng năm đạt 240.000 tấn hải sản các loại, phong phú về chủng loại với nhiều loại hải đặc sản quý hiếm có giá trị kinh tế cao. Toàn tỉnh có khoảng 7.000 tàu thuyền, trong đó có khoảng 3.050 tàu có công suất từ 90CV trở lên và có 1.300 tàu đăng ký đánh bắt xa bờ. Với bờ biển dài 192km, nhiều bãi tắm nên thơ, cảnh quan hoang sơ dung dị, khí hậu ấm áp, trong lành quanh năm... Dọc theo bờ biển là những đồi cát vàng ươm ở khu vực Mũi Né, song hành cùng biển Hàm Thuận Nam là những đồi cát đỏ au và hàng trăm bãi đá nâu sẫm hướng biển làm đẹp thêm bức tranh thiên nhiên hữu tình, lãng mạn. Ngoài ra, hạ tầng giao thông biển của Bình Thuận đang được đầu tư và hình thành các cảng biển như: Cảng Phan Thiết, Cảng Phú Quý, đặc biệt là Cảng Vĩnh Tân, cơ sở hạ tầng của Cảng tổng hợp Vĩnh Tân hiện nay đã đáp ứng cho tàu trọng tải lên đến 50.000 DWT, dự kiến giai đoạn II sẽ tiếp tục đầu tư bến cập tàu trọng tải 70.000 DWT. Ngoài ra, còn có các cảng biển ở khu vực biển ngoài khơi tại các mỏ khai thác dầu khí. Tất cả những lợi thế sẽ là đòn bẩy để Bình Thuận thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Cùng với đó, các ngành công nghiệp, dịch vụ khu vực biển, đảo từng bước được đầu tư, khai thác có hiệu quả. Trong đó, đáng chú ý tiềm năng dầu khí trên vùng biển của tỉnh đã, đang được khai thác mang lại hiệu quả lớn, hiện có 3 mỏ dầu khí đã khai thác là Rạng Đông, Ru Bi, Sư tử Đen (sản lượng 80.000 thùng dầu ngày - đêm). Công nghiệp chế biến khoáng sản ven biển được đầu tư, hiện nay tỉnh có 2 dự án nghiền bột zircon, với tổng công suất 15.000 tấn/năm và 1 dự án luyện xỉ titan công suất 24.000 tấn/năm đã triển khai đầu tư xây dựng; các dự án còn lại, hiện đang được các nhà đầu tư triển khai thực hiện. Hoạt động kinh doanh thương mại, dịch vụ khu vực ven biển và hải đảo phát triển ổn định. Một số mặt hàng xuất khẩu quan trọng thuộc khu vực biển, đảo của tỉnh như dầu khí, thủy sản, tinh quặng ilmenit đóng góp lớn vào kim ngạch xuất khẩu. Bên cạnh đó, công nghiệp năng lượng khu vực ven biển và tại đảo Phú Quý ngày càng phát triển, trong đó điện mặt trời, điện gió, nhiệt điện đã được khai thác hiệu quả.

Trong lĩnh vực sản xuất diêm nghiệp, nông - lâm nghiệp vùng ven biển và hải đảo cũng được tỉnh chú trọng, nên không ngừng đẩy mạnh ứng dụng, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất muối; nhân rộng các mô hình sản xuất nông - lâm nghiệp hàng hóa phù hợp với điều kiện tự nhiên vùng ven biển và đảo Phú Quý đã giúp nông dân nâng cao trình độ, áp dụng khoa học kỹ thuật, cải thiện năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi, tăng thu nhập của người dân. Song song đó, việc khai thác thủy sản xa bờ cũng là thế mạnh của tỉnh nên không ngừng được đẩy mạnh gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo, thế nên công tác trang bị an toàn, ứng dụng công nghệ mới trong khai thác, bảo quản sản phẩm trên tàu cá được chú trọng, góp phần gia tăng năng lực và hiệu quả khai thác xa bờ.

Vậy kinh tế biển của tỉnh ta có khó khăn gì không, thưa ông?

