Kỳ 2: Văn hóa Tràng An - biểu tượng nét đẹp kinh kỳ mãi trường tồn
Chẳng thơm cũng thể hoa nhài/ Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An. Cụm từ 'người Tràng An' ở đây có nghĩa là người kinh đô Thăng Long có lối sống rất tao nhã, thanh cao, văn minh, lịch sự. Đó chính là dấu ấn phong cách người Hà Nội được lưu giữ bền bỉ qua thời gian.
Có một Hà Nội giàu bản sắc được kết tinh bởi văn hóa Tràng An - xứ Đoài:
Nếp sống thanh lịch, văn minh, nhân ái
Văn hóa Tràng An hay còn được gọi là văn hóa gốc của người Hà Nội kinh kỳ (Thăng Long - Hà Nội). Văn hóa Tràng An được thể hiện rõ nét ở cách ứng xử hào hoa, cách ăn nói chuẩn mực, nếp sống thanh lịch, văn minh, thú chơi tao nhã của người Hà Nội. Không chỉ lịch sự trong lời ăn tiếng nói, người Hà Nội còn rất hiếu khách, dù khách lạ hay quen, khách trong nước hay quốc tế, họ cũng đều đón tiếp niềm nở, nhiệt thành.
Nói như nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc: “Do thu hút tinh hoa khắp miền đất nước, người Hà Nội đã tập trung được nhiều đức tính tốt đẹp của dân tộc mà đặc biệt là tính thanh lịch. Tính thanh lịch biểu hiện trong đời sống thành phong tục, tập quán, nếp sống thanh lịch “một lối sống đầy tính văn hóa”.
PGS.TS Lê Quý Đức (Viện Văn hóa và Phát triển, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) cho rằng phong tục, tập quán thanh lịch bộc lộ trong ngôn ngữ, cử chỉ, trang điểm, ăn mặc, giao tiếp, đi đứng, làm việc đều được chăm chút, cân nhắc, chỉnh tề, không buông tuồng, tùy tiện.
Phong tục kết bạn, kết chạ của nhiều làng ở vùng nông thôn Thăng Long - Hà Nội xưa đến phong tục kết nghĩa giữa Hà Nội với các địa phương thời chiến tranh chống Mỹ và ngày nay là phong trào giao ước thi đua giữa Hà Nội và các tỉnh, thành trong cả nước cũng là một sức mạnh để phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.
"Tập quán tốt đẹp của người Thăng Long - Hà Nội có ý nghĩa to lớn đối với cá nhân và cộng đồng cũng rất phong phú. Có ý nghĩa nhất là tập quán “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ kẻ trồng cây”. Biết ơn và tôn vinh người có công với quê hương, đất nước.
Tục thờ cúng tổ tiên trong các gia đình, dòng họ, thờ cúng thần hoàng làng, tổ nghề, thờ những Anh hùng dân tộc, những người có công đối với cộng đồng. Những phong tục, tập quán tốt đẹp “thuần phong, mỹ tục” đã và đang được phát huy trong đời sống cư dân Thủ đô để giáo dục đạo đức nhân sinh, để nâng cao lòng tự hào về truyền thống văn hóa Thăng Long - Hà Nội, từ đó góp phần giáo dục các giá trị cuộc sống, hoàn thiện nhân cách người Hà Nội hiện đại, văn minh, thanh lịch", PGS.TS Lê Quý Đức cho biết.
Cốt cách người Tràng An còn được thể hiện ở việc họ ứng xử bằng chữ tình, luôn tôn trọng danh dự, chữ tín. Họ sống đầy sự bao dung, nhân ái, sẵn sàng "lá lành đùm lá rách" trong mọi hoàn cảnh để giúp đỡ người khác.
Ngay cả những ngày trọng đại đám cưới, đám hỏi, người dân Thủ đô cũng đã thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 11 được Thành ủy Hà Nội ban hành tháng 1/2013 về tiếp tục thực hiện nếp sống văn minh trong tiệc cưới. Nhiều cặp đôi đã tham gia mô hình "Đám cưới tập thể theo nếp sống mới" do Thành đoàn Hà Nội tổ chức, vừa tươi vui, vừa giản dị, không phô trương mà vẫn đầy đủ lễ nghi. Đây chính là một trong những cách làm tiêu biểu của tuổi trẻ Thủ đô trong thực hiện việc cưới văn minh, góp phần xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, góp phần xây dựng hình mẫu thanh niên thời đại mới, vừa hiện đại vừa giữ các giá trị truyền thống.
Những "đặc sản" mang đậm hồn cốt Hà Nội
Hà Nội cũng nổi tiếng với văn hóa ẩm thực đặc sắc, độc đáo, được chế biến từ sản phẩm của nền nông nghiệp đa dạng: phở, bún, giò, chả, nem, bánh chưng, bánh dầy, bánh mì,... đặc biệt là phở và chả cá nổi tiếng khắp thế giới. Những đặc sản, mang đậm hồn chốt chỉ riêng Hà Nội khiến các du khách khi đến Hà Nội đều mong muốn được thưởng thức. Đa phần các món ăn đều được ghép với hai tiếng Hà Nội vừa gần gũi, vừa thân thương.
