Kỳ 1: Phòng ngừa xâm hại tình dục học đường: Đừng để mất bò mới lo làm chuồng
Các vấn nạn như bạo lực, xâm hại tình dục học đường không phải đến bây giờ mới được đề cập. Thực tế cho thấy, quanh các vấn đề trên đang có một nghịch lý là, dù hệ thống chính sách, pháp luật về phòng, chống đã tương đối đầy đủ, chế tài nghiêm khắc song khâu thực thi dường như vẫn bị buông lỏng. Thay vì bắt đầu từ chính gia đình, nhiều phụ huynh vẫn còn 'khoán trắng' việc giáo dục con cái cho nhà trường. Vấn đề đặt ra là cần làm gì để nhà trường và gia đình cùng phối hợp giáo dục, quản lý học sinh một cách tốt nhất, góp phần ngăn ngừa các vụ việc đáng tiếc nảy sinh.
Thời gian qua, các cấp, các ngành, đặc biệt là ngành Giáo dục đã quyết liệt vào cuộc trong việc bảo vệ trẻ em khỏi bị lạm dụng, xâm hại tình dục. Thế nhưng, hiện tình trạng xâm hại tình dục học đường vẫn diễn ra phức tạp. Đáng nói, quanh vấn đề này không ít chuyên gia cho rằng vẫn đang tồn tại những “khoảng trống” về pháp luật chưa thể lấp đầy.
Nhiều “khoảng trống” pháp luật
Theo thống kê của Cục Trẻ em (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), trong 2 năm 2017 và 2018, cả nước đã xảy ra 3.139 vụ bạo lực, xâm hại trẻ em với 3.221 trẻ em bị bạo lực, xâm hại; trong đó 2.643 vụ xâm hại tình dục với 2.690 trẻ em bị xâm hại. Trong 3 tháng đầu năm 2019, các ngành chức năng đã xử lý 310 vụ bạo lực, xâm hại trẻ em với 325 trẻ em là nạn nhân. Đáng chú ý, thống kê của Quỹ dân số Liên Hợp Quốc tại Việt Nam cũng cho thấy, có tới 93% đối tượng xâm hại tình dục trẻ em là người thân hoặc quen biết.
Đáng nói, ở môi trường học đường, dù mặc nhiên trong tâm tưởng mọi người là an toàn song trên thực tế vẫn chưa hẳn đúng. Bởi vẫn còn những vụ xâm hại tình dục ngay phía sau cánh cổng trường học. Nhiều vụ việc nảy sinh cho thấy, trong trường học, các thầy cô giáo và nhân viên bảo vệ… là đối tượng do điều kiện công việc nên thường xuyên tiếp xúc, gần gũi với học sinh. Nếu những người này sa sút về phẩm chất đạo đức, nổi tà ý thì hành vi xâm hại trẻ em rất dễ xảy ra.
Những vụ việc thầy xâm hại tình dục trò gây chấn động dư luận gần đây là ví dụ. Chẳng hạn như vụ việc thầy N.Đ.L (44 tuổi, trường Tiểu học An Thượng A, huyện Hoài Đức) có hành vi dâm ô 9 em học sinh lớp 3. Hay như vụ việc trên 20 em học sinh nữ người Mông ở Mường Khương, Lào Cai bị bảo vệ trường là Đ.V.N liên tục có các hành vi dâm ô bằng nhiều hình thức khác nhau… Ở các vụ việc này đều có điểm chung là các em học sinh chỉ mới 9 hoặc 10 tuổi, thậm chí một số em bị đối tượng này lạm dụng suốt 3 năm, tuy nhiên vì quá sợ hãi đã không dám tố cáo.
Bàn về vấn đề này, theo Luật sư Nguyễn Văn Tú (Giám đốc Công ty Luật Fanci) hiện luật pháp trong lĩnh vực này đang còn thiếu và yếu. Nói cách khác vẫn còn nhiều “khoảng trống” về pháp luật khiến khâu xử lý đối tượng vi phạm còn hạn chế. Chẳng hạn, Luật Hình sự 2015 nêu rõ các hành vi được coi là nghiêm trọng nhất như: Hiếp dâm, cưỡng dâm, dâm ô, khiêu dâm thì mới bị xử lý. Nhưng thực tế, trong đời sống tình dục lại có hàng trăm hành vi khác nhau chưa được đưa vào. Đó chính là điểm thiếu, gây nên việc khó kết tội. “Nếu Luật chỉ quan tâm tới hướng đi mô tả hành vi, mà chưa quan tâm đến tâm lý, thái độ, mong muốn, nhu cầu, biện pháp xử lý thì chưa đi đúng hướng” - Luật sư Nguyễn Văn Tú bày tỏ quan điểm.
Luật sư Nguyễn Văn Tú cho rằng, trong trường học đang thiếu hẳn một hành lang pháp lý để bảo vệ trẻ trước vấn nạn xâm hại tình dục. Cụ thể, hiện có 2 văn bản đề cập tới việc ứng xử giữa thầy cô và học sinh là Điều 74, Luật Giáo dục quy định một số điều nghiêm cấm đối với thầy cô như nghiêm cấm xâm hại thân thể, nhân cách đối với học sinh và Nghị định 80/CP/2017 của Chính phủ về phòng ngừa, đảm bảo môi trường an toàn, lành mạnh trong nhà trường; phòng chống bạo lực học đường… Quy định trên văn bản là vậy nhưng như thế là chưa đủ. Và điều này là nguyên nhân trực tiếp khiến các cơ quan thi hành án không có căn cứ để xử lý khi có vụ việc xảy ra.
