Kinh tế Hàn Quốc đối mặt nguy cơ suy thoái: Tín hiệu cảnh báo từ các chỉ số vĩ mô

Kinh tế Hàn Quốc đang xuất hiện những tín hiệu rõ ràng của suy thoái, trong bối cảnh môi trường bên ngoài xấu đi nhanh chóng trong khi các yếu tố nội tại tiếp tục suy yếu. Đây là nhận định đáng chú ý trong báo cáo xu hướng kinh tế tháng 5 do Viện Phát triển Hàn Quốc (KDI) công bố. Lần đầu tiên kể từ tháng 2/2023, tổ chức nghiên cứu kinh tế hàng đầu này sử dụng cụm từ 'suy thoái kinh tế' để mô tả tình trạng hiện tại.

Theo KDI, nền kinh tế Hàn Quốc, vốn phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu đang chịu sức ép lớn từ 3 hướng: hoạt động sản xuất đình trệ, tiêu dùng nội địa yếu và triển vọng thương mại xấu đi.

Chỉ báo xuất khẩu trung bình hằng ngày đã giảm mạnh, đặc biệt với thị trường Mỹ, do ảnh hưởng của các biện pháp tăng thuế quan từ phía Washington. Trong khi đó, ngành xây dựng tiếp tục trong trạng thái thu hẹp, không đóng góp được vào tổng cầu như kỳ vọng.

Số liệu GDP quý I/2025 phản ánh rõ đà suy yếu này, với mức tăng trưởng âm 0,246%, thấp nhất trong số 19 nền kinh tế lớn công bố kết quả cùng kỳ. Điều này đặt Hàn Quốc vào nhóm quốc gia đang chịu rủi ro “hạ cánh cứng” nếu các điều kiện vĩ mô toàn cầu tiếp tục xấu đi, đặc biệt khi thương mại thế giới vẫn trong chu kỳ điều chỉnh.

Kinh tế Hàn Quốc đang xuất hiện những tín hiệu rõ ràng của suy thoái

Kinh tế Hàn Quốc đang xuất hiện những tín hiệu rõ ràng của suy thoái

Về mặt tài khóa, thâm hụt ngân sách và gánh nặng nợ công cũng đang thu hút sự quan tâm ngày càng lớn. Theo dự báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), tỷ lệ nợ công của Hàn Quốc năm 2025 có thể lên tới 54,5% GDP, lần đầu tiên vượt mức trung bình 54,3% của nhóm 11 quốc gia không sử dụng đồng tiền dự trữ nhưng được xếp hạng là “các nền kinh tế tiên tiến” bởi IMF.

Mức nợ này chưa phải là nguy hiểm theo tiêu chuẩn toàn cầu, song phản ánh xu hướng tài khóa giãn nợ trong bối cảnh nguồn thu ngân sách sụt giảm đáng kể, đặc biệt từ thuế bất động sản và thuế doanh nghiệp.

Bức tranh dự báo cũng không mấy lạc quan. Theo đó, 8 ngân hàng đầu tư toàn cầu, bao gồm JPMorgan, Goldman Sachs và Nomura, đồng loạt hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của Hàn Quốc trong năm 2025 xuống còn 0,8%.

Trong khi đó, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đánh giá thận trọng hơn, dự báo mức tăng trưởng chỉ dao động quanh ngưỡng 1%, thấp hơn nhiều so với tiềm năng trung hạn của nền kinh tế này.

Trong bối cảnh đó, câu hỏi đặt ra là liệu Hàn Quốc có dư địa chính sách để ứng phó hay không. Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BOK) vẫn duy trì lãi suất cơ bản ở mức tương đối cao để kiểm soát lạm phát, nhưng điều này cũng khiến chi phí tín dụng đè nặng lên doanh nghiệp và người tiêu dùng - đặc biệt trong một nền kinh tế mà hộ gia đình mang gánh nặng nợ tư nhân thuộc hàng cao nhất thế giới.

Việc nới lỏng tiền tệ trong ngắn hạn có thể giúp kích thích tăng trưởng, nhưng lại đi kèm rủi ro tài chính, nhất là trong bối cảnh lạm phát lõi vẫn chưa hoàn toàn được kiểm soát.

Nhìn tổng thể, nền kinh tế Hàn Quốc đang bước vào giai đoạn thử thách kép: phải cân bằng giữa ổn định tài chính và hỗ trợ tăng trưởng, trong khi đối mặt với các áp lực mang tính cấu trúc từ già hóa dân số, độ mở thương mại cao và biến động địa chính trị toàn cầu. Rất có thể, một loạt điều chỉnh chính sách vĩ mô mang tính phòng thủ sẽ được triển khai trong nửa cuối năm nay để ngăn chặn đà suy thoái lan rộng.

Quang Chiến

Nguồn DNSG: https://doanhnhansaigon.vn/kinh-te-han-quoc-doi-mat-nguy-co-suy-thoai-tin-hieu-canh-bao-tu-cac-chi-so-vi-mo-317861.html