Kỳ 2: Những vỡ lẽ trong giải quyết xâm canh, xâm cư

Trong nhiều khu vực giáp ranh xảy ra tình trạng xâm canh, xâm cư của Phú Thọ, đã có tiền lệ thống nhất được phương án giải quyết để làm rõ ranh giới địa giới hành chính. Qua đó, xóa bỏ tình trạng 'dân tôi' – 'đất anh'. Ghi nhận thực tế tại khu Thành Xuân, xã Trung Sơn, huyện Yên Lập và khu Khe Nhao, xã Nghĩa Tâm, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái đã mở ra nhiều phương án giải quyết để áp dụng thực tế tại các khu vực khác.

Nửa thế kỷ sống trên “đất người”

Giữa vạt đồi trồng quế, ngôi nhà nổi bật nhờ lá cờ Tổ quốc đỏ rực giữa nền xanh của cánh rừng.

Giữa vạt đồi trồng quế, ngôi nhà nổi bật nhờ lá cờ Tổ quốc đỏ rực giữa nền xanh của cánh rừng.

Nằm cheo leo ở rìa khu Khe Nhao, xã Nghĩa Tâm, huyện Văn Chấn là ngôi nhà của ông Triệu Tài Cảnh – Bí thư Chi bộ khu Thành Xuân, xã Trung Sơn, huyện Yên Lập. Giữa vạt đồi trồng quế, ngôi nhà nổi bật nhờ lá cờ Tổ quốc đỏ rực giữa nền xanh của cánh rừng.

Ông Cảnh đã sống tại ngôi nhà này suốt nửa thập kỷ, đã nuôi lớn những thế hệ kế cận tại mảnh đất vốn không được gọi là “quê hương”. Nói về nguyên nhân của việc gắn bó với “đất người”, ông Cảnh cho biết: Vào đầu những năm 80, người dân ở khắp nơi đã di canh, di cư đến nơi này khai hoang, sinh sống và thành lập thôn, bản. Sau khi xác lập hồ sơ, bản đồ địa giới hành chính theo Chỉ thị 364, chúng tôi mới vỡ lẽ khu vực này thuộc ranh giới của hai tỉnh và một nửa số hộ dân của khu Thành Xuân, xã Trung Sơn, huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ trong đó có tôi lại đang sống trên đất của khu Khe Nhao, xã Nghĩa Tâm, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái.

Việc không rõ ràng về ranh giới khu vực giáp ranh gây nhiều khó khăn trong việc quản lý, thực hiện số hóa bản đồ

Việc không rõ ràng về ranh giới khu vực giáp ranh gây nhiều khó khăn trong việc quản lý, thực hiện số hóa bản đồ

Theo ông Cảnh, khu Thành Xuân có 22 hộ với 88 nhân khẩu, trong đó có 11 hộ sống trên đất xâm canh. Nhiều năm qua đi, người dân đã canh tác ổn định, xây dựng nhà cửa kiên cố, phát triển kinh tế nhưng về chính danh vẫn không phải chủ sở hữu hợp lệ với diện tích đất sinh sống, làm nhà. Đây là hậu quả tất yếu do quá trình xâm canh, xâm cư lâu năm để lại. Cũng chính vì tình trạng sống trên “đất bạn” này, 22 hộ dân kể trên đã gặp phải khó khăn trong sinh hoạt và phát triển kinh tế. Trong đó phải kể đến việc người dân không được hưởng những chính sách hỗ trợ của Nhà nước theo Nghị quyết 22/2021/NQ-HĐND về khuyến khích phát triển sản phẩm nông nghiệp đặc trưng cho các chủ trang trại, hộ gia đình có đủ điều kiện về đất liền khu, liền khoảnh, có chứng nhận quyền sở hữu đất và tài sản trên đất.

