Kinh tế Đức 'kẻ ốm yếu' của châu Âu

Theo Deutsche Welle, ngay trước thềm thiên niên kỷ mới, tạp chí kinh doanh The Economist của Anh đã đưa ra phán quyết về nền kinh tế Đức, gọi nước này là 'kẻ ốm yếu' của châu Âu.

Đánh giá như vậy là một hồi chuông cảnh tỉnh cho các chính trị Đức, vốn vẫn đang đắm chìm trong những năm kinh tế tăng trưởng mạnh mẽ sau khi thống nhất, đã và đang trì hoãn cải cách cho nền kinh tế nước này.

Trước đó, Chính phủ của Thủ tướng Gerhard Schröder đã cải cách thị trường lao động và cuối cùng đã đạt được một số kết quả: Vào năm 2014, một nhóm các nhà kinh tế từ Berlin và London đã viết rằng Đức đã phát triển "từ một gã ốm yếu của châu Âu thành một cường quốc lớn về kinh tế".

Nhưng giờ đây, nền kinh tế Đức một lần nữa lại đang gặp khó khăn. Trong hai quý liên tiếp đầu năm 2023, sản lượng kinh tế của nước này đã giảm - điều mà các chuyên gia kinh tế gọi là "suy thoái kỹ thuật". Trong quý gần đây nhất, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Đức đã chững lại ở mức của quý trước, và tất cả các chỉ số kinh tế quan trọng đều cho thấy sự suy giảm.

Clemens Fuest, Chủ tịch Viện ifo, Viện Nghiên cứu Kinh tế Leibniz thuộc Đại học München đã đưa ra kết luận rằng: “Tình hình kinh tế Đức đang đen tối”.

Viện ifo đã khảo sát khoảng 9.000 giám đốc điều hành mỗi tháng về tình trạng hiện tại của doanh nghiệp và kỳ vọng của họ trong sáu tháng tiếp theo. Kết quả là Chỉ số môi trường kinh doanh (tháng 7/2023) đã giảm trong tháng thứ ba liên tiếp. Các chuyên gia nghiên cứu của ifo dự kiến GDP của Đức sẽ giảm tiếp trong quý này.

Chuyên gia kinh tế trưởng Jörg Krämer của ngân hàng Commerzbank cho biết: "Thật không may, không có sự cải thiện nào trước mắt. Việc tăng lãi suất trên toàn thế giới đang gây ra hậu quả, đặc biệt là khi các doanh nghiệp Đức không ổn định do chất lượng địa điểm của họ đang bị xói mòn".

Công nghiệp không còn là điểm nổi bật của Đức

So với các quốc gia công nghiệp hóa khác, Đức đang hoạt động cực kỳ kém và theo ước tính của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Đức sẽ là quốc gia lớn duy nhất có sản lượng kinh tế bị suy giảm.

Lĩnh vực công nghiệp của Đức là điểm nổi bật của nền kinh tế lại đang là lĩnh vực gây ra nhiều lo ngại nhất. Lĩnh vực này chiếm một phần tương đối lớn trong tổng giá trị gia tăng (GVA) của Đức, khoảng 24%, đã trở nên tồi tệ trong suốt thời kỳ suy thoái kinh tế toàn cầu. Các ngành kỹ thuật và ô tô, vốn phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu, đang đặc biệt cảm nhận được tác động của việc sức mua của các khách hàng nước ngoài chững lại.

Các công ty trong những ngành sản xuất vẫn đang tự cứu mình nhờ lượng lớn đơn đặt hàng tồn đọng tích lũy trong đại dịch COVID-19 do các vấn đề nghiêm trọng về chuỗi cung ứng. Nhưng những đơn đặt hàng này sẽ sớm kết thúc và những đơn đặt hàng mới đang giảm dần. Từ tháng 3 đến tháng 5 năm nay, số lượng đơn đặt hàng nhận được đã giảm khoảng hơn 6% so với ba tháng trước đó.

