Kỳ 1. Chân dung 'đại gia La Hủ'

(BLC) - Với anh Pờ Lò Hừ (bản Pha Bu – Pa Ủ - Mường Tè – Lai Châu) có Đảng như có ánh mặt trời. Anh nói vậy không phải để bợ đỡ gì cả, mà chính cuộc đời anh đã chứng minh điều đó: Nếu không được tiếp xúc với Đảng, có lẽ tôi mãi chỉ là một đứa trẻ ốm đói, vật vờ trong phận “Lá vàng” ở một ngách núi nào đó. Đảng đã cho tôi được “làm người” thực thụ với ước mơ, được tôn trọng và nhất là được cống hiến.

(BLC) - Với anh Pờ Lò Hừ (bản Pha Bu – Pa Ủ - Mường Tè – Lai Châu) có Đảng như có ánh mặt trời. Anh nói vậy không phải để bợ đỡ gì cả, mà chính cuộc đời anh đã chứng minh điều đó: Nếu không được tiếp xúc với Đảng, có lẽ tôi mãi chỉ là một đứa trẻ ốm đói, vật vờ trong phận “Lá vàng” ở một ngách núi nào đó. Đảng đã cho tôi được “làm người” thực thụ với ước mơ, được tôn trọng và nhất là được cống hiến.

Bây giờ thì anh đã là người nổi tiếng. Hay chính xác hơn, nghị lực, nhiệt huyết đã giúp anh trở thành người nổi tiếng. Người ta khéo ví von, gọi anh là “đại gia ở xứ lá vàng”, mấy anh nhà báo, thích văn chương thì đặt cho anh cái danh “người vươn lên từ hõm núi”… Thôi thì gọi thế nào chẳng được. Nói chung là người ta ca tụng khi thấy thành quả của anh, nhưng ít người biết, để có “trái ngọt” hôm nay, anh đã phải trải qua bao đắng cay, thăng trầm và thậm chí là tủi khổ.

Vượt suối, vượt đèo, vượt cả mưa lũ và sạt lở, gần hai ngày trời chúng tôi mới tới nơi quan tái, miền Tây Bắc của Tổ quốc để mục sở thị “người nổi tiếng”. Anh xuất hiện trước chúng tôi thật bình dị như củ sắn, củ khoai mà chẳng có gì là thần thánh. Một đôi dép tổ ong cu cũ (dính đầy đất), quần sắn móng lợn, còn cái áo, tuy vẫn còn nếp gấp từ túi nilon nhưng cũng nhàu nhàu trong cái dáng người mảnh mảnh, xương xương. Cách ăn nói nhỏ nhẹ, cùng nước da sạm nắng và nụ cười hiền hiền, mà chả có tẹo khí chất nào của tầng lớp “đại gia”. Nếu không có các đồng chí bộ đội ở Đồn Biên phòng Pa Ủ giới thiệu có lẽ tôi sẽ nhầm anh như hàng vạn người La Hủ ở đây chứ chẳng phải là “ông” này, “bà” nọ như người ta ca tụng.

Anh tiếp khách bên ấm nước sôi, cái bàn bằng inox đơn giản khiến chúng tôi có phần nghi ngờ về số tiền thu nhập của gia đình anh (hơn 800 triệu mỗi năm như báo cáo thành tích mà lãnh đạo xã đã giới thiệu). Nhưng nhìn ngôi nhà sàn mới dựng còn thơm mùi gỗ, rộng cả trăm mét vuông, một chiếc xe tải đỗ ở cửa, ngoài hiên thì có 6 chiếc xe máy dựng đó, cạnh ngôi nhà sàn to vật vã còn có mấy ngôi nhà trệt dựng lên chỉ dùng để chứa thóc, chúng tôi cũng bớt đi phần nào sự ngờ vực.

