Kinh tế đã có chuyển biến, doanh nghiệp vẫn còn khó khăn

Dù rất nỗ lực và đã có những tín hiệu khả quan hơn, nhưng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam 6 tháng đầu năm mới ước đạt 3,72%, thấp hơn kịch bản đề ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CP.

Diễn đàn Cấp cao Cố vấn tài chính Việt Nam 2023 lần đầu tiên do Báo Đầu tư phối hợp với Cộng đồng Cố vấn tài chính Việt Nam (VWA) tổ chức chiều 8/8, tại Hà Nội. Ảnh: Báo Đầu tư

Diễn đàn Cấp cao Cố vấn tài chính Việt Nam 2023 lần đầu tiên do Báo Đầu tư phối hợp với Cộng đồng Cố vấn tài chính Việt Nam (VWA) tổ chức chiều 8/8, tại Hà Nội. Ảnh: Báo Đầu tư

Phát biểu tại Diễn đàn cấp cao Cố vấn tài chính Việt Nam 2023 lần đầu tiên do Báo Đầu tư phối hợp với Cộng đồng Cố vấn tài chính Việt Nam (VWA) tổ chức chiều 8/8, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho rằng, dù rất nỗ lực và đã có những tín hiệu khả quan hơn, tháng sau cao hơn tháng trước, quý sau tích cực hơn quý trước, nhưng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam 6 tháng đầu năm mới ước đạt 3,72%, thấp hơn kịch bản đề ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CP.

Điều này đặt áp lực nặng nề lên việc hoàn thành mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5% trong năm nay. Điều đáng quan ngại là hiện nay, hoạt động sản xuất - kinh doanh trong nhiều lĩnh vực gặp khó khăn. Sức chống chịu của doanh nghiệp bị bào mòn sau đại dịch COVID-19, một bộ phận doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô sản xuất, cắt giảm sản lượng…

Các thách thức lớn hiện nay là thị trường, dòng tiền và thủ tục hành chính trong giải quyết các vấn đề của doanh nghiệp. Chi phí vốn vẫn ở mức cao, tiếp cận vốn tín dụng, phát hành trái phiếu doanh nghiệp, chào bán chứng khoán còn khó khăn. Dư nợ tín dụng đến hết tháng 6 chỉ tăng 4,28%, thấp hơn so với con số 9,44% của cùng kỳ năm 2022.

Thậm chí, nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư buộc phải chuyển nhượng bớt cổ phần, tài sản, dự án đầu tư trong bối cảnh thị trường mua bán sáp nhập (M&A) không thuận lợi, hoặc chưa muốn vay do sản xuất - kinh doanh đình trệ, không có lãi. Việc duy trì hoạt động và tranh thủ cơ hội thị trường gặp nhiều thách thức…

Để thúc đẩy tăng trưởng, các biện pháp nhằm đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, tăng cường xuất khẩu, kích cầu tiêu dùng đang được triển khai quyết liệt, đồng bộ. Đây là một nhiệm vụ rất nặng nề, bởi nếu năm nay, tăng trưởng không đạt mục tiêu sẽ ảnh hưởng đến việc thực hiện Kế hoạch 5 năm 2021-2025, Chiến lược 10 năm 2021-2025, thậm chí xa hơn là các mục tiêu 2030 - 2045 như Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đề ra.

Ngay cả khi năm nay đạt mục tiêu tăng trưởng 6,5%, bình quân hai năm 2024-2025, tăng trưởng GDP phải đạt 7,76%/năm, mới có thể đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 5 năm là 6,5%, cận dưới mục tiêu 5 năm 6,5-7%, theo Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII. Còn nếu tăng trưởng năm 2023 chỉ là 6%, thì bình quân hai năm 2024-2025, phải tăng trưởng 8%/năm.

Đây là những mức tăng trưởng rất cao, nhất là trong bối cảnh kinh tế toàn cầu vẫn còn quá nhiều yếu tố bất định, còn kinh tế trong nước thì vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro như hiện nay. Rất khó để đạt được các con số này, nếu như không có thêm những cơ chế, chính sách đột phá.

Trước tình hình này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu Chính phủ báo cáo Bộ Chính trị về việc sửa đổi, bổ sung một số cơ chế, chính sách liên quan đến sản xuất - kinh doanh và đầu tư. Đó là các vấn đề liên quan đến việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất lúa, đất rừng, tách giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập.

Đồng thời, giao địa phương làm cơ quan chủ quản, sử dụng vốn ngân sách địa phương đầu tư thực hiện các nhiệm vụ, dự án thuộc thẩm quyền của bộ, cơ quan trung ương trên địa bàn, nhất là các dự án quốc lộ, cao tốc.

