KQKD ngân hàng quý I: Techcombank báo lãi hơn 7.200 tỷ đồng, tạm thời dẫn đầu hệ thống

Bức tranh kinh doanh một số ngân hàng tiết lộ kết quả kinh doanh khả quan mức tăng trưởng hai, ba chữ số, trong khi có nhà băng đã chuyển từ lỗ sang lãi trong quý đầu năm.

Tính đến thời điểm hiện tại, đã có tổng cộng 12 ngân hàng công bố sơ bộ kết quả kinh doanh và chi tiết báo cáo tài chính quý I/2025. Trong đó, một số ngân hàng ghi nhận lợi nhuận tăng như VietinBank, SHB, SeABank, LPBank và TPBank,.... Hai ngân hàng có tăng trưởng lợi nhuận ba chữ số và hai ngân hàng có kết quả thấp hơn so với cùng kỳ năm trước.

Mới đây nhất, Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank - Mã: TCB) công bố báo cáo tài chính quý I với lợi nhuận trước thuế đạt hơn 7.236 tỷ đồng, giảm 7% so với cùng kỳ năm trước; lợi nhuận sau thuế ở mức 6.014 tỷ đồng, giảm 3,4%.

Tính đến 31/3/2025, tổng tài sản Techcombank đạt hơn 989.216 tỷ đồng, tăng 1,1% so với cùng kỳ. Cho vay khách hàng đạt 663.693 tỷ đồng, tăng 5,6% trong khi đó tiền gửi của khách hàng giảm nhẹ từ 533.392 tỷ đồng về 531.583 tỷ đồng.

Đại diện lãnh đạo Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB - Mã: MSB) cho biết tính đến hết quý I, tổng tài sản của ngân hàng đạt 314.000 tỷ. Cho vay khách hàng đạt 192.000 tỷ đồng, tăng 8,92% so với cuối năm trước. Tiền gửi khách hàng đạt 163.000 tỷ đồng. Tỷ lệ CASA cuối quý I đạt 24%, thấp hơn mức 29% cuối 2024.

Tỷ lệ ROA của ngân hàng đạt 1,82%, tăng so với mức 1,79% cuối 2024; Tỷ lệ ROE đạt 15,54% (tăng từ mức 14,94% cuối 2024). NIM của ngân hàng đạt 3,5%; Thu nhập ngoài lãi chiếm 23% tổng thu nhập.

Lợi nhuận trước thuế của MBS đạt 1.630 tỷ đồng, tăng so với mức 1.530 tỷ đồng cùng kỳ năm trước. Hệ số CAR đạt trên 12%, LDR đạt 79% đều đáp ứng quy định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).

Tạm thời dẫn đầu, chia sẻ tại đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2025, đại diện lãnh đạoNgân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank - Mã: CTG) cho biết lợi nhuận trước thuế quý I của VietinBank ước tăng 6% so với cùng kỳ năm 2024 (ước tính đạt 6.582 tỷ hợp nhất).

Về chất lượng tài sản, tỷ lệ nợ xấu cuối quý I ở mức 1,3% và trong số các khoản nợ xấu có một món nợ lớn và ngân hàng đang xử lý, dự kiến quý II sẽ đưa tỷ lệ nợ xấu giảm dưới 1,3%. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu cuối 2024 ở mức 171,7% cải thiện hơn mức 167,2% năm 2023 và dự kiến sẽ tiếp tục được đẩy lên cao hướng tới trên 200%.

Trong khi đó, Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank - Mã: SSB) vừa công bố sơ bộ kết quả kinh doanh hợp nhất quý I/2025 với lợi nhuận trước thuế đạt 4.350 tỷ đồng, tăng gần 189% so với cùng kỳ năm 2024.

Tổng thu nhập hoạt động (TOI) đạt 5.820 tỷ đồng, tăng hơn 115%,hoàn thành 184% kế hoạch; trong đó, thu thuần ngoài lãi là điểm sáng góp phần đẩy tỷ trọng tổng thu nhập hoạt động khi đạt 3.369 tỷ đồng, tăng trưởng hơn 378%, hoàn thành 340% kế hoạch.

Bên cạnh đó, tỷ lệ nợ xấu giảm nhẹ so với năm 2024, ở mức 1,84% do kiểm soát tốt rủi ro tín dụng trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn. Tỷ lệ bao phủ duy trì mức 81,81%, đảm bảo trích lập và sử dụng dự phòng theo quy định.

Ngân hàng TMCP Lộc Phát Việt Nam (LPBank - Mã: LPB) vừa công bố báo cáo tài chính quý I với lãi trước thuế tăng 10% so với cùng kỳ năm trước đạt 3.175 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế đạt 2.534 tỷ đồng, tăng 10,2%.

