Kịp thời thể chế hóa các quan điểm, định hướng phát triển Thủ đô Hà Nội

Thường trực Ủy ban Pháp luật và các cơ quan tham gia thẩm tra đều tán thành với sự cần thiết ban hành Luật Thủ đô (sửa đổi) nhằm kịp thời thể chế hóa các quan điểm, định hướng phát triển Thủ đô Hà Nội được đặt ra trong các nghị quyết của Bộ Chính trị, tạo cơ chế đột phá, huy động mọi nguồn lực, khai thác hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô, đưa Thủ đô tiếp tục phát triển nhanh, bền vững.

Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) được Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét tại phiên họp thứ 26 - Ảnh: VGP/ĐH

Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) được Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét tại phiên họp thứ 26 - Ảnh: VGP/ĐH

Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) được Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét tại phiên họp thứ 26 diễn ra ngày 20/9.

Báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long khẳng định, việc ban hành Luật Thủ đô (sửa đổi) là cần thiết nhằm thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng về xây dựng, phát triển, quản lý, bảo vệ Thủ đô tại một số Nghị quyết của Bộ Chính trị như Nghị quyết số 06-NQ/TW, Nghị quyết số 30-NQ/TW, đặc biệt là Nghị quyết số 15-NQ/TW về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó xác định xây dựng, phát triển Thủ đô "Văn hiến-Văn minh-Hiện đại" và khắc phục những tồn tại, hạn chế đã được nhận diện qua hơn 9 năm thi hành Luật Thủ đô năm 2012.

Dự án được xây dựng dựa trên các quan điểm chỉ đạo là: Thể chế hóa đầy đủ các chủ trương, đường lối của Đảng về xây dựng, phát triển Thủ đô; quy định các cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội cho Thủ đô bảo đảm phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng và tuân thủ Hiến pháp năm 2013; bám sát 9 nhóm chính sách đã được Chính phủ thông qua; cụ thể hóa tối đa các cơ chế, chính sách đặc thù trong Luật để áp dụng được ngay; kế thừa, phát triển các quy định đã được thực tiễn kiểm nghiệm tốt của Luật Thủ đô 2012; luật hóa các cơ chế, chính sách đặc thù đang thí điểm cho các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phù hợp với Thủ đô.

Hiện dự thảo Luật được xây dựng với bố cục thành 7 chương, 59 điều (tăng 3 chương, 32 điều so với Luật Thủ đô 2012, trong đó giữ nguyên 3 điều; sửa đổi, bổ sung 18 điều; quy định mới 38 điều). Luật này quy định vị trí, vai trò; tổ chức chính quyền; tài chính, ngân sách, huy động nguồn lực đầu tư; xây dựng, phát triển, quản lý, bảo vệ Thủ đô và liên kết vùng Thủ đô.

Thẩm tra về dự án luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nhấn mạnh, Thường trực Ủy ban Pháp luật và các cơ quan tham gia thẩm tra đều tán thành với sự cần thiết ban hành Luật Thủ đô (sửa đổi) nhằm kịp thời thể chế hóa các quan điểm, định hướng phát triển Thủ đô Hà Nội được đặt ra trong các nghị quyết của Bộ Chính trị, tạo cơ chế đột phá, huy động mọi nguồn lực, khai thác hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô, đưa Thủ đô tiếp tục phát triển nhanh, bền vững.

Hồ sơ dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) được Chính phủ chuẩn bị rất công phu, nghiêm túc, chất lượng, gồm đầy đủ các tài liệu theo quy định tại Khoản 1 Điều 64 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đủ điều kiện trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến trước khi trình Quốc hội.

Theo ông Hoàng Thanh Tùng, Thường trực Ủy ban Pháp luật và các cơ quan tham gia thẩm tra đều tán thành với mục đích và các quan điểm xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) như đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ và đề nghị trong quá trình xem xét, ban hành Luật cần lưu ý một số quan điểm, yêu cầu là: Việc sửa đổi Luật Thủ đô phải bám sát chủ trương, yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra trong các nghị quyết của Trung ương, của Bộ Chính trị và trên cơ sở kết quả sơ kết, tổng kết để định ra các cơ chế, chính sách, giải pháp phát triển Thủ đô.

Việc kế thừa và luật hóa trong Luật Thủ đô một số cơ chế, chính sách đặc thù đang được thực hiện thí điểm tại TP. Hà Nội và một số địa phương khác theo các nghị quyết của Quốc hội là cần thiết nhưng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo lưu ý nguyên tắc: Luật chỉ quy định những nội dung đã chín, đã rõ, được thực tiễn chứng minh, có sự thống nhất cao để bảo đảm tính ổn định, lâu dài và phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội của Thủ đô. Đối với những vấn đề mới, chưa đạt đồng thuận cao, chưa được đánh giá, sơ kết, tổng kết về tính hiệu quả, đặc biệt là các chính sách đang trong quá trình thực hiện thí điểm thì cần tiếp tục nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm quốc tế, lấy ý kiến chuyên gia và đánh giá tác động kỹ trước khi đưa vào Luật.

Ông Hoàng Thanh Tùng nhấn mạnh, việc xây dựng dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) cần được đặt trong tổng thể hệ thống pháp luật bởi đây không phải là đạo luật thay thế toàn bộ các luật hiện hành để áp dụng trên địa bàn Thủ đô. Luật Thủ đô (sửa đổi) không quy định lại những nội dung đã được quy định trong các luật khác mà chỉ tập trung vào những chính sách đặc thù, riêng biệt cho Thủ đô chưa được quy định hoặc khác với quy định của luật hiện hành.

Nguyễn Hoàng

Nguồn Chính Phủ: https://baochinhphu.vn/kip-thoi-the-che-hoa-cac-quan-diem-dinh-huong-phat-trien-thu-do-ha-noi-102230920150030525.htm