Cùng với đó, nâng tỷ lệ vốn Nhà nước tham gia dự án đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP); sử dụng chi thường xuyên thực hiện dự án có kinh phí dưới 15 tỷ đồng để cải tạo, nâng cấp, mở rộng, xây dựng mới các hạng mục trong các cơ sở, công trình hiện có…

“Đây là các vấn đề cấp thiết, cần khẩn trương sửa đổi, hoàn thiện để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban nghiên cứu tổng hợp, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) trình bày tham luận tại Diễn đàn. Ảnh: Báo Đầu tư

Ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban nghiên cứu tổng hợp, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) trình bày tham luận tại Diễn đàn. Ảnh: Báo Đầu tư

Tại diễn đàn, ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng Ban nghiên cứu tổng hợp, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết, kinh tế thế giới còn rất nhiều khó khăn nhưng đã có một số chuyển biến. Các tổ chức quốc tế đã có sự điều chỉnh dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm nay; trong đó, IMF đã đưa ra dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2023 và 2024 là khoảng 3%.

Trên cơ sở đó, tại báo cáo tháng 7/2023, CIEM đã dự báo 3 kịch bản kinh tế vĩ mô Việt Nam năm 2023. Cụ thể, kịch bản 1 được tính toán trên giả thiết các yếu tố kinh tế thế giới tiếp tục duy trì phù hợp với đánh giá của các tổ chức quốc tế và Việt Nam duy trì nỗ lực chính sách tương tự như nửa cuối các năm 2021 - 2022.

Kịch bản 2 giữ nguyên hầu hết các giả thiết trong kịch bản 1 liên quan đến yếu tố kinh tế thế giới, song có một số điều chỉnh về nới lỏng tiền tệ và tài khóa tích cực hơn ở Việt Nam.

Kịch bản 3 có thể xảy ra với giả thiết bối cảnh kinh tế thế giới có một số chuyển biến tích cực hơn (tăng trưởng phục hồi, gián đoạn chuỗi cung ứng đã giảm đáng kể, lạm phát ở Mỹ giảm, thời tiết thuận lợi hơn,…) và sự quyết liệt trong cải cách và điều hành ở Việt Nam, qua đó giúp đạt kết quả tối đa về giải ngân/hấp thụ đầu tư công và tín dụng, cải thiện môi trường kinh doanh và năng suất lao động giúp thúc đẩy và thực hiện hoạt động đầu tư (cả tư nhân trong nước và đầu tư nước ngoài) theo hướng hiệu quả hơn.

Kiến nghị một số chính sách nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ông Dương cho rằng, nhiệm vụ ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát vẫn quan trọng, song cũng cần lưu tâm hơn đến tháo gỡ khó khăn cho hoạt động của doanh nghiệp; trong đó, cần cải thiện tiếp cận vốn và cả khả năng hấp thụ vốn cho doanh nghiệp; cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng suất lao động; mạnh dạn ban hành quy định về cơ chế thử nghiệm cho các mô hình kinh tế mới (fintech, kinh tế tuần hoàn).

Bên cạnh đó, Chính phủ cần thực hiện hiệu quả các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký kết và nghiên cứu, đàm phán nâng cấp một số FTA của ASEAN.

Đặc biệt, các địa phương cần thu hút và sử dụng hiệu quả đầu tư nước ngoài trong bối cảnh mới; trong đó, cân nhắc tăng độ mở cho nhà đầu tư nước ngoài tham gia một số lĩnh vực, liên kết vùng trong thu hút FDI, thúc đẩy chuyển giao công nghệ từ các doanh nghiệp nước ngoài, đào tạo kỹ năng cho người lao động để đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp FDI…

Còn theo TS. Lê Xuân Nghĩa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh doanh (BID), thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi theo đáy hình chữ U, không thể phục hồi nhanh được.

Thứ nhất, do kinh tế thế giới cũng đang phục hồi từ từ, vừa phục hồi vừa phải cảnh giác với lạm phát (rủi ro từ chiến tranh, giá nhiên liệu, giá lương thực).

Thứ hai, xuất khẩu và nhập khẩu 6 tháng của Việt Nam giảm, song tốc độ giảm cũng đã chậm dần. Đáng lưu ý, một số ngành xuất khẩu như điện tử, nông sản có tốc độ phục hồi tốt. Về thị trường, hiện nay, phần lớn đơn hàng xuất khẩu sang châu Âu phục hồi rất chậm do đòi hỏi tín chỉ carbon, trong khi các doanh nghiệp Việt Nam đều chưa có sự chuẩn bị. Như vậy, việc xuất khẩu chỉ còn trông cậy vào các thị trường lớn là Mỹ và Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản. Và thứ ba, lĩnh vực dịch vụ (du lịch, ăn uống, đi lại) cũng đang phục hồi khá tốt.

Vấn đề đáng ngại nhất hiện nay là cầu tiêu dùng nội địa vẫn yếu, phục hồi chậm. Tuy nhiên, theo dự đoán, khoảng quý IV/2023, nền kinh tế sẽ phục hồi rõ nét hơn, PMI (chỉ số quản trị thu mua) có thể đạt 50 điểm hoặc hơn”, TS. Lê Xuân Nghĩa cho hay./.

Thúy Hiền/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/kinh-te-da-co-chuyen-bien-doanh-nghiep-van-con-kho-khan/302281.html