Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV: Đại biểu góp ý kiến vào một số dự thảo luật và chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu về phát triển văn hóa

Ngày 19/6, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 – 2035; nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về dự án Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ và Luật Phòng không nhân dân; Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai số 31/2024/QH15, Luật Nhà ở số 27/2023/QH15, Luật Kinh doanh bất động sản số 29/2023/QH15, Luật Các tổ chức tín dụng số 32/2024/QH15; thảo luận ở tổ về 2 dự án luật trên.

Quang cảnh phiên thảo luận tại hội trường

Quang cảnh phiên thảo luận tại hội trường

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh điều hành phiên thảo luận ở hội trường

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh điều hành phiên thảo luận ở hội trường

Thảo luận tại hội trường về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 – 2035, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đã có 29 ý kiến phát biểu, 3 ý kiến tranh luận. Qua thảo luận, nhiều ý kiến ĐBQH đồng thuận, thống nhất quan điểm, nguyên tắc xây dựng Chương trình. Đây là chương trình rất quan trọng, có nội dung rất rộng, phản ánh ở tất cả các lĩnh vực của đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng và đời sống xã hội.

Các ý kiến đại biểu nhận định, Chương trình cơ bản đã đáp ứng được tiêu chí của Chương trình mục tiêu quốc gia, có tính đột phá, nhằm cụ thể hóa và đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả các quan điểm chủ trương lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng về phát triển văn hóa…Góp phần tích cực cho quá trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững đất nước, xây dựng văn hóa thật sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh và là hồn cốt của dân tộc.

Ngoài ra, nhiều đại biểu nhấn mạnh yêu cầu bảo đảm tính đồng bộ và tương thích, khả thi giữa việc xác định các quan điểm chính sách và hệ thống mục tiêu, chỉ tiêu, tổng vốn đầu tư, cơ cấu nguồn vốn, phân kỳ đầu tư, nhiệm vụ, giải pháp, các nội dung thành phần của chương trình. Bảo đảm các nội dung đề xuất với Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư chương trình phải thực sự là những nội dung quan trọng, cấp thiết, có tính ưu tiên; ....

Đại biểu Chu Thị Hồng Thái, Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn phát biểu ý kiến tại phiên thảo luận ở hội trường

Đại biểu Chu Thị Hồng Thái, Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn phát biểu ý kiến tại phiên thảo luận ở hội trường

Góp ý về nội dung thành phần của Chương trình, đại biểu Chu Thị Hồng Thái, Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn nêu rõ, Chương trình thiết kế 10 nội dung. Trong đó, các nội dung đưa ra nhằm thực hiện mục tiêu được thể chế hóa từ các chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, chiến lược phát triển văn hóa và các chiến lược phát triển ngành, lĩnh vực có liên quan đến văn hóa của nước ta giai đoạn từ năm 2021 đến năm 2030. Tuy nhiên, vì mong muốn bao trùm tất cả các lĩnh vực liên quan nên khi đưa ra các nội dung thành phần, chỉ tiêu, nhiệm vụ cụ thể lại quá nhiều thành ra lại dàn trải. Trong khi đó, nguồn lực còn hạn chế, nhiều chỉ tiêu đưa ra chưa đủ cơ sở về tính thiết thực, tính khả thi trong thực tế, thiếu tính liên kết với các nhiệm vụ cụ thể. Do vậy, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu chọn lọc, gộp các nội dung thành phần và tập trung vào 3 nội dung lớn như sau: Phát triển con người Việt Nam có nhân cách, lối sống tốt đẹp; xây dựng các thiết chế văn hóa gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa dân tộc; phát triển các ngành công nghiệp văn hóa và lan tỏa các giá trị văn hóa Việt Nam ra thế giới;…

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đã phát biểu giải trình, làm rõ một số nội dung ĐBQH nêu

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đã phát biểu giải trình, làm rõ một số nội dung ĐBQH nêu

Tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đã phát biểu giải trình, làm rõ một số nội dung ĐBQH nêu. Theo Bộ trưởng, các ý kiến phát biểu đều thống nhất cao sự cần thiết phải ban hành Chương trình và mong muốn Chương trình sớm được ban hành; các đại biểu cũng đóng góp nhiều ý kiến cụ thể để Chương trình có tính khả thi cao khi triển khai thực tế. Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng tập trung phân tích, làm rõ thêm một số nội dung về: cách thức tiếp cận; trùng lặp đối tượng thụ hưởng Chương trình; cơ cấu nguồn vốn của Chương trình; vấn đề ngân sách phân cấp;…

Thảo luận ở tổ về 2 dự thảo luật về Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ và Luật Phòng không nhân dân, các đại biểu tổ 13 cơ bản nhất trí với các nội dung đề cập trong 2 dự thảo luật này. Đồng thời đề nghị ban soạn thảo tiếp tục rà soát các quy định, điều khoản chặt chẽ để không trùng lắp với quy định tại các luật hiện hành liên quan.

Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa, Đoàn ĐBQH tỉnh góp ý kiến vào dự thảo Luật Phòng không nhân dân

Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa, Đoàn ĐBQH tỉnh góp ý kiến vào dự thảo Luật Phòng không nhân dân

Phát biểu ý kiến tại thảo luận tổ, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa, Đoàn ĐBQH tỉnh đã góp ý kiến vào dự thảo Luật Phòng không nhân dân. Theo đại biểu, hồ sơ trình đã đáp ứng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; bên cạnh các tài liệu bắt buộc còn có thêm báo cáo sơ bộ nghiên cứu kinh nghiệm nước ngoài. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng cần bổ sung rà soát đối với các Luật mới được Quốc hội thông qua như: Luật Đất đai (2023), Luật Giá (2023), Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự (2023) và các Dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp, Dự thảo Luật quản lý vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ … để bảo đảm tính tương thích. Ngoài ra, đề nghị bổ sung Báo cáo rà soát tính tương thích với điều ước quốc tế có liên quan mà nước ta là thành viên.

Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa đề nghị cơ quan soạn thảo phân tích rõ hơn phạm vi điều chỉnh của Luật để bảo đảm sự thống nhất và chặt chẽ trong chức năng, nhiệm vụ của lực lượng phòng không nhân dân với lực lượng dân quân tự vệ cũng như mối quan hệ giữa lực lượng phòng không nhân dân với lực lượng phòng không quân của quân đội; bổ sung phân tích lý do lựa chọn độ tuổi từ 18 tuổi đến 45 tuổi đối với công dân nam và từ 18 tuổi đến 40 tuổi đối với công dân nữ tham gia lực lượng phòng không nhân dân huy động (Điều 14); đề nghị đánh giá tác động kỹ và giải trình rõ hơn đối với hoạt động “thiết kế” và “thử nghiệm” đối với quy định thiết kế, sửa chữa, bảo dưỡng, thử nghiệm, kinh doanh tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ (Điều 28) khi coi đây là ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện; làm rõ quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đối với PKND (Điều 37) để tránh trùng lặp với công trình chuyên dùng của các bộ, ngành, công trình phòng thủ dân sự; đề nghị quy định mức tiền công này phải ít nhất bằng với mức hiện hưởng, đồng thời quy định cụ thể đối tượng trả lương (cấp huy động) cho người được huy động làm nhiệm vụ phòng không nhân dân để làm căn cứ quy định hướng dẫn tại Điều 11 của Dự thảo Nghị định.

THANH HUYỀN -VP.ĐOÀN ĐBQH&HĐND tỉnh

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/ky-hop-thu-7-quoc-hoi-khoa-xv-dai-bieu-gop-y-kien-vao-mot-so-du-thao-luat-va-chu-truong-dau-tu-chuon-5012193.html