Xét về cơ cấu, thu nhập lãi thuần kỳ này ghi nhận giảm 5,3% so với cùng kỳ năm trước, từ 3.464 tỷ đồng xuống còn 3.282 tỷ đồng. Song mảng thu nhập ngoài lãi có kết quả khả quan hơn khi tăng 4,7% trong kỳ này, đóng góp vào tổng thu nhập hoạt động.

Tính đến ngày 31/3/2025, tổng tài sản của LPBank giảm 1,7% so với cùng kỳ, đạt 499.895 tỷ đồng. Trong đó, tiền gửi và cho vay các tổ chức tín dụng khác ghi nhận giảm hơn 21% trong với thời điểm đầu năm.

Trong khi đó, cho vay khách hàng tăng 6,2%, đạt 352.194 tỷ đồng. LPBank cho biết đã chủ động và triển khai hiệu quả các giải pháp thúc đẩy giải ngân ngay từ những tháng đầu năm.

Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A Bank - Mã: NAB) vừa công bố kết quả kinh doanh quý I/2025 với lợi nhuận trước thuế đạt 1.214 tỷ đồng, tương ứng tăng 21,52% so với cùng kỳ năm trước.

Tính đến ngày 31/3/2025, tổng tài sản ngân hàng đạt gần 263.000 tỷ đồng, tăng hơn 7% so với đầu năm 2025. Dư nợ ín dụng đạt gần 178.000 tỷ đồng, tăng 6% so với đầu năm. Huy động vốn đạt gần 204.000 tỷ đồng, tăng gần 14% so với đầu năm 2024.

Về chất lượng tài sản, tỷ lệ nợ xấu (nhóm 3-5) ở mức 2,23%; tỷ lệ bao phủ nợ xấu gần 54%. Ngoài ra, chi phí hoạt động trên tổng thu nhập hoạt động (CIR) quý I giảm xuống còn 36% (giảm 8,1% so với cuối năm 2024).Tỷ lệ an toàn vốn (CAR) giữ ở mức 11,6%, đảm bảo an toàn theo tiêu chuẩn Basel III.

Ngân hàng TMCP Việt Á (VietABank - Mã: VAB) vừa công bố báo cáo tài chính quý I/2025 với lợi nhuận trước thuế đạt 352,9 tỷ đồng, tăng 42,5% so với cùng kỳ năm trước; lợi nhuận sau thuế là 292,9 tỷ đồng, tăng 44,5%.

Xét về cơ cấu, trong quý I thu nhập lãi thuần tăng trưởng 13,5% so với cùng kỳ, thu về 612,5 tỷ đồng. Ở chiều ngược lại, hoạt động kinh doanh ngoại hối và hoạt động kinh doanh khác ghi nhận kết quả không mấy khả quan trong quý đầu tiên khi lãi giảm lần lượt 58,5% và 80,8%. Ngoài ra, hoạt động chứng khoán đầu tư ghi nhận khoản lỗ 2,69 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ từng thu về khoản lãi 17,42 tỷ đồng.

Tính đến hết ngày 31/3, tổng tài sản của VietABank là 129.046 tỷ đồng, tăng 7,7% so với cùng kỳ. Cho vay khách hàng đạt 84.910 tỷ đồng, tăng 6,3%. Tổng số dư nợ xấu tính đến ngày 31/3 của VietABank là 536 tỷ đồng, giảm 50,8% so với đầu năm.

Ngân hàng TMCP Thịnh vượng và Phát triển (PGBank - Mã: PGB) vừa công bố báo cáo tài chính quý I/2025 với lợi nhuận trước thuế đạt 96 tỷ đồng, giảm 17,3% so với cùng kỳ năm 2024. Lợi nhuận sau thuế quý đạt 77 tỷ đồng, giảm 17,5%.

Xét về cơ cấu, thu nhập lãi thuần của PGBank đã tăng trưởng 21,4% so với cùng kỳ năm 2024, mang về 458 tỷ đồng. Trong khi đó, những khoản thu nhập ngoài lãi đem về cho ngân hàng 47 tỷ đồng trong quý, trong khi cùng kỳ lỗ 1,3 tỷ đồng.

Tính đến cuối quý I, tổng tài sản của PGBank là 73.552 tỷ đồng, đi ngang so với đầu năm. Cho vay khách hàng của PGBank đạt 45.349 tỷ đồng, tăng 10%. Về chất lượng tài sản của ngân hàng, số dư nợ xấu (từ nhóm 3 đến nhóm 5) đều tăng trong quý này so với cuối năm 2024 góp phần nâng tổng số dư nợ xấu tính đến cuối tháng 3 lên 1.229 tỷ đồng, tăng 15,9% so với đầu năm, kéo theo tỷ lệ nợ xấu đã tăng từ 2,57% lên 2,71%.

