Công bố sớm môn thứ ba thi tuyển sinh vào lớp 10 để đảm bảo quyền được ôn luyện của học sinh
Hiện nay, một số tỉnh thành đã công bố môn thi - bài thi tổ hợp thứ ba trong kỳ thi tuyển sinh trung học phổ thông, tuyển sinh vào lớp 10, một số tỉnh thành chưa công bố khiến cho phụ huynh, học sinh và giáo viên lo lắng.
Quy chế tuyển sinh vào lớp 10 hướng đến giáo dục toàn diện
Thông tư 30/2024/TT-BGDĐT về Quy chế tuyển sinh trung học cơ sở và tuyển sinh trung học phổ thông có nhiều điểm mới vừa tinh gọn, tiết kiệm, nhẹ nhàng vừa hướng đến giáo dục toàn diện.
Thứ nhất, quy định về thời điểm công bố môn thi thứ ba. Thông tư quy định học sinh dự thi tuyển sinh vào lớp 10 gồm ba môn, trong đó có hai môn bắt buộc là Ngữ văn và Toán, môn thi thứ ba do Sở Giáo dục và Đào tạo lựa chọn và công bố trong khoảng thời gian từ sau khi kết thúc học kỳ một đến trước ngày 31/03 hàng năm.
So với dự thảo, điểm mới về thời điểm công bố môn thi thứ ba là từ sau khi kết thúc học kỳ một. Nội dung này tạo cơ hội cho học sinh có thời gian ôn thi tuyển sinh trong nhà trường sớm mà không phải đóng phí học thêm (theo Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT).
Thứ hai, quy định chọn môn thi thứ ba. Môn thi thứ ba do Sở Giáo dục và Đào tạo chọn lựa trong các môn dạy (hoặc tổ hợp của một số môn) không trùng quá ba năm liên tiếp. Môn thi thứ ba là môn dạy được đánh giá bằng điểm số trong chương trình cấp trung học cơ sở như Tiếng Anh, Giáo dục công dân; Lịch sử và Địa lí; Khoa học tự nhiên; Công nghệ; Tin học.
Nội dung này vừa mở ra cơ hội cho môn học thế mạnh của địa phương được chọn thi nhiều năm liên tiếp vừa tạo cơ hội cho các môn khác có thể góp mặt trong kỳ thi tuyển sinh. Có thể nói, quy định này nhằm đảm bảo mục tiêu giáo dục toàn diện, không phân biệt môn chính, môn phụ.
Thứ ba, quy định thời gian làm bài thi. Với môn Ngữ văn, thời gian bắt buộc là 120 phút, với môn Toán và bài thi thứ ba có thể 90 phút hoặc 120 phút, với môn thi thứ ba có thể 60 phút hoặc 90 phút. Thời gian làm bài do Sở Giáo dục và Đào tạo từng địa phương quyết định. Nội dung thi nằm trong chương trình trung học cơ sở nhưng chủ yếu trong chương trình môn học lớp 9.
Thứ tư, quy định về phương thức tuyển sinh. Từ năm 2025, có ba phương thức tuyển sinh vào lớp 10: Thi tuyển, Xét tuyển hoặc kết hợp cả Thi tuyển và Xét tuyển. Việc lựa chọn phương thức tuyển sinh nào thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân tỉnh (hoặc thành phố trực thuộc Trung ương) có sự tham mưu của Sở Giáo dục và Đào tạo.
Quy định về dạy thêm, học thêm hướng đến giáo dục toàn diện
Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT Quy định về dạy thêm học thêm được nhiều chuyên gia giáo dục đồng thuận và cho rằng đây là bước đệm để hướng đến bỏ hẳn dạy thêm học thêm. Thông tư cũng nhằm đảm bảo mục tiêu giáo dục toàn diện.
Tại Điều 5, Thông tư có quy định: Việc dạy thêm, học thêm trong nhà trường không được thu tiền của học sinh và chỉ dành cho các đối tượng học sinh đăng ký học thêm theo từng môn học như sau: Học sinh có kết quả học tập môn học cuối học kỳ liền kề ở mức chưa đạt; Học sinh được nhà trường lựa chọn để bồi dưỡng học sinh giỏi; Học sinh lớp cuối cấp tự nguyện đăng kí ôn thi tuyển sinh, ôn thi tốt nghiệp theo kế hoạch giáo dục của nhà trường.
Theo đó, học sinh lớp 9 thuộc đối tượng được học thêm trong nhà trường do nhà trường tổ chức mà không phải đóng phí. Khi học sinh có nhu cầu học ôn thi thì học sinh viết đơn đăng ký theo từng môn học (theo Mẫu số 01 tại Phụ lục kèm theo Thông tư 29) nộp cho nhà trường và nhà trường chịu trách nhiệm phân công giáo viên dạy ôn thi cho các em nhằm đạt được yêu cầu cần đạt của Chương trình Giáo dục phổ thông, chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi tuyển sinh trung học phổ thông.
Bên cạnh đó, Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT cũng quy định giáo viên chỉ được tham gia dạy thêm bên ngoài nhà trường tại các cơ sở dạy thêm có đăng ký kinh doanh, không được dạy thêm học sinh mình đang dạy chính khóa. Như vậy, một số địa phương có cơ sở dạy thêm, học sinh có thể đăng ký học thêm ngoài nhà trường; nhưng cũng có địa phương không có cơ sở dạy thêm nên cơ hội học thêm của học sinh cũng bị hạn chế.
Hiện nay, một số tỉnh/ thành đã công bố môn thi thứ ba tạo thuận lợi cho nhà trường lên kế hoạch tổ chức ôn tập, học sinh lên kế hoạch ôn tập có định hướng. Tuy nhiên, một số tỉnh thành chưa công bố môn thi thứ ba làm hạn chế quyền được ôn thi tuyển sinh của các em.
Cần sớm công bố môn thi thứ ba đảm bảo quyền lợi cho học sinh
Lần đầu tiên có Thông tư quy định không thu tiền của học sinh học thêm trong nhà trường. Còn Thông tư quy chế tuyển sinh vào lớp 10 quy định môn thi thứ ba được công bố sau khi kết thúc học kỳ một. Nội dung này tạo điều kiện cho học sinh được đăng ký ôn thi tuyển sinh từ sau khi kết thúc học kỳ một mà không phải đóng tiền. Có thể nói đây là luồng gió mới tiếp thêm động lực học tập cho học sinh, nhất là học sinh lớp 9. Vì thế, môn thi thứ ba nên công bố sớm bởi nhiều lý do.
Thứ nhất, Thông tư quy định về dạy thêm học thêm hướng đến quyền lợi của người học. Nếu học sinh chưa đạt yêu cầu thì đăng ký học thêm trong nhà trường để đạt yêu cầu của chương trình. Giáo viên, nhà trường, ngành giáo dục xem đó là trách nhiệm của mình nên dạy thêm mà được không được thu tiền của học sinh.
Nếu học sinh yếu muốn có cơ hội cạnh tranh tuyển sinh vào lớp 10 thì nhà trường phải đảm bảo nhu cầu được ôn thi của các em. Bên cạnh đó, Thông tư quy định dạy thêm học thêm mới ban hành, nhiều địa phương không có cơ sở dạy thêm nên học sinh yếu chỉ trông chờ vào nhà trường. Vì thế, công bố môn thi thứ ba càng sớm càng đảm bảo quyền được ôn thi và cạnh tranh công bằng cho mọi học sinh.
Thứ hai, năm nay là năm đầu tiên triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông mới ở lớp 9 nên còn nhiều hạn chế trong dạy và học. Giáo viên dạy lớp 9 rất hồi hộp, lo lắng nhất là những môn chưa tham dự thi tuyển sinh vào lớp 10 bao giờ. Vì thế, nếu biết sớm môn thi thứ ba, giáo viên sẽ thuận lợi lên kế hoạch, chuẩn bị đề cương ôn tập cho học sinh. Còn học sinh thì có thời gian và có định hướng rõ nội dung ôn thi.
Thứ ba, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 là kỳ thi có tính cạnh tranh không thua gì so với tuyển sinh đại học; "đáp ứng yêu cầu phân luồng mạnh sau trung học cơ sở" (Nghị quyết 29-NQ/TW); "bảo đảm cho học sinh có học vấn phổ thông nền tảng, hiểu biết cần thiết tối thiểu về kỹ thuật và hướng nghiệp để tiếp tục học trung học phổ thông hoặc chương trình giáo dục nghề nghiệp" (khoản 3, Điều 29, Luật Giáo dục 2019). Vì thế, học sinh và phụ huynh rất mong muốn biết môn thi thứ ba để có chiến lược ôn thi.
Như vậy, có thể nói công bố môn thi thứ ba sớm là rất cần thiết nhằm tạo tâm lý an tâm cho học sinh, phụ huynh, nhà trường; vừa tạo cơ hội cho học sinh có thời gian ôn luyện để đạt được yêu cầu cần đạt của chương trình vừa đảm bảo quyền lợi được học thêm của học sinh.