Ẩm thực Hà Nội còn mang nét đẹp riêng từ những tuyến phố mang tên các món ăn như Hàng Bột, Hàng Đường, Hàng Bún, Hàng Gà, Hàng Cháo, Hàng Cơm, Hàng Chuối, Hàng Đũa, Hàng Cá, Hàng Cau, Hàng Chè, Hàng Đậu, Hàng Gai… Rồi những đồ dùng phục vụ cho ăn uống cũng được gắn vào tên phố như: Hàng Chĩnh, Hàng Đũa, Hàng Bát,… Dù hiện nay, một số tuyến phố đã được đổi tên hay không còn bán chuyên một mặt hàng "độc" như trước đây nhưng những ký ức đẹp đẽ về những tuyến phố gắn liền với ẩm thực Hà Nội vẫn luôn để lại trong lòng người dân Hà Nội những tình cảm lắng đọng, nhớ thương.
Người Thăng Long - Hà Nội còn nổi tiếng là “khéo tay, hay nghề”, “đất lề Kẻ Chợ”. Thăng Long còn được gọi là Kẻ Chợ không chỉ nói lên sự sầm uất về hàng hóa mà còn nói đến tài năng kinh doanh của người Thăng Long - Hà Nội. Tuy là kinh đô, đô thị lớn nhất của cả nước nhưng Hà Nội vẫn còn “kẻ quê” nằm trong “kẻ Chợ”, “kẻ Mơ”, “kẻ Láng”, “kẻ Mọc”,… Những “kẻ” ấy vẫn tồn tại cho đến tận hôm nay và gắn với mỗi “kẻ” là những tục lệ, hương ước riêng, mang tính đặc trưng cho mỗi nơi.
Theo GS.TS Đặng Cảnh Khanh - Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thanh niên, người Tràng An sở dĩ thanh lịch cũng chính là bởi họ đã tiếp thu được sự thanh lịch từ rất nhiều hướng và hun đúc thành cái thanh lịch của riêng mình.
“GS Đinh Gia Khánh cũng đã nhận xét rất đúng rằng: “Khi tiếp thu tinh hoa của bốn phương, văn hóa dân gian Thủ đô làm cho tinh hoa của từng địa phương hòa nhập với tinh hoa của các địa phương khác, theo mô thức văn hóa đã hình hành từ lâu đời ở vùng văn hóa cổ này. Và nhìn chung Thăng Long - Hà Nội là cái lò chung đúc nhân tài, chung đúc giá trị văn hóa từ những con người và những thành tựu văn hóa của bốn phương hội tụ lại”, GS.TS Đặng Cảnh Khanh nhấn mạnh.
GS.TS Đặng Cảnh Khanh cho rằng tính chất hội tụ, tiếp biến và sáng tạo văn hóa cũng khiến cho văn hóa Thăng Long - Hà Nội trở thành tâm điểm của những sáng tạo và phát triển văn hóa.
"Với những ưu thế của một khu vực kinh đô, nơi tập trung những cơ quan quản lý và điều hành đất nước, Thăng Long - Hà Nội cũng là nơi sản sinh và phát triển xu hướng hàn lâm, bác học trong văn hóa. Nó thực sự là mảnh đất đào tạo và tôi luyện ra những nhân tài cho đất nước. Về phương diện này, chính môi trường Thăng Long - Hà Nội cũng tạo cho con người sống tại Thăng Long - Hà Nội có điều kiện thuận lợi hơn những khu vực khác trong học tập và sáng tạo", GS.TS Đặng Cảnh Khanh khẳng định.
Theo PGS.TS Lê Quý Đức (Viện Văn hóa và Phát triển, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh), Thăng Long xưa là thành phố “đứng đầu vương quốc về nghệ thuật” bởi sự đa dạng của các ngành nghệ thuật truyền thống vừa dân gian vừa bác học. Nhiều tài liệu nghiên cứu đã chỉ rõ nền nghệ thuật Thăng Long - Hà Nội đã phát triển khá phong phú với các làn điệu dân ca, hát chèo, hát ca trù, trống quân, chèo, múa... đến nhã nhạc cung đình khá phổ biến trong dân gian và cả tầng lớp quý tộc.
Môn nghệ thuật khác như tranh, tượng ở Thăng Long - Hà Nội cũng phát triển rất sớm gắn với sự phát triển của Phật giáo. Nghệ thuật làm đồ gốm trang trí các công trình kiến trúc tại các đài, các cung điện trong Hoàng thành Thăng Long - một di sản văn hóa của thế giới, hay bức tranh gốm dài gần 400m trên đê sông Hồng đuợc ghi vào kỷ lục guinness của thế giới,... cũng đã làm toát lên tài năng, trí tưởng tưởng phong phú của người Hà Nội.
(Còn nữa...)