Ký kết hợp đồng tín dụng trị giá 2.300 tỷ đồng cho cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh

Đây là hợp đồng tín dụng cho Dự án PPP đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng) được ký giữa VPBank và Công ty cổ phần cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh.

Lễ ký kết hợp đồng tín dụng cho Dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh.

Lễ ký kết hợp đồng tín dụng cho Dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh.

Chiều nay (4/10), tại Hà Nội, Công ty cổ phần cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh và Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) đã ký kết hợp đồng tín dụng Dự án PPP đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh trị giá 2.300 tỷ đồng.

“Mặc dù chỉ chiếm khoảng 15% phần tổng mức đầu tư công trình nhưng hợp đồng tín dụng này không chỉ là nguồn lực quan trọng mà còn chứng minh tính khả thi tài chính của Dự án”, ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch Tập đoàn Đèo Cả - đơn vị đứng đầu liên danh nhà đầu tư đánh giá.

Theo ông Hồ Minh Hoàng, tại Dự án PPP đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Đồng Đăng-Lạng Sơn, mô hình PPP++ đang được Tập đoàn Đèo Cả để huy động đa dạng hóa nguồn vốn. Trong đó, dấu cộng thứ nhất là sự ủng hộ của cơ chế chính sách; dấu cộng thứ hai là cộng tiềm lực tài chính của các nhà đầu tư, ngân hàng.

Bên cạnh đó, còn một dấu cộng thứ ba tại Dự án này, theo ông Hoàng, là phép cộng niềm tin, sự kỳ vọng người dân hai tỉnh Cao Bằng và Lạng Sơn; là trách nhiệm trước đất nước, trước anh linh của Chủ tịch Hồ Chí Minh của tất cả các bên liên quan đối với việc chung tay đưa mảnh đất cội nguồn cách mạng - Cao Bằng đi lên.

“Chúng tôi đã rất kiên trì, nỗ lực trong suốt 7 năm qua để thực hiện nghiên cứu, đề xuất các giải pháp huy động vốn, giải pháp xử lý hướng tuyến để có thể triển khai Dự án trên thực địa. Việc ký kết hợp đồng này không được là cam kết trên giấy mà cần phải được thực hiện trên thực tế, sớm giải ngân nguồn vốn theo tiến độ như những gì mà các nhà đầu tư, nhà thầu đang để thực hiện hoàn thành công trình theo đúng kế hoạch”, ông Hồ Minh Hoàng chia sẻ.

Ghi nhận nỗ lực thực hiện của Tập đoàn Đèo Cả, ông Trần Hồng Minh – Bí thư tỉnh ủy Cao Bằng cho biết, trên thực tế không chờ đến khi Quốc hội cho phép nâng phần vốn ngân sách Nhà nước lên đến 70% mà nhà đầu tư đã bắt tay triển khai xây dựng ngay từ khi phần vốn này chỉ có 50% tổng mức đầu tư.

“Với tinh thần trách nhiệm cao, Tập đoàn Đèo Cả đã khắc phục nhiều khó khăn về địa hình địa chất, nghiên cứu điều chỉnh hướng tuyến, tiết giảm kinh phí đầu tư, dẫn dắt, tập hợp các doanh nghiệp cùng theo đuổi dự án, tìm giải pháp để thực hiện bằng được Dự án”, Bí thư Trần Hồng Minh đánh giá.

Việc Dự án chính thức khai thông nguồn vốn tín dụng, theo Bí thư Trần Hồng Minh, sẽ tạo ra dấu mốc cụ thể hóa nguồn vốn tín dụng cho dự án. Sự đồng hành của tổ chức tín dụng góp phần đảm bảo thành công cho dự án, mở ra cơ hội phát triển kinh tế dài hạn cho vùng biên giới phía Bắc của Tổ quốc.

Khi tuyến cao tốc hoàn thành, ngành du lịch của tỉnh Cao Bằng sẽ có nhiều cơ hội phát triển. Du khách từ khắp nơi sẽ dễ dàng tiếp cận với những điểm du lịch nổi tiếng như Khu di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó, Thác Bản Giốc, động Ngườm Ngao,...

Kinh tế của tỉnh cũng sẽ khởi sắc khi hệ thống giao thông thuận lợi tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất, chế biến nông sản, khai thác khoáng sản và phát triển công nghiệp, các nhà máy, trung tâm logistics, cảng cạn,… tạo ra nhiều công ăn việc làm cho người dân, nâng cao đời sống của bà con và phát triển địa phương.