Anh không chủ động gợi chuyện. Có lẽ cái chất người La Hủ của anh là như vậy, khiêm nhường và ít nói. Mỗi khi tôi đặt câu hỏi, anh nho nhỏ trả lời như chỉ riêng cho nhà báo nghe. Trong cái giọng trầm trầm, đôi tay thô với những móng tay còn két bẩn cứ vê vào nhau, anh kể cho tôi nghe về tuổi thơ lấm láp của mình. Lúc này, có lẽ chỉ đôi mắt anh là linh lợi nhất…

Sinh năm 1981, trong một gia đình tuy chỉ có 2 anh em nhưng rất rất nghèo ở bản Chà Kế (bản cây chanh) của xã Pa Ủ. Từ “nghèo” với anh, nhắc ra thì đơn giản nhưng nó là cả một ký ức dữ dội. Lên 8 tuổi anh đã biết thế nào là sợ đói. Đói đến mức dặt dẹo. Đói đến nỗi có 2 củ sắn mà Lò Hừ cũng không thể đeo nổi từ nương về nhà (trong khi cái tên của anh dịch ra có nghĩa là “to lớn”). Đi một tí lại phải nằm xuống vệ đường mà nghỉ. Cái đói nó ám ảnh anh cho đến tận ngày hôm nay, và ký ức hãi hùng nhất là chứng kiến cảnh dân bản mình cứ liên tục phải khiêng người chết đói đi mai táng trong cái thanh âm lặng lẽ đầy âu lo.

Lúc đấy, tuy còn mơ hồ nhưng anh đã biết sợ khi hình dung người bị khiêng đi là mình. Đói như vậy thì đương nhiên là nghèo đến tơ tướp, nghèo bươm xơ mướp, nghèo đến nỗi chả có nổi cái mồng tơi mà rớt, mà rơi. Nói thế nào cho dễ hình dung nhỉ? Dễ hiểu thôi, đến năm 13 tuổi Lò Hừ mới được mặc một bộ quần áo đầu tiên trong đời, và đương nhiên trẻ con trong bản anh ai cũng tồng ngồng như từ lúc mới chào đời vậy. Áo chả có mặc thì nói gì đến những điều kiện khác. Có nhiều mùa đông, cả nhà chỉ nằm co ro bên bếp lửa mà “thưởng thức” sự lên án của cái dạ dày. Thời điểm đó, với người La Hủ, một năm thường chỉ có hai mùa no – đói, mà mùa đói nó lại cứ triền miên. Nhiều khi mấy ngày chả có cái gì bỏ vào bụng.

Rồi một ngày, bố anh là ông Pờ Lò Gia đã dắt cả nhà bỏ bản mà đi vào rừng. Đi để trốn khỏi cái đói, cái nghèo (và có lẽ trốn cả cái định mệnh nhãn tiền). Đi để không phải chứng kiến cảnh khiêng người đi chôn. Cũng là đi để còn có cơ hội sống. Trong tuổi thơ dữ dội của anh, những ngày du cư là những ngày hoang mang nhất. Họ đã đi qua bao nhiêu khe suối, bao nhiêu đỉnh núi, chả nhớ được. Vừa đi vừa tìm măng rừng, củ rừng, săn thú mà ăn cho đoạn ngày, qua tháng. Người La Hủ còn được gọi với cái tên khác là “dân tộc Lá Vàng”, gắn liền với việc du canh, du cư. Lá vàng không phải là đến khi lá lợp trên lều vàng đi thì người ta sẽ di chuyển, mà sau mỗi mùa cây trút lá là bà con lại rời đi. Với Lò Hừ, anh chẳng nhớ được đã qua bao mùa lá, mà màu vàng ấy lại là hình tượng khác. Đói, rách và vô vọng. Trong ký ức của Lò Hừ, ngày ấy cái gì cũng chỉ một màu vàng vọt. Cái màu mà chỉ những người “đói vàng mắt” mới biết nó quá quắt đến mức nào.

Lang thang rừng rú, bước du cư của gia đình ông Lò Gia đưa họ đến một trảng rừng có nhiều cây vải (pha bu) và có cái mỏ muối (hô gia), nơi con nai thường xuống uống nước và gặm đất mặn để ăn. Họ đồn rằng thần rừng đã độ đến họ và họ dừng lại. Chẳng nhớ chính xác lúc ấy Lò Hừ được bao tuổi, nhưng anh nhớ đó là một dấu mốc trong cuộc đời, để mở ra một trang mới đối với gia đình anh và đối với người La Hủ hôm nay, thời điểm đó đã sinh ra một huyền thoại sống để bà con hàng ngày vẫn kể với nhau.

Khánh Kiên - Hà Dũng - Thiết kế: Ngọc Duy

Nguồn Lai Châu: https://baolaichau.vn/tin-n%E1%BB%95i-b%E1%BA%ADt/k%E1%BB%B3-1-ch%C3%A2n-dung-%C4%91%E1%BA%A1i-gia-la-h%E1%BB%A7