Không chỉ vậy, việc người dân sống trên địa giới đất của tỉnh bạn Yên Bái cũng khiến công tác quản lý hành chính của chính quyền xã Trung Sơn, huyện Yên Lập gặp nhiều khó khăn. Theo ông Đinh Văn Đóa – Chủ tịch UBND xã Trung Sơn, huyện Yên Lập: Việc không rõ ràng về ranh giới đã gây khó khăn cho địa phương trong việc quản lý dân cư, chăm lo đời sống cho người dân. Đơn cử như công tác quản lý nhân khẩu, xác nhận nhà ở hợp pháp không đảm bảo chính xác, khiến tiềm ẩn những vấn đề về an ninh trật tự khi có tội phạm lẩn trốn và gây ra hậu quả khó lường.

Khi nói về vấn đề này, ông Hoàng Đình Hiền - Chủ tịch xã Nghĩa Tâm, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái băn khoăn: Trong suốt thời gian qua, xã Trung Sơn quản lý người, còn xã Nghĩa Tâm quản lý về đất. Việc không rõ ràng về ranh giới khu vực giáp ranh gây nhiều khó khăn trong việc quản lý, thực hiện số hóa bản đồ, xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu đất đai “đúng, đủ, sạch, sống” theo quy định của Chính phủ.

Trước bối cảnh đó, yêu cầu cấp thiết đặt ra là phải sớm giải quyết, phân định địa giới hành chính tại khu vực giáp ranh giữa hai địa phương để tránh nguy cơ xảy ra những hệ quả phức tạp sau này.

Đồng thuận để phân định

Để giải quyết tình trạng xâm canh, xâm cư trên diện tích đất giáp ranh, hai xã Trung Sơn và Nghĩa Tâm đã nhiều lần tổ chức các cuộc họp dân cư của hai khu Thành Xuân, Khe Nhao để tìm tiếng nói chung. Điểm chung của những cuộc họp này là người dân không có tranh chấp căng thẳng, đại đa số đều bày tỏ quan điểm mong muốn sớm có sự đồng thuận để tháo gỡ những vướng mắc, hệ quả của lịch sử để lại.

Chồng chéo về đất đai cũng gây khó khăn trong việc hoàn thiện giấy tờ cá nhân

Chồng chéo về đất đai cũng gây khó khăn trong việc hoàn thiện giấy tờ cá nhân

Ông Triệu Tài Nam - Trưởng khu Xuân Thành, xã Trung Sơn, huyện Yên Lập chia sẻ: Mặc dù là người của hai địa phương khác nhau nhưng người dân ở khu vực giáp ranh sống rất đoàn kết, ai canh tác chỗ nào vẫn tiếp tục làm chỗ đó, không xảy ra tranh chấp, mất trật tự an ninh ở khu vực này. Mang khẩu Phú Thọ nhưng sống trên đất Yên Bái, chúng tôi luôn nhận được nghĩa tình từ đất Yên Bái. Người dân khu Thành Xuân vẫn luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của chính quyền và tích cực tham gia các phong trào do địa phương phát động, chấp hành pháp luật, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, góp phần xây dựng khu dân cư ngày càng phát triển về mọi mặt.

Trên thực tế, khó khăn lớn nhất khi tiếp tục triển khai hội nghị hiệp thương giữa 2 xã để vận động người dân ở khu Thành Xuân sáp nhập về khu Khe Nhao là do sự khác biệt về phong tục của người dân. Trong khi phần lớn người dân khu Thành Xuân là người dân tộc Dao, còn người dân khu Khe Nhao chủ yếu là đồng bào Mông và Tày. Điều này dẫn đến sự khác nhau về phong tục tập quán, khiến người dân không đồng thuận với phương án sáp nhập. Trước bối cảnh này, yêu cầu đặt ra là cần có sự vào cuộc cấp thiết của huyện Yên Lập – huyện Văn Chấn, tỉnh Phú Thọ - tỉnh Yên Bái để phân định địa giới hành chính tại khu vực giáp ranh này.

Từ đây, nhiều cuộc dân vận tới từng nhà, tiếp xúc từng người đã được chính quyền hai địa phương thực hiện, nòng cốt là lực lượng quản lý tại cơ sở. Trên những đoạn đường bê tông bao quanh những sườn núi, dấu chân của những trưởng khu như ông Triệu Cảnh Tài đã quen thuộc. Sự vận động diễn ra nhiều năm tháng, cuối cùng đã phát huy tác dụng khi có được sự đồng thuận cao của cả đồng bào người Dao, Mông và người Tày ở hai khu vực.

