Kỳ 1: Làng nghề trăm tuổi ở vùng cù lao
Nghề thủ công truyền thống dệt choàng (hay còn gọi là dệt khăn rằn) xã Long Khánh A, huyện Hồng Ngự được hình thành và phát triển hơn 100 năm qua. Vừa qua, nghề dệt choàng xã Long Khánh A vinh dự được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Tiếp tục phát huy giá trị nghề truyền thống, huyện Hồng Ngự đang đẩy mạnh quảng bá sản phẩm du lịch làng nghề kết hợp với hoạt động trải nghiệm du lịch nông thôn tại huyện Hồng Ngự nói riêng và tỉnh Đồng Tháp nói chung.
Long Khánh A là xã cù lao, nằm giữa sông Tiền. Các cụ cao niên ở xã Long Khánh A kể lại rằng, tại vùng đất cù lao này, vào những năm đầu thế kỷ XX, hình thành và phát triển nghề thủ công truyền thống nổi tiếng là trồng dâu, nuôi tằm và dệt lụa. Không lâu sau đó, sản phẩm vải công nghiệp phát triển mạnh với ưu điểm giá rẻ, chất lượng tốt và màu sắc đa dạng, phù hợp với nhiều đối tượng nên thắng thế so với vải lụa truyền thống. Từ đó, những người làm nghề dệt lụa không mặn mà theo đuổi và dần dần chuyển sang các nghề khác phù hợp với nhu cầu của xã hội, trong đó có nghề dệt choàng. Người có công lớn trong việc hình thành, phát triển nghề dệt choàng ở xã Long Khánh A là ông Nguyễn Văn Đúng và bà Lê Thị Muội.
Bà Nguyễn Thị Mèn (63 tuổi) ngụ xã Long Khánh A, huyện Hồng Ngự có hơn 40 năm theo nghề dệt choàng, cho biết: “Công cụ làm nghề cần thiết phải có là bàn dệt (khung dệt) và nguyên liệu chính là chỉ. Để tạo ra một sản phẩm hoàn chỉnh, người thợ phải thực hiện nhiều công đoạn chủ yếu như: xả chỉ, nhuộm chỉ, hồ chỉ, mắc khung cửi và dệt. Lúc đầu, chiếc khăn choàng sản xuất hoàn toàn thủ công, chỉ có hai màu đen - trắng hoặc nâu - trắng, hai màu này đan chéo nhau tạo thành những ô vuông. Chiếc khăn hình chữ nhật, dài 120cm, rộng từ 40 - 50cm. Tuy bình dị, đơn giản nhưng chiếc khăn rằn có rất nhiều công dụng như: dùng để choàng cổ, quấn đầu, lau mồ hôi, thắt lưng, đựng lương thực khi đi đường, làm võng cho trẻ em... Điều đặc biệt đối với sản phẩm là dùng càng lâu thì vải càng mềm, khả năng thấm nước càng tốt”.
Đến năm 1998, điện lưới Quốc gia đến với người dân ở vùng cù lao Long Khánh A, đây được xem là bước ngoặt lớn đối với làng nghề. Người dân đã mua và sử dụng khung dệt chạy bằng mô-tơ điện, ứng dụng thành tựu khoa học kỹ thuật, máy móc vào sản xuất, góp phần nâng cao năng suất, tăng giá trị và sức cạnh tranh của sản phẩm.
Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh, không đơn thuần chỉ gìn giữ trong mình bản sắc văn hóa cư dân miền sông nước, mà khăn rằn còn ăn sâu vào đời sống sinh hoạt, lao động đời thường của cư dân. Chiếc khăn rằn cùng chiếc áo bà ba đã trở thành hình ảnh gần gũi với mọi người, như là một biểu tượng cho người phụ nữ đồng bằng sông Cửu Long cần cù, chịu thương, chịu khó. Năm 2014, sản phẩm khăn choàng của làng nghề Long Khánh A đã được UBND tỉnh Đồng Tháp công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh.
Dù trải qua nhiều thăng trầm nhưng nghề dệt choàng ở xã Long Khánh A vẫn còn duy trì cho đến nay. Hiện tại, Làng nghề dệt choàng Long Khánh A có khoảng 60 hộ làm nghề với gần 150 khung dệt, tạo việc làm cho trên 300 lao động địa phương. Tùy theo số lượng sản phẩm làm ra nhiều hay ít mà trung bình mỗi lao động có thể kiếm được từ 200.000 - 250.000 đồng/ngày. Hàng năm, làng nghề sản xuất và cung ứng cho thị trường hơn 5,1 triệu chiếc khăn choàng các loại. Mỗi sản phẩm khăn choàng có giá bán từ 50.000 - 160.000 đồng, tùy thuộc vào chủng loại, màu sắc, kích cỡ.
Kỳ 2: Giữ gìn làng nghề gắn với phát triển du lịch
Hiện tại, người dân làng nghề đã ứng dụng khoa học kỹ thuật, máy móc vào sản xuất hơn 80% các công đoạn thực hiện, nhằm nâng cao năng suất, tăng giá trị sản phẩm, tăng sức cạnh tranh và tạo ra sức sống mới để lưu giữ, phát triển nghề trong giai đoạn mới. Tuy vậy, nghề dệt choàng Long Khánh A vẫn duy trì một số khung dệt thực hiện bằng thủ công tạo nên sản phẩm, nhưng cái chính là phục vụ hoạt động du lịch tham quan trải nghiệm.