Bảo vệ trẻ bằng cách nào?
Theo Thạc sĩ Tâm lý Đinh Đoàn, các vấn nạn học đường, trong đó có xâm hại tình dục luôn để lại những di chứng nặng nề, gây tổn thương dài lâu tới nạn nhân. Nghiêm trọng hơn, có tới 90% các vụ xâm hại tình dục trẻ là từ người thân trong gia đình, 10% còn lại là chính các giáo viên, nhân viên nhà trường. Do đó, để bảo vệ trẻ, thay vì “khoán trắng” con cái cho nhà trường, bản thân phụ huynh cần phải theo sát con mình hơn. “Phụ huynh không thể phó mặc con cho nhà trường, nếu không vấn nạn xâm hại tình dục học đường sẽ có nguy cơ tăng nhiều hơn” - Thạc sĩ Tâm lý Đinh Đoàn nêu quan điểm.
Từ hoạt động bản thân và nghiên cứu thực tiễn, Thạc sĩ Tâm lý Đinh Đoàn cho biết, ngay sau cánh cổng trường học, không ít giáo viên vẫn còn khuyết thiếu những kiến thức cơ bản liên quan. “Sau nhiều vụ xâm hại tình dục trẻ em diễn ra, các trường mới mời chuyên gia về nói chuyện về phòng chống xâm hại tình dục. Lúc này mới nhận ra nhiều thầy cô giáo không hề biết gì cách phòng, chống và luật liên quan” - Thạc sĩ Đinh Đoàn chia sẻ.
Hệ lụy nhãn tiền là, học sinh ở các cấp học, do còn non nớt, thiếu khả năng bộc lộ ý chí đúng đắn, thiếu kỹ năng tự bảo vệ mình, lại trong quan hệ phụ thuộc, tâm lý e sợ thầy cô giáo… dễ trở thành mục tiêu tấn công của tội phạm tình dục. Chính những nguy cơ này cần phải được nhận diện và tìm giải pháp ứng phó. Chia sẻ quan điểm này, theo Nguyễn Vân Anh (Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng khoa học về Giới - Gia đình - Phụ nữ và Vị thành niên), cách tuyên truyền trong trường học hiện nay là dạy cho các con đánh trả lại đối phương khi có biểu hiện xâm hại.
Tuy nhiên, biện pháp này chưa hoàn phát huy những hiệu quả như mong muốn. “Là người làm trong lĩnh vực này, tôi cảm thấy lo lắng. Việc đánh trả này nhiều khi là bất khả kháng vì người có ý định xâm hại trẻ em thường to lớn hơn nhiều. Những vụ xâm hại tình dục trẻ em cho thấy người muốn xâm hại thường khôn ngoan, họ thường dùng những thủ đoạn để dụ dỗ trẻ” - bà Nguyễn Vân Anh chia sẻ.
Theo các chuyên gia nghiên cứu, hiện nhiều gia đình chỉ đơn giản cho con tham dự các khóa học hè, kỹ năng phòng chống xâm hại tình dục… là hết sức cần thiết song vẫn chưa đủ. Bên cạnh các kiến thức cứng nhắc được truyền tải, các phụ huynh cần trò chuyện với con hàng ngày về các vấn đề pháp luật liên quan, cùng với con giải quyết các tình huống nếu nó chẳng may nảy sinh. Đặc biệt, ngay trong gia đình, cha mẹ cần thường xuyên để mắt, quan tâm, chia sẻ với con em mình để kịp thời nhận thấy những thay đổi tâm, sinh lý cần thiết.
Luật sư Nguyễn Văn Tú cho rằng, bên cạnh những đợt kiểm tra, thanh tra về điểm số, cơ sở vật chất… các đơn vị đứng đầu ngành Giáo dục cần sớm có những đợt thanh kiểm tra về vấn đề công tác chống xâm hại tình dục học đường trong nhà trường, an toàn trong nhà trường. Góp ý sâu hơn, bà Nguyễn Vân Anh cho biết, cần phải có một chiến lược trong việc đảm bảo an toàn cho trẻ em và các thầy cô với các chương trình hành động cụ thể. Trước mắt, cần dạy cho trẻ hiểu được thế nào an toàn về thân thể, an toàn về vui chơi, an toàn trong lớp học... giúp các em ý thức được để phòng tránh.
Khách quan nhìn nhận, trong bối cảnh thực trạng tội phạm xâm hại tình dục trẻ em đã và đang diễn biến hết sức phức tạp và gây hậu quả nghiêm trọng, làm ảnh hưởng đến sự phát triển chung của thế hệ trẻ. Hơn lúc nào hết, công tác phòng ngừa, đấu tranh phòng, chống tội phạm xâm hại tình dục trẻ em là một yêu cầu bức thiết hiện nay và cần có sự chung tay của toàn xã hội trong thời gian tới.
Phạm Thảo - Giang Nam
(Còn nữa)