Kinh tế Đức sa sút có rất nhiều nguyên nhân. Một trong số đó là chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và các tổ chức khác muốn kiềm chế lạm phát thông qua việc tăng lãi suất đáng kể. Điều đó làm cho các khoản cho vay trở nên đắt đỏ hơn đối với các doanh nghiệp và người tiêu dùng, đã kìm hãm một ngành kinh tế quan trọng khác ở Đức là xây dựng cũng như làm giảm sự sẵn sàng đầu tư của các công ty.

Sự “trì trệ” của động lực kinh tế là nguyên nhân dẫn đến việc tăng lãi suất. Nhưng các quốc gia thuộc khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) khác, chẳng hạn như Pháp hay Tây Ban Nha, đã đối phó với điều này tốt hơn nhiều. Moritz Schularick, Chủ tịch mới của Viện Kinh tế Thế giới Kiel (IfW) nhận định: Tất cả các nước láng giềng châu Âu của Đức đều có động lực phát triển kinh tế cao hơn.

Các vấn đề về cấu trúc đang kìm hãm nước Đức

Mô hình kinh tế của Đức từng dựa trên việc nhập khẩu năng lượng giá rẻ, chủ yếu là của Nga và nguyên liệu thô giá rẻ cùng hàng hóa bán thành phẩm, chế biến và xuất khẩu chúng dưới dạng hàng hóa đắt tiền, có giá trị cao, nhưng điều đó không còn hiệu quả nữa. Nhiều cuộc khủng hoảng trong những năm gần đây đã vạch trần những điểm yếu của Đức. Các doanh nghiệp sử dụng nhiều năng lượng đang phải chịu chi phí năng lượng cao và những doanh nghiệp đã di dời sản xuất đang không quay trở lại.

Một nghiên cứu mới đây của DZ Bank, ngân hàng lớn thứ hai ở Đức cho biết, các doanh nghiệp vừa và nhỏ, thường được mô tả là xương sống của nền kinh tế Đức đang gặp rất nhiều khó khăn.

Các tác giả của nghiên cứu ghi nhận một loạt bất lợi: Bên cạnh giá năng lượng, họ liệt kê tình trạng thiếu kỹ năng tiềm ẩn, bộ máy quan liêu, thuế cao và cơ sở hạ tầng yếu kém, cũng như cả những khó khăn trong việc thực hiện số hóa và Đức đang là nước có dân số già.

"Phần lớn nền kinh tế của chúng tôi đang thiếu niềm tin về các khoản đầu tư ở Đức với tư cách là một địa điểm kinh doanh, do chi phí cao và một số quy định trái ngược nhau", Peter Adrian, Chủ tịch Hiệp hội các Phòng Thương mại và Công nghiệp Đức cho biết.

Chủ tịch Viện Kiel (ifW) Moritz Schularick đã vạch ra một cách khả thi để thoát khỏi tình trạng tiến thoái lưỡng nan trên: Nếu Đức không muốn một lần nữa trở thành 'kẻ ốm yếu của châu Âu' thì giờ đây họ phải can đảm xoay chuyển tình thế của mình, chú ý đến các lĩnh vực tăng trưởng của tương lai thay vì sợ hãi chi hàng tỷ USD để duy trì các ngành công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng trước đây.

Chủ tịch Schularick cho rằng, Đức phải nhanh chóng giải quyết những thiếu sót và cơ hội bị bỏ lỡ trong thập kỷ qua như sự lạc hậu trong tất cả lĩnh vực kỹ thuật số, sự suy giảm nghiêm trọng năng lực nhà nước và cơ sở hạ tầng công cộng, cũng như việc thiếu một chiến lược có ý nghĩa để cải thiện tình trạng thiếu nhà ở và tăng nhập cư để đối phó với tác động của tình trạng lực lượng lao động ngày càng già hóa.

Di Di / Theo báo chí nước ngoài

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/kinh-te-duc-ke-om-yeu-cua-chau-au-post327606.html