Kỷ niệm 50 năm chiến thắng Thượng Đức

Tối 7/8, tại khu Tượng đài Chiến thắng Thượng Đức (xã Đại Lãnh, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) đã diễn ra Lễ kỷ niệm 50 năm chiến thắng Thượng Đức. Cách đây 50 năm, sau hơn 1 tháng tấn công ác liệt, các đơn vị đã loại khỏi vòng chiến đấu 10.000 quân địch (bắt sống 2.338 quân), thu 2.106 súng, 24 xe quân sự; mở ra vùng giải phóng khu vực Nông Sơn - Trung Phước, Thượng Đức và vùng Tây Nam Quế Sơn, Tây Bắc Tam Kỳ với 117.000 dân.

Tiết mục “Thượng Đức - bản hùng ca bất tử” tái hiện lại chiến thắng và sự hy sinh trong chiