Kỳ II: Đánh thức tiềm năng
Khó khăn trong phát triển cây dược liệu ở tỉnh ta hiện nay chính là việc sản xuất vẫn manh mún, nhỏ lẻ, chưa có vùng sản xuất tập trung; công nghệ chế biến chưa đáp ứng được yêu cầu hiện đại, thiếu liên kết sản xuất. Vì vậy, cần có những giải pháp đồng bộ để phát triển cây dược liệu.
Trường Đại học Hùng Vương thực hiện đề tài cấp Nhà nước về nghiên cứu phát triển cây địa hoàng, triển khai mô hình tại xã Đồng Trung, huyện Thanh Thủy với quy mô 2ha.
(baophutho.vn) - Khó khăn trong phát triển cây dược liệu ở tỉnh ta hiện nay chính là việc sản xuất vẫn manh mún, nhỏ lẻ, chưa có vùng sản xuất tập trung; công nghệ chế biến chưa đáp ứng được yêu cầu hiện đại, thiếu liên kết sản xuất. Vì vậy, cần có những giải pháp đồng bộ để phát triển cây dược liệu.
Khuyến khích liên kết, hợp tác cùng phát triển
Trên địa bàn tỉnh đã có một số doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực cây dược liệu như Công ty CP Dược liệu Việt Nam đầu tư tại xã Phù Ninh, huyện Phù Ninh; Công ty CP Traphaco liên kết với một số hộ dân ở xã Thạch Đồng, huyện Thanh Thủy trồng bìm bìm biếc để sản xuất thuốc bổ gan với diện tích trên 5ha. Ngoài ra, một số công ty, trung tâm nghiên cứu và phát triển dược liệu đầu tư sản xuất cây giống, trồng thử nghiệm một số loại cây dược liệu khác.Tập quán sản xuất của người dân vẫn chủ yếu là tự phát, chưa xác định được nhu cầu của thị trường, vì vậy, trong quá trình sản xuất và tiêu thụ sản phẩm dược liệu cần có sự liên kết đầu tư của các doanh nghiệp, nhà khoa học nhằm nâng cao kiến thức, kỹ thuật về trồng, chăm sóc, thu hoạch dược liệu cho người dân. Mối quan hệ liên kết luôn đóng vai trò trụ cột trong sản xuất nông nghiệp, đảm bảo một nền sản xuất bền vững, hiệu quả và tính cạnh tranh cao. Chỉ có liên kết mới giúp sản phẩm từ cây dược liệu phát triển, có khả năng cạnh tranh trên thị trường. Nếu triển khai đúng quy trình thì chuỗi liên kết sẽ khắc phục hạn chế của lối sản xuất phân tán, nhỏ lẻ; thuận lợi trong áp dụng tiến bộ KHKT nhằm nâng cao giá trị sản phẩm. Để thành công trong liên kết sản xuất, mỗi mắt xích đều đóng vai trò quan trọng. Nhà nước định hướng, kết nối và đảm bảo lợi ích hài hòa; nhà khoa học đồng hành trong suốt cả quá trình; doanh nghiệp và nhà nông là hai tác nhân chính trong chuỗi liên kết, trực tiếp sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Mới đây, khi tìm hiểu về mô hình liên kết trồng gừng trâu của một số hộ dân xã Thục Luyện, huyện Thanh Sơn với Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Trí Đức có địa chỉ tại Hà Nội, tình trạng không tuân thủ hợp đồng vẫn còn diễn ra. Năm 2020, giá thu mua của Công ty thấp hơn giá thị trường nên nhiều hộ đã bán cho thương lái, không bán cho Công ty theo thỏa thuận. Vì vậy, phía người nông dân, việc tháo bỏ tư duy manh mún sẽ gỡ nút thắt quan trọng để hướng đến một nền sản xuất thực sự chuyên nghiệp, cần có những sự thay đổi trong tập quán sản xuất; thực hiện nghiêm ngặt các tiêu chuẩn kỹ thuật trong các khâu trồng, chăm sóc, thu hoạch, bảo đảm tính dược lý khi đưa vào sản xuất và tuân thủ các điều kiện của hợp đồng. Tất cả các mô hình liên kết đều cần vai trò của các cơ quan chức năng liên quan và chính quyền địa phương. Chính quyền và các đơn vị cần thẩm định rõ năng lực của các doanh nghiệp trước khi triển khai liên kết chuỗi giá trị với nông dân để đảm bảo thành công, tạo sự lan tỏa ở các địa phương. Quan tâm hỗ trợ khâu tổ chức sản xuất, tập huấn, trang bị kiến thức, kỹ năng cho người dân về sản xuất theo hợp đồng, tăng cường hợp tác, làm việc theo tổ, nhóm để thuận lợi điều hành. Doanh nghiệp cũng cần có sự hỗ trợ đối với bà con về giống, kỹ thuật, có hợp đồng cam kết thu mua, tránh tình trạng “bỏ của chạy lấy người” như đã từng xảy ra ở một số mô hình nông nghiệp trước đây.Cùng với đó, tiến hành đánh giá, sơ kết các mô hình phát triển cây dược liệu, mô hình liên kết trên địa bàn tỉnh thời gian qua, đánh giá việc thực hiện các chính sách địa phương đối với phát triển cây dược liệu, trên cơ sở đó, có sự nghiên cứu để sửa đổi hoặc ban hành mới các cơ chế, chính sách trong quá trình triển khai các dự án phát triển, chế biến cây dược liệu.
