Kỷ nguyên mới, giáo dục cần gắn kết giữa đầu tư nhà nước và xã hội

Theo Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, việc đầu tư hiện vẫn chưa đi vào trọng tâm và chưa bám sát với các mục tiêu mà ngành Giáo dục đưa ra.

Đẩy mạnh, tăng cường đầu tư cho giáo dục và đào tạo vốn là vấn đề cấp thiết và quan trọng nhằm hướng tới mục tiêu cải thiện, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho đất nước. Thế nhưng, trên thực tế, việc đầu tư này vẫn còn nhiều rào cản, thách thức.

Nhân dịp Xuân Ất Tỵ, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, Phó Chủ tịch Hội Khoa học tâm lý giáo dục Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng giáo dục Trường Trung học phổ thông Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) để lắng nghe những trăn trở, đề xuất của thầy đối với vấn đề nguồn lực đầu tư cho giáo dục hiện nay.

Chính sách đầu tư cho giáo dục còn phân tán, chưa đạt hiệu quả nhất định

Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm nhìn nhận, thực trạng đầu tư nguồn lực cho giáo dục hiện nay chưa thực sự hiệu quả. Việc đầu tư chưa đặt ra vấn đề phát triển đến mức độ nào hay đến đâu; nhiều dự án đầu tư chưa phát huy hết được tác dụng.

Nghị quyết mà Đảng ta đã đặt ra là bảo đảm ngân sách nhà nước chi cho giáo dục tối thiểu 20% trong tổng chi ngân sách nhà nước. Thầy Tùng Lâm cho rằng, mức đầu tư như vậy không hề thấp.

Tuy nhiên, trên thực tế, phần đầu tư này mặc dù phân bổ cho các địa phương nhưng nhà nước lại chưa quản lý việc địa phương đã sử dụng nguồn ngân sách đó hiệu quả thực sự ra sao dẫn tới có nơi chi chưa đúng mục tiêu và không kịp thời.

Bên cạnh đó, việc đầu tư cho các cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp là những đơn vị đào tạo nguồn nhân lực trực tiếp cho xã hội nhưng đến nay vẫn chưa rõ vị trí, vai trò của từng loại hình trường để đầu tư cho tương xứng.

Có thể thấy, những chính sách đầu tư cho giáo dục đang bị phân tán, chưa rành mạch, chưa đọng lại hiệu quả nhất định. Không những vậy, việc đầu tư cũng chưa đi vào trọng tâm và đâu đó chưa bám sát với các mục tiêu mà ngành Giáo dục đưa ra.

 Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, Phó Chủ tịch Hội Khoa học tâm lý giáo dục Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng giáo dục Trường Trung học phổ thông Đinh Tiên Hoàng. Ảnh: Trà My.

Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, Phó Chủ tịch Hội Khoa học tâm lý giáo dục Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng giáo dục Trường Trung học phổ thông Đinh Tiên Hoàng. Ảnh: Trà My.

Để nguồn đầu tư từ ngân sách nhà nước thực sự có được hiệu quả, thầy Tùng Lâm cho rằng, mỗi địa phương phải tự chịu trách nhiệm về sự phát triển giáo dục của địa phương mình. Đồng thời, nhà nước phải có bộ chỉ số đánh giá xem địa phương nào thực sự đầu tư đúng và đủ.

Không những vậy, mỗi chính sách, nguồn tiền đầu tư được chi ra phải đảm bảo đo được sự thay đổi để phục vụ được mục tiêu, tính hiệu quả.

Nguồn đầu tư từ xã hội hóa còn nhiều hạn chế

Mặt khác, theo Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, khi nguồn đầu tư từ ngân sách nhà nước không đủ thì chúng ta phải huy động nguồn lực xã hội hóa để đầu tư cho giáo dục. Đáng nói, nguồn lực đầu tư này cũng đang chưa được hiệu quả do chúng ta đang “thả nổi”, “mặc” cho họ.

Thực tế đã chỉ ra rằng, có tập đoàn đầu tư vào giáo dục nhưng chỉ nhằm mục tiêu phục vụ cho nhu cầu kinh tế của họ chứ chưa thực sự vì mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục và nguồn nhân lực nói chung.

Hơn nữa, nhiều trường tư thục còn lợi dụng “mác” quốc tế để nâng cao mức học phí, gây gánh nặng áp lực không nhỏ lên một bộ phận người dân.

Thầy Tùng Lâm bày tỏ, nếu chúng ta chỉ kêu gọi, thu hút nguồn lực xã hội hóa đầu tư cho giáo dục nhưng không kiểm soát được chất lượng đào tạo từ việc đầu tư này thì vẫn là lãng phí, không mang lại ý nghĩa nhân văn.

Trong khi đó, các tập đoàn kinh tế phải có trách nhiệm và nghĩa vụ phát triển giáo dục, từ đó phát triển nguồn nhân lực để phục vụ cho chính họ trong tương lai.

Cũng phải nói thêm rằng, việc thu hút nguồn lực đầu tư cho giáo dục từ xã hội hóa vẫn còn gặp khó khăn như vấn đề về xin cấp phép đất đai để được mở trường còn rất lâu khiến nhiều đơn vị ngần ngại đầu tư. Điều này là chưa tạo điều kiện cho giáo dục phát triển.

Chính vì vậy, thầy Tùng Lâm cho rằng, Nhà nước nên giảm thuế, giao đất cho các tập đoàn, chủ đầu tư có nguồn lực, đủ điều kiện để xây dựng, mở rộng để có thêm trường, lớp ở bậc tiểu học, trung học phổ thông nhằm đảm bảo đủ chỗ học theo đúng tiêu chuẩn, quy định về sĩ số của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Đồng thời, Nhà nước phải kiểm soát được sự đầu tư có đạt được mục tiêu, chất lượng hay không. Bên cạnh đó, phải có sự gắn kết giữa đầu tư nhà nước và xã hội.