VềNgân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank - Mã: TPB), ngân hàng công bố sơ bộ kết quả kinh doanh với lợi nhuận trước thuế quý I đạt hơn 2.100 tỷ đồng, tăng 14,8% so với cùng kỳ. Trong đó, tổng thu nhập hoạt động (TOI) của TPBank trong quý I đạt gần 4.500 tỷ đồng.

Cụ thể, thu nhập từ lãi vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất, đạt 3.380 tỷ đồng. Thu nhập thuần từ dịch vụ tiếp tục là điểm sáng khi đạt 910 tỷ đồng, tăng 27% so với quý I/2024, đẩy tỷ trọng thu nhập dịch vụ trong tổng thu nhập hoạt động lên trên 20%, so với mức 15% cùng kỳ năm trước.

Tổng huy động vốn quý I đạt 337.800 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ. Trong khi đó, dư nợ thị trường một đạt hơn 271.500 tỷ đồng, tăng mạnh 28% so với quý I/2024. Riêng cho vay khách hàng đạt hơn 263.100 tỷ đồng, tương ứng tăng 30% so với cùng kỳ 2024.

Đáng chú ý, Ngân hàng TMCP Quốc dân (NCB - Mã: NVB) công bố thông tin về kết quả kinh doanh quý I tương đối khả quan với lợi nhuận trước thuế ước đạt hơn 125 tỷ đồng trong khi cùng kỳ hai năm trước là lỗ.

Tính đến 31/3/2025, tổng tài sản ngân hàng đạt gần 131.000 tỷ đồng, tăng trưởng 10,4% so với cuối năm trước. Vốn huy động (gồm tiền gửi khách hàng và phát hành giấy tờ có giá) ước đạt hơn 107.000 tỷ đồng, tăng 6,8% so với cuối năm 2024; cho vay khách hàng ước đạt hơn 78.000 tỷ đồng, tăng 9,6%.

Ngân hàng cho biết thu nhập lãi thuần đạt mức cao nhất trong 9 quý liên tục, ước đạt gần 510 tỷ đồng. Các hoạt động kinh doanh khác như hoạt động dịch vụ, hoạt động kinh doanh ngoại hối và vàng, hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư... đều có lãi trong quý vừa qua.

VềNgân hàng TMCP Nam Á (Nam A Bank - Mã: NAB), ngân hàng công bố kết quả kinh doanh quý I/2025 với lợi nhuận trước thuế đạt 1.214 tỷ đồng, tương ứng tăng 21,52% so với cùng kỳ năm trước.

Tính đến ngày 31/3, tổng tài sản ngân hàng đạt gần 263.000 tỷ đồng, tăng hơn 7% so với đầu năm 2025. Dư nợ tín dụng đạt gần 178.000 tỷ đồng, tăng 6% so với đầu năm. Huy động vốn đạt gần 204.000 tỷ đồng, tăng gần 14% so với đầu năm 2024.

Về chất lượng tài sản, tỷ lệ nợ xấu (nhóm 3-5) ở mức 2,23%; tỷ lệ bao phủ nợ xấu gần 54%. Ngoài ra, chi phí hoạt động trên tổng thu nhập hoạt động (CIR) quý I giảm xuống còn 36% (giảm 8,1% so với cuối năm 2024).Tỷ lệ an toàn vốn (CAR) giữ ở mức 11,6%, đảm bảo an toàn theo tiêu chuẩn Basel III.

Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB - Mã: SHB) ghi nhận kết thúc quý I/2025, lợi nhuận trước thuế của SHB đạt gần 4.400 tỷ đồng, đạt 30% kế hoạch cả năm 2025.

Tính đến ngày 31/3/2025, tổng tài sản hợp nhất của SHB đạt 790.742 tỷ đồng, tăng 6% so với cuối năm 2024, dư nợ cấp tín dụng đạt 575.777 tỷ đồng, tăng 7%.

Trước đó, tại ĐHĐCĐ của Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB - Mã: VIB), Chủ tịch Hội đồng Quản trị Đặng Khắc Vỹ tiết lộ dự báo lợi nhuận quý I đạt 20-22% trên kế hoạch 11.000 tỷ của cả năm (tương đương trên 2.200 tỷ đồng).

Các quý càng về sau thì càng tăng trưởng tốt hơn, khoảng 30-40% so với quý đầu. Hoạt động tăng trưởng tín dụng tương đối tốt so với toàn ngành. Tính đến ngày 20/3, dư nợ toàn hệ thống tăng gần 2%, VIB tăng xấp xỉ 3%.

(Tiếp tục cập nhật)

Minh Nguyệt

Nguồn Doanh Nhân VN: https://doanhnhanvn.vn/cap-nhat-kqkd-ngan-hang-quy-i-techcombank-bao-lai-hon-7200-ty-dong-tam-thoi-dan-dau-he-thong.html