Kỳ cuối: Đẩy mạnh xúc tiến thương mại
Chương trình OCOP đã đánh thức tiềm năng sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp Thủ đô và là 'cú hích' làm đổi mới tư duy sản xuất, đánh đúng, trúng nhu cầu tiêu dùng, tạo chuyển dịch mạnh mẽ trong xây dựng và phát triển kinh tế nông thôn.
Phát huy thế mạnh làng nghề truyền thống
Làng nghề gốm sứ Bát Tràng (Hà Nội) là một làng nghề truyền thống có từ lâu đời, nổi bật với các sản phẩm gốm sứ cao cấp đáp ứng nhu cầu trong và ngoài nước. Đến nay, gốm của nhiều doanh nghiệp và hộ dân nơi đây đã được công nhận là sản phẩm OCOP, nổi tiếng trong nước và quốc tế.
Sự vươn mình của các sản phẩm truyền thống trong những năm qua đã kết nối Bát Tràng với cả nước và thế giới, tạo nên một thương hiệu nổi tiếng về nghề làm gốm. Chính sự giao thương, kết nối ấy đã làm cho gốm Bát Tràng đi xa hơn, đóng góp quan trọng vào thu nhập của người dân, thúc đẩy kinh tế - xã hội của làng nghề ngày càng phát triển.
Bên cạnh thay thế công nghệ sản xuất lạc hậu bằng công nghệ sạch, Bát Tràng còn là điểm du lịch của thành phố Hà Nội. Đặc biệt, Bảo tàng nghề gốm Bát Tràng được nằm trong dự án “Trung tâm tinh hoa làng nghề Việt” nhằm mục đích phát triển làng nghề và lưu giữ nét truyền thống của nghề gốm dần trở thành không gian đậm chất văn hóa thu hút khách du lịch.
Bà Hà Thị Vinh - Chủ tịch Hiệp hội Thủ công mỹ nghệ và Làng nghề Hà Nội, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Gốm sứ Quang Vinh (xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm, Hà Nội) chia sẻ, mỗi nghệ nhân, thợ giỏi ở làng nghề Bát Tràng đều là một mắt xích quan trọng trong sợi dây kết nối quá khứ, hiện tại và tương lai. Chính họ đã gìn giữ truyền thống làng nghề trong hàng trăm năm qua, các thế hệ nối tiếp nhau nhưng ngọn lửa trong các lò nung và tình yêu với nghề gốm truyền thống không bao giờ tắt. Nhờ vậy, Làng nghề gốm sứ Bát Tràng tự hào luôn là làng nghề kiểu mẫu trong số hơn 1.000 làng nghề ở Hà Nội.
Trung tâm tinh hoa làng nghề Việt được xây dựng nhằm tạo ra điểm đến độc đáo của du lịch làng nghề Việt Nam, trưng bày và quảng bá rộng rãi hình ảnh và thương hiệu gốm sứ và các sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt Nam khác tới du khách trong và ngoài nước.
Nơi đây thu hút du khách trong và ngoài nước tới tham quan, chiêm ngưỡng, tìm hiểu về văn hóa làng nghề Việt Nam thông qua những sản phẩm gốm sứ và thủ công mỹ nghệ tinh hoa, độc đáo được trưng bày đẹp mắt và sắp xếp theo sự phát triển của thời gian. Đồng thời, trải nghiệm thực tế với gốm trong không gian truyền thống cùng với các nghệ nhân nổi tiếng và những người thợ tài hoa.
Đến đây, du khách sẽ được tham quan bảo tàng gốm sứ, khu trưng bày các sản phẩm gốm sứ độc bản, khu ẩm thực đặc sản mang hương vị cổ của Hà Nội, với các món ăn được chế biến từ các sản phẩm nông sản OCOP.
Đẩy mạnh quảng bá và tiêu thụ sản phẩm
Hà Nội xác định để thực hiện thành công chương trình OCOP cần có sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp, các ngành từ Thành phố đến cơ sở và sự vào cuộc của toàn thể các tầng lớp nhân dân, do vậy công tác tuyên truyền, tập huấn nâng cao nhận thức cho cán bộ và nhân dân là giải pháp quan trọng.
Trong đó, chú trọng truyền tải các cơ chế, chính sách của Nhà nước về chương trình OCOP; phổ biến các mô hình, cách làm hay của các tổ chức, cá nhân thực hiện thành công chương trình OCOP, góp phần quảng bá, kết nối tiêu thụ sản phẩm, từ đó đã tạo sức lan tỏa rộng rãi trong toàn hệ thống chính trị. Sản phẩm tham gia chương trình OCOP không ngừng được hoàn thiện, nâng cấp và có nhiều chuyển biến tích cực về quy mô, chất lượng, quy trình sản xuất, chế biến cũng như mẫu mã bao bì, hệ thống nhận diện thương hiệu.
Công tác xúc tiến thương mại, giới thiệu, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm OCOP được Thành phố rất quan tâm và chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tổ chức thực hiện hàng năm. Điển hình như Sở Công Thương; Trung tâm xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch Thành phố.
Đặc biệt là Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức các sự kiện như Festival; giới thiệu sản phẩm OCOP gắn với văn hóa các tỉnh, thành trong cả nước; các tuần hàng tư vấn, giới thiệu và bán sản phẩm OCOP; tham gia các Hội chợ do Trung ương và các địa phương tổ chức. Bên cạnh đó, thành phố Hà Nội đã lựa chọn và khai trương đưa vào hoạt động được 85 điểm giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP trên toàn Thành phố.
Có thể thấy rằng, thông qua việc phát triển sản phẩm OCOP nhằm khơi dậy tiềm năng, lợi thế khu vực nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân; góp phần tiếp tục cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với phát triển tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề, dịch vụ và du lịch nông thôn; thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển bền vững, trên cơ sở tăng cường ứng dụng chuyển đổi số và kinh tế tuần hoàn, bảo tồn các giá trị văn hóa, quản lý tài nguyên, bảo tồn đa dạng sinh học, cảnh quan và môi trường nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững.
Bên cạnh đó, Hà Nội đã, đang và sẽ thể hiện rõ vai trò “đầu tàu” trong việc hỗ trợ các tỉnh, thành phố giới thiệu, quảng bá và tiêu thụ sản phẩm OCOP, sản phẩm làng nghề trên thị trường Thủ đô, tạo động lực để chương trình này phát triển mạnh mẽ và bền vững hơn.
Chương trình OCOP đã tạo ra “làn gió mới” trong sản xuất và phát triển nông nghiệp của Thủ đô. Đây là giải pháp, nhiệm vụ trong triển khai chương trình Mục tiêu Quốc gia Xây dựng nông thôn mới, thực hiện bền vững các tiêu chí về sản xuất và nâng cao thu nhập cho người dân, đặc biệt khu vực nông thôn. Các sản phẩm OCOP của Hà Nội không những tạo được dấu ấn, niềm tin cho người dân Thủ đô mà còn với người dân cả nước.
Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/ky-cuoi-day-manh-xuc-tien-thuong-mai-157673.html