Đảm bảo chất lượng giáo dục phát triển đồng đều

Cũng theo Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, cần phải tập trung, chú tâm hơn đến vai trò, trách nhiệm của nhà trường, nhà giáo bởi đây là những yếu tố quan trọng nhất trong sự phát triển giáo dục. Có như vậy, việc đầu tư cho giáo dục mới không lãng phí mà còn giúp các trường tận dụng đúng nguồn lực đầu tư của mình.

Trong Thư gửi học sinh nhân ngày khai giảng của Chủ tịch Hồ Chí Minh (vào tháng 9/1946), Người đã nói: “Ngày nay, các em được may mắn hơn cha anh là được tiếp thu một nền giáo dục của một nước độc lập. Một nền giáo dục mới sẽ đào tạo các em nên những người công dân hữu ích cho nước Việt Nam, một nền giáo dục làm phát triển hoàn toàn những năng lực sẵn có của các em”.

Ngày nay, bước vào kỷ nguyên mới của đất nước, việc giáo dục đào tạo tập trung vào sự phát triển năng lực của người học thay vì “chạy” theo thành tích như trước đây là rất quan trọng.

 Ảnh minh họa: Ngọc Mai,

Ảnh minh họa: Ngọc Mai,

Để làm được việc này, thầy Tùng Lâm cho rằng, ngành Giáo dục cần hướng tới xây dựng mô hình trường học đáp ứng nhu cầu phát triển kỷ nguyên mới của đất nước là nhà trường “Tự chủ - Dân chủ - Nhân văn – Sáng tạo - Hội nhập”.

Trong đó, tự chủ là “Đổi mới căn bản công tác quản lý giáo dục đào tạo; đảm bảo dân chủ thống nhất; Tăng quyền tự chủ và trách nhiệm xã hội của các cơ sở giáo dục đào tạo coi trọng quản lý chất lượng” (Nghị quyết 29-NQ/TW); Dân chủ là “Thực hiện giám sát của các chủ thể trong nhà trường và xã hội, tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra của các cơ quan quản lý các cấp; đảm bảo dân chủ, công khai, minh bạch” (Nghị quyết 29-NQ/TW);

Nhân văn tức là “Tập trung vào những giá trị cơ bản của văn hóa, truyền thống, đạo lý dân tộc, tinh hoa văn hóa nhân loại, giá trị cốt lõi và nhân văn của Chủ nghĩa Mác Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh” (Nghị quyết 29-NQ/TW); Sáng tạo là “Giáo dục con người Việt Nam phát triển toàn diện và phát huy tốt nhất tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân” (Nghị quyết 29-NQ/TW) và Hội nhập là “Đẩy mạnh hội nhập Quốc tế trong giáo dục đào tạo đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ phát triển đất nước trong giai đoạn mới. Tập trung nâng cao năng lực ngoại ngữ cho học sinh/ sinh viên từng bước đưa tiếng anh thành ngôn ngữ thứ 2 trong trường học” (Kết luận 91 của Bộ Chính trị).

Khi nhà trường đạt được những tiêu chí trên, có chất lượng cao, tất yếu sẽ tạo ra các hiệu quả như có cán bộ quản lý, nhà giáo giỏi, ai không đủ tiêu chuẩn, không cố gắng thì cần phải thay đổi. Hơn nữa, các trường sẽ đáp ứng mục tiêu chương trình giáo dục phổ thông 2018 và nguồn lực chất lượng cao cho xã hội; đảm bảo cơ sở vật chất đáp ứng cho hoạt động giảng dạy. Không những vậy, khi tự chủ, các trường tất yếu sẽ phải tự chịu trách nhiệm trước xã hội.

Việc làm này sẽ tạo ra chất lượng giáo dục đồng đều giữa các trường học, từ đó giảm thiểu những vấn đề tiêu cực trong giáo dục như hoạt động dạy thêm, học thêm và tránh lãng phí nguồn lực đầu tư.

Tuy nhiên, cũng cần phải lưu tâm rằng, cơ chế cho những trường có chất lượng được phép tự chủ phải khác với những cơ sở đào tạo khác mới thúc đẩy họ nỗ lực phát triển được.

Cũng theo thầy Tùng Lâm, tại Hội nghị tổng kết năm 2024, triển khai nhiệm vụ 2025 của Chính phủ và chính quyền địa phương, Tổng Bí thư Tô Lâm đã đề nghị “cần phải đổi mới mạnh mẽ, dứt khoát, quyết liệt, cách mạng, toàn diện hơn nữa trong quản lý kinh tế để chúng ta vững vàng bước vào kỷ nguyên thịnh vượng, giàu mạnh và phát triển”.

Vấn đề quản lý giáo dục cũng cần phải được chú trọng như vậy, tức phải đổi mới mạnh mẽ, dứt khoát, quyết liệt, cách mạng, toàn diện hơn nữa trong quản lý, đầu tư cho giáo dục đào tạo để bước vào kỷ nguyên mới của đất nước.

“Bất kỳ quốc gia nào muốn phát triển tất yếu cũng phải đi lên bằng giáo dục chứ không thể chỉ đi lên bằng kinh tế. Giáo dục chính là khởi nguồn của những nguồn nhân lực chất lượng cho tất cả các lĩnh vực khác. Để thực sự đáp ứng “Kỷ nguyên vươn mình” của đất nước, việc chú trọng, đầu tư cho phát triển giáo dục là rất quan trọng”, thầy Tùng Lâm khẳng định.

Tường San

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/ky-nguyen-moi-giao-duc-can-gan-ket-giua-dau-tu-nha-nuoc-va-xa-hoi-post248777.gd