Kinh tế TRUYỀN HÌNH INTERNET Lai Châu qua ảnh

Cuộc sống của người La Hủ ở xã Pa Ủ (huyện Mường Tè) những năm trước gặp nhiều khó khăn, cái ăn, cái mặc thiếu thốn, nhà cửa không ổn định, lao động sản xuất vẫn còn tập quán lạc hậu. Nhưng đến nay, nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự định hướng, biện pháp đúng đắn của cấp ủy, chính quyền xã, sức sống mới đã lan tỏa đến các bản, góp phần cải thiện bộ mặt nông thôn.

Những ngày giữa mùa thu, vượt qua con đường quanh co, nhiều đèo dốc, chúng tôi đặt chân đến xã Pa Ủ với nhiều cảm xúc khác lạ. Một Pa Ủ nghèo đói với những bản xơ xác, hiu quạnh, đồng, nương cằn cỗi đã không còn mà đó là bản làng như “sức trẻ tuổi thanh niên” đang vươn mình với những ngôi nhà vững chãi, đường nội bản bê tông, điện lưới thắp sáng, con trẻ cắp sách đến trường. Quanh nơi sống là các mô hình kinh tế được đầu tư phủ kín đất trống đồi trọc. Như một “liều thuốc” chữa đúng bệnh, Nhân dân trong xã tự mình đứng lên xây dựng cuộc sống mới.

Niềm vui được mùa của bà con bản Thăm Pa (xã Pa Ủ).

Niềm vui được mùa của bà con bản Thăm Pa (xã Pa Ủ).

Trước đây, người La Hủ quen với lối sống “du mục”, nơi nào canh tác được thì ở, sau một thời gian định cư nơi khác nên nhà ở chỉ như “lán nương”. Lối sống lạc hậu, nhiều hủ tục cùng trình độ nhận thức khiến cuộc sống người dân đi vào ngõ cụt. Nhiều người không chịu lao động, chỉ thích hưởng thụ, đắm chìm trong con mê của “nàng tiên nâu”. Để thay đổi cuộc sống người dân là chuỗi tháng ngày vất vả của cán bộ, công chức xã. Trong lời kể của anh Lý Phí Giá - Chủ tịch UBND xã, anh cho biết: Mỗi lần đến với bà con, chúng tôi phải ăn cơm độn ngô, sắn với nước suối, ngủ nền đất không chăn màn. Thấy cuộc sống người dân khổ sở, ngoài giúp bà con mọi công việc, cán bộ xã tích cực tuyên truyền, vận động, dạy dân cách khai hoang, trồng trọt, chăn nuôi, tham gia lớp dạy nghề. Chúng tôi còn lựa chọn những vùng đất thuận tiện cho sản xuất lâu dài để dân lập bản. Phát triển thế mạnh của địa phương, kết nối với các tổ chức, doanh nghiệp để đầu tư, hỗ trợ, tạo cơ hội cho bà con có việc làm, nâng cao nguồn thu nhập. Đẩy mạnh bài trừ hủ tục, tệ nạn xã hội.

Nhận thức nâng lên, việc trông chờ, ỷ lại vào các nguồn hỗ trợ dần hạn chế, người dân biết đưa công cụ lao động vào sản xuất, tăng cường khai hoang, mở rộng đất canh tác. Hàng ngày từ sáng đến chiều tối, người dân luôn có mặt ở đồng ruộng, nương ngô. Bà con đưa các giống nông sản có chất lượng gieo xuống vùng đất đã cải tạo thay thế các giống cũ. Đến ngày gặt, ngô, thóc làm ra đạt 30 đến 46 tạ/ha, có vụ thóc đạt trên 50 tạ/ha, gấp đôi so với mùa vụ của 3 năm trước đây. Nông sản chở từ đồng về chất đầy góc nhà, không chỉ đủ ăn mà còn dư thừa để bán. Tận dụng diện tích đất ruộng, nương, người dân trồng các loại rau màu, cải thiện nguồn dinh dưỡng trong từng bữa ăn.

Nỗ lực thoát nghèo không chỉ trong trồng trọt mà người dân tích cực phát triển chăn nuôi, nhất là chăn nuôi đại gia súc. Tận dụng địa hình rộng với nhiều đồng cỏ, các bãi chăn thả được hình thành, đàn gia súc không còn thả rông mà đưa lên các bãi để tận dụng nguồn thức ăn tự nhiên, nhân giống tăng đàn. Tăng cường nuôi nhốt, phòng chống dịch bệnh, áp dụng khoa học kỹ thuật, phát triển nuôi thủy sản. Nhờ vậy, đàn gia súc của xã đạt 700 con, gia cầm gần 5.000 con. Bảo vệ, phát triển rừng mỗi năm người dân hưởng lợi hơn 20 tỷ đồng. Bà con đẩy mạnh trồng cây sa nhân tím, mắc-ca, quế với gần 500ha, hứa hẹn đem lại thu nhập cho người dân khi xuất bán. Ngoài ra, bà con tham gia các lớp dạy nghề để có kiến thức, rèn giũa tay nghề đầu tư kinh doanh thương mại-dịch vụ, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Anh Ly Ha Xá (bản Nhú Ma) chia sẻ: Nhờ cán bộ xã tuyên truyền, vận động, tôi không còn ỷ lại vào các nguồn hỗ trợ mà tự dùng sức lao động của mình tạo ra của cải vật chất. Tôi tích cực học nghề, mạnh dạn vay vốn áp dụng vào mô hình kinh tế của gia đình và tham gia bảo vệ rừng, phát triển cây công nghiệp. Mỗi năm thu nhập của gia đình tôi gần 70 triệu đồng, có “của ăn, của để” hơn trước.

Từ việc lười lao động, trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước, 859 hộ thuộc 11 bản của xã tự vươn lên phát triển kinh tế. Do đó, tỷ lệ hộ nghèo hiện nay còn 67% (giảm 18%); thu nhập bình quân đạt 22,3 triệu đồng/người/năm, tăng 12,3 triệu đồng so với năm 2016. Cuộc sống từng bước đổi thay, Nhân dân trong xã tích cực xây dựng đời sống văn hóa, bài trừ hủ tục, tệ nạn; tăng cường bảo vệ an ninh biên giới, giữ vững an ninh trật tự.

Với quyết tâm thay đổi, xã Pa Ủ đang từng bước có diện mạo mới. Đó là minh chứng cho việc gắn kết giữa Đảng với dân để xây dựng vùng quê nghèo khó trở nên văn minh, giàu đẹp.

Nguồn Lai Châu: https://baolaichau.vn/kinh-t%E1%BA%BF/s%E1%BB%A9c-s%E1%BB%91ng-m%E1%BB%9Bi-n%C6%A1i-bi%C3%AAn-c%C6%B0%C6%A1ng