Nhiều trường đại học mở ngành mới đón đầu xu hướng bán dẫn
Trước nhu cầu nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực bán dẫn, nhiều trường đại học tại Việt Nam đang mở thêm ngành, chuyên ngành mới để đón đầu xu hướng.
Năm nay, ĐH Sư phạm Hà Nội dự kiến tuyển 4.995 sinh viên, tăng gần 600 chỉ tiêu so với năm trước. Trường mở thêm 5 ngành mới, trong đó có Vật lý học, với chuyên ngành Vật lý Bán dẫn và Kỹ thuật. Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP. HCM mở ngành Vật lý Kỹ thuật, với định hướng công nghệ bán dẫn, còn trường ĐH Tôn Đức Thắng mở chuyên ngành Kỹ thuật Thiết kế vi mạch bán dẫn, thuộc ngành Kỹ thuật Điện tử - Viễn thông.
Ba trường thuộc ĐHQG Hà Nội cũng tham gia vào cuộc đua này. Trường ĐH Công nghệ dự kiến mở ba chuyên ngành liên quan đến công nghiệp bán dẫn gồm: Khoa học Dữ liệu, Công nghệ Kỹ thuật Điện tử - Viễn thông, định hướng thiết kế vi mạch, và Công nghệ Vật liệu - Vi điện tử. Trường ĐH Việt Nhật đang nghiên cứu chương trình đào tạo kỹ sư bán dẫn, dự kiến tuyển sinh từ năm 2025, còn trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐHQG Hà Nội) dự định mở chương trình Công nghệ Bán dẫn.
Theo PGS. TS Nguyễn Hiệu - Phó Giám đốc ĐHQG Hà Nội, đại học này đặt mục tiêu đào tạo 20.000 trong số 50.000 nhân lực ngành bán dẫn theo chiến lược của Chính phủ đến năm 2030.
Việc nhiều trường đại học mở ngành, chuyên ngành mới nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực trong lĩnh vực bán dẫn. Tuy nhiên, không ít ý kiến lo ngại nguy cơ dư thừa nhân lực hoặc đào tạo không sát với thực tiễn. Trước đó, từng có bài học từ ngành điện hạt nhân, khi sinh viên ra trường nhưng thị trường chưa có nhu cầu tuyển dụng.
PGS. TS Chử Đức Trình - Hiệu trưởng trường ĐH Công nghệ (ĐHQG Hà Nội) lại nhận định, điều này khó xảy ra. Theo ông, tỷ lệ sinh viên học các ngành STEM tại Việt Nam hiện chỉ chiếm 30%, trong khi yêu cầu đầu vào và chất lượng đào tạo ngành bán dẫn rất cao, không phải trường nào cũng đủ điều kiện mở ngành.
Theo Bộ TT - TT, ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam cần khoảng 10.000 kỹ sư mỗi năm, nhưng hiện tại, nguồn cung mới đáp ứng chưa tới 20%. Dự báo, thị trường bán dẫn trong nước sẽ tăng thêm 1,65 tỷ USD giai đoạn 2021 - 2025, với tốc độ tăng trưởng 6,5% mỗi năm. Rào cản lớn nhất của ngành vẫn là thiếu lao động có tay nghề cao.
Năm ngoái, nhiều trường như ĐH Bách khoa Hà Nội, trường ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng), trường ĐH FPT, trường ĐH Phenikaa cũng đã mở ngành, chuyên ngành liên quan nhằm bắt kịp xu hướng phát triển của ngành công nghiệp này.