Nhân dân đồng thuận là một lợi thế lớn cho lãnh đạo hai huyện Yên Lập và Văn Chấn gặp gỡ, thảo luận nhiều lần để rồi thống nhất đi tới phương án hiệp thương thống nhất. Cuối cùng, ngày 26/3/2024, tỉnh Phú Thọ và Yên Bái đã tổ chức Hội nghị hiệp thương cấp tỉnh để thống nhất phương án giải quyết địa giới hành chính giữa khu vực giáp ranh ở xã Trung Sơn, huyện Yên Lập với xã Nghĩa Tâm, huyện Văn Chấn. Nhận thấy đường địa giới hành chính 364 giữa 2 tỉnh tại thực địa không phù hợp với hiện trạng sử dụng của người dân, các bên đã cùng trao đổi, đánh giá những tồn tại liên quan đến một số điểm chưa thống nhất trên các tuyến địa giới hành chính kể trên. Trên tinh thần xây dựng và đồng thuận, các bên đã thống nhất điều chỉnh diện tích 71,9ha thôn Diềm, xã Nghĩa Tâm, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái về khu Xuân Thành, xã Trung Sơn, huyện Yên Lập quản lý, sử dụng. Phương án giải quyết, xác định đường địa giới hành chính, đảm bảo hài hòa giữa công tác quản lý địa giới hành chính với quản lý dân cư, quản lý hồ sơ đất đai, tài nguyên.

Việc hoàn thành địa giới hành chính giúp người dân ổn định, yên tâm an cư lạc nghiệp

Việc hoàn thành địa giới hành chính giúp người dân ổn định, yên tâm an cư lạc nghiệp

Ông Đinh Hải Nam – Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Lập cho biết: Hội nghị hiệp thương đã đi đến thống nhất giữa 2 tỉnh, điều chỉnh lại địa giới theo thực trạng và chờ quyết định của trung ương để tiếp tục hoàn thiện thủ tục pháp lý. Trong thời gian đó, chúng tôi tạo điều kiện tối đa cho bà con khi thực hiện các giao dịch hành chính, giải quyết vướng mắc liên quan tới thủ tục, giấy tờ đất đai và được hưởng các chính sách hỗ trợ của địa phương.

Việc tổ chức thành công Hội nghị hiệp thương về địa giới hành chính giữa tỉnh Phú Thọ và Yên Bái đã tạo tiền đề, kinh nghiệm để giải quyết, phân định địa giới hành chính các khu vực xâm canh, xâm cư ở các vùng giáp ranh khác trên địa bản tỉnh. Đồng thời đã tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý hành chính của các cấp, ngành chức năng tại khu Khe Nhao và khu Thành Xuân, giúp người dân yên tâm lao động, sản xuất giữ vững an ninh trật tự khu vực này. Từ đây, đời sống nhân dân của hai địa phương sẽ được mở sang một trang mới, thuận lợi và chính danh trên mảnh đất quê hương của họ.

Từ thực tế diễn ra tại khu Khe Nhao và khu Thanh Xuân, có thể thấy đối với việc giải quyết, phân định ranh giới các khu vực đất xâm canh, xâm cư cần có sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền các cấp theo trình tự từ cơ sở đi lên. Từ những ý kiến của người dân tại các cuộc gặp mặt cho tới ý chí lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền để giải quyết triệt để và nhanh chóng. Từ cuộc xâm canh kéo dài hơn nửa thế kỷ, với sự đồng thuận, nhất trí cao và phương án hiệp thương “thấu tình, đạt lý” giữa 2 địa phương đã giải quyết “bài toán khó” khi ảnh hưởng trực tiếp tới cuộc sống của người dân và chính quyền các địa phương. Từ đây, mở ra hướng giải quyết, một “lời giải” linh hoạt cho các địa phương còn tồn tại tình trạng chồng lấn đất đai.

Nhóm PV Điện tử

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/ky-2-nhung-vo-le-trong-giai-quyet-xam-canh-xam-cu-229880.htm