Cần cơ chế, chính sách mở đường
Thời gian qua, tỉnh đã có những giải pháp nhằm thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về định hướng phát triển cây dược liệu, hướng đến mục tiêu chuyển dịch cơ cấu cây trồng, mang lại giá trị kinh tế cao và giảm nghèo bền vững. Hoạt động nghiên cứu khoa học trên địa bàn tỉnh về cây dược liệu đang đi theo định hướng ứng dụng các kết quả nghiên cứu, tạo sản phẩm phục vụ nhu cầu thị trường; xây dựng các vùng trồng dược liệu nhằm phát triển kinh tế - xã hội và bảo tồn nguồn gen. Một số nghiên cứu có giá trị thực tiễn như: Nghiên cứu về bảo tồn các loài cây dược liệu, xây dựng mô hình vườn cây thuốc mẫu tại Vườn Quốc gia Xuân Sơn gồm 68 loài cây dược liệu quý hiếm có trong sách đỏ Việt Nam; nghiên cứu thành công, hoàn thiện các quy trình công nghệ nhân giống và trồng thâm canh đối với các cây ba kích, trinh nữ hoàng cung, cà gai leo, ngưu tất, hà thủ ô đỏ, sâm cau, đinh lăng, mạch môn, bình vôi, địa liền, địa hoàng... Những năm qua, UBND tỉnh đã phê duyệt các dự án khoa học và công nghệ cấp tỉnh liên quan đến cây dược liệu như: Sản xuất sản phẩm trà thảo mộc từ một số cây dược liệu trồng trên địa bàn tỉnh; xây dựng mô hình áp dụng các biện pháp kỹ thuật trồng chuối tây Thái Lan xen canh cây dược liệu theo hướng hàng hóa tại huyện Lâm Thao… Để nâng cao hiệu quả và phát huy được tiềm năng về phát triển cây dược liệu của tỉnh, người trồng dược liệu rất cần các chính sách phù hợp để hỗ trợ đầu tư cho khoa học - công nghệ, công tác tổ chức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm từ khâu trồng trọt, thu hái, chế biến sản phẩm, từng bước tạo đầu ra ổn định trên thị trường. Xây dựng cơ chế, chính sách lồng ghép nguồn vốn đầu tư của Nhà nước, của doanh nghiệp, HTX trong việc đào tạo, tập huấn cho người dân về sản xuất, thu hái, bảo quản, chế biến dược liệu an toàn đảm bảo theo đúng quy trình kỹ thuật và các tiêu chuẩn thực hành tốt sản xuất thuốc của Tổ chức Y tế Thế giới. Cùng với đó, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất giống, chăm sóc, thu hái và bảo quản, nâng cao chất lượng chế biến theo các tiêu chuẩn đã được Bộ Y tế ban hành. Để việc tiêu thụ sản phẩm cây dược liệu được hiệu quả, bền vững cần thực hiện tiêu thụ sản phẩm qua các kênh: Các tổ chức kinh tế là các công ty kinh doanh dược liệu; các hình thức liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm với hợp đồng, bao tiêu sản phẩm được coi là hình thức đem lại hiệu quả kinh tế cao nhất cho vùng phát triển tập trung.Đồng thời cần hướng tới xây dựng vùng cây dược liệu phát triển ổn định, lâu dài để góp phần nâng cao giá trị kinh tế trên đơn vị diện tích, tăng thu nhập, giúp người dân có đời sống ổn định và có thu nhập thường xuyên từ trồng dược liệu. Thực hiện trồng thí điểm, đánh giá hiệu quả, xây dựng, hoàn thiện các quy trình kỹ thuật mới với từng loại cây trồng và vùng sinh thái khác nhau để nâng cao chất lượng dược liệu.Ông Trần Tú Anh - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận định: Để phát triển cây dược liệu phù hợp, tránh việc trồng tự phát thì việc xây dựng quy hoạch chi tiết các vùng trồng cây dược liệu tập trung trên địa bàn là cần thiết. Đồng thời tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về tác dụng, hiệu quả sử dụng của các cây dược liệu để người dân biết, quan tâm đầu tư phát triển; vận động người dân, cộng đồng khai thác hợp lý đi đôi với bảo tồn nguồn tài nguyên dược liệu nhằm hướng đến sử dụng nguồn dược liệu bền vững và bảo vệ môi trường.Thực hiện tốt công tác nghiên cứu, chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật mới trong sản xuất, chế biến dược liệu; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, phát triển thị trường; tăng cường liên kết sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Ngoài ra, cần xác định, đánh giá cả những yếu tố “quý” của dược liệu trong mục tiêu xuất khẩu bên cạnh yếu tố “quý” trong lĩnh vực y tế để nâng cao giá trị kinh tế cho cây dược liệu.
Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/kinh-te/202108/ky-ii-danh-thuc-tiem-nang-179175