Tình trạng sạt lở bờ biển ở một số khu du lịch, khu dân cư tiếp tục xảy ra, làm ảnh hưởng đến đời sống của người dân, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Việc quy hoạch, xây dựng đô thị tại các địa phương có bờ biển còn chậm, chất lượng đồ án chưa cao; nguồn ngân sách lập quy hoạch chưa bố trí kịp thời. Phát triển du lịch biển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh; cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển du lịch còn khiêm tốn, nhiều nơi phát triển chưa đồng bộ, chưa tạo thuận lợi thu hút các nhà đầu tư. Mâu thuẫn giữa phát triển kinh tế du lịch và khai thác tài nguyên khoáng sản titan ven biển hoặc giữa phát triển kinh tế du lịch và phát triển kinh tế hải sản chưa được tháo gỡ.

Việc quản lý hoạt động khai thác, đánh bắt hải sản còn gặp khó khăn do không đủ phương tiện, lực lượng để quản lý nên hiệu quả có phần hạn chế. Trong khi nguồn lợi thủy sản, nhất là các loài thủy sản có giá trị kinh tế cao ngày càng cạn kiệt do tác động của biến đổi khí hậu và hoạt động khai thác không đúng quy định. Sự phối hợp giữa doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kinh tế biển và cơ sở đào tạo chưa cao, trong khi công tác điều tra, khảo sát và dự báo nhu cầu học nghề và việc làm, định hướng nghề nghiệp tại các vùng kinh tế biển chưa sát với thực tiễn. Trình độ học vấn của người lao động còn thấp, nên khó khăn trong việc tiếp thu kiến thức, kỹ năng trong quá trình học nghề.

Ảnh: Đ.H

Ảnh: Đ.H

Sau hội thảo này tỉnh sẽ có những giải pháp nào để phát triển bền vững kinh tế biển một cách căn cơ?

Tôi nghĩ bên cạnh những kết quả đáng ghi nhận, từ những tiềm năng và lợi thế đang có, chúng ta nhận thấy vẫn còn những khó khăn, thách thức cần sớm tháo gỡ, đó là: Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, thông tin về biển, đảo nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là ngư dân. Nâng cao hoạt động công tác thông tin, tuyên truyền quảng bá lợi thế, tiềm năng phát triển kinh tế của tỉnh Bình Thuận, trong đó chú ý đến việc xây dựng, quảng bá thương hiệu các sản phẩm, sản vật của địa phương nhằm thu hút đầu tư, phát triển thương mại, du lịch biển đảo của tỉnh. Đẩy mạnh quy hoạch, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng ven biển và hải đảo. Từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng ven biển, bao gồm cảng biển, sân bay, đường giao thông và các tuyến luồng hàng hải, nhằm kết nối các trung tâm phát triển ven biển với cả nước.

Đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế biển, cơ cấu lại các ngành theo hướng liên kết chặt chẽ các ngành (giữa các ngành kinh tế biển với các ngành, lĩnh vực liên quan như đào tạo, dạy nghề, khoa học công nghệ...); gắn kết phát triển các ngành kinh tế biển với phát triển các trung tâm kinh tế biển, doanh nghiệp biển. Tạo điều kiện nhằm thúc đẩy tiến độ đầu tư các dự án điện gió, điện mặt trời, ưu tiên kết hợp phát triển điện gió và du lịch vùng biển Tuy Phong, Hàm Tiến, Mũi Né, Phú Quý, Kê Gà, Hàm Tân, La Gi... đưa Bình Thuận trở thành trung tâm sản xuất năng lượng tái tạo và năng lượng sạch của vùng duyên hải Nam Trung bộ.

Tăng cường thu hút đầu tư, xây dựng Cảng biển La Gi, Sơn Mỹ, đầu tư nâng cấp cảng vận tải Phan Thiết. Nạo vét, khơi thông luồng lạch tại các cửa sông, cửa biển; quản lý, khai thác có hiệu quả Cảng Phú Quý, Vĩnh Tân, Phan Thiết. Đầu tư, phát triển đội tàu vận chuyển khách từ đất liền ra đảo Phú Quý. Nâng cao năng lực đánh bắt xa bờ gắn với đẩy mạnh phát triển, đa dạng hóa các loại hình dịch vụ hàng hải; đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động hoa tiêu, bốc xếp hàng hóa và các dịch vụ khác nhằm thu hút các hãng vận tải, đoàn tàu cập bến Cảng Bình Thuận.

Xin cám ơn ông!

Công Nam (thực hiện)

Nguồn Bình Thuận: http://baobinhthuan.com.vn/kinh-te/kinh-te-bien-binh-thuan-tiem-nang-can-duoc-danh-thuc-120662.html