Ông Trần Hồng Minh khẳng định chính quyền và nhân dân tỉnh Cao Bằng đang tích cực chuẩn bị các điều kiện tốt nhất để phát triển kinh tế - xã hội. Tỉnh sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp đến với Cao Bằng.

“Với tầm nhìn dài hạn và sự đồng lòng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, tôi tin rằng Cao Bằng sẽ không chỉ là một tỉnh “phên dậu” nơi địa đầu Tổ quốc, mà sẽ trở thành một trung tâm giao thương quan trọng, điểm sáng về phát triển kinh tế - xã hội ở khu vực miền núi phía Bắc”, Bí thư tỉnh ủy Cao Bằng nhận định.

Dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh là tuyến đường nối liền “mạch máu” kinh tế từ Thủ đô Hà Nội đến miền biên viễn phía Bắc, nơi phiên dậu của Tổ quốc.

Ngay từ khi khởi công, dự án đã nhận được sự quan tâm của Đảng, Quốc hội và sự tham gia chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ.

Khi hoàn thành, dự án này sẽ là minh chứng cho sự phối hợp đồng lòng giữa các bên liên quan, là kết tinh của “ý Đảng hợp lòng dân”, qua đó hiện thực hóa ước mơ của đồng bào các dân tộc hai tỉnh Lạng Sơn và Cao Bằng về một tuyến cao tốc hiện đại vùng núi Đông Bắc đất nước.

Dự án PPP đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh có tổng chiều dài 121km, được phân kỳ đầu tư thành 2 giai đoạn.

Giai đoạn 1, cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh được đầu tư với chiều dài hơn 93km. Điểm đầu tại nút giao cửa khẩu Tân Thanh (huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn). Điểm cuối tại nút giao quốc lộ 3 (xã Chí Thảo, huyện Quảng Hòa, tỉnh Cao Bằng). Tập đoàn Đèo Cả là nhà đầu tư đứng đầu liên danh thực hiện dự án giai đoạn 1.

Dự án hoàn thành sẽ tăng cường kết nối giao thương trong nước và quốc tế, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của địa phương và khu vực, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng đất nước nước.

Được biết, ngay sau lễ khởi công (1/1/2024), UBND tỉnh Cao Bằng đã phát động “Chiến dịch cao điểm 100 ngày đêm hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng tại Dự án. Đến nay, công tác giải phóng mặt bằng đối với đoạn tuyến qua địa phận tỉnh Cao Bằng đã đạt 35,36/41,55km tương đương 85%, đáp ứng tiến độ tổ chức thi công.

Đối với phạm vi tại tỉnh Lạng Sơn, công tác giải phóng mặt bằng đến nay đạt 16,16/51,8 km (tương đương 31,2%). UBND hai tỉnh Cao Bằng và Lạng Sơn đang phối hợp với các bên liên quan thúc đẩy tiến độ giải phóng mặt bằng, quyết tâm hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng trong năm 2024.

Theo Công ty cổ phần cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh, tính đến đầu tháng 10/2024, Dự án hiện đã huy động 847 nhân sự, 284 máy móc thiết bị, triển khai 25 mũi đồng loạt tiếp cận, tổ chức thi công theo các phân đoạn mặt bằng đã bàn giao, áp dụng các giải pháp kỹ thuật và công nghệ thi công hiện đại, tăng cường ứng dụng công nghệ số vào thiết kế, thi công và quản lý để đảm bảo tiến độ, chất lượng và hiệu quả dự án.

Hiện Dự án đã được giải ngân 297 tỷ đồng/9.800 tỷ đồng vốn ngân sách Nhà nước; hơn 300 tỷ đồng/1.813 tỷ đồng vốn nhà đầu tư và nhà thầu thi công.

“Để hoàn thành và đưa dự án vào vận hành khai thác trong năm 2026, điều kiện tiên quyết các nguồn vốn phải được khơi thông và các bên liên quan phải giải ngân đáp ứng tiến độ của dự án”, đại diện Công ty cổ phần cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh cho biết.

Anh Minh

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/ky-ket-hop-dong-tin-dung-tri-gia-2300-ty-dong-cho-cao-toc-dong-dang---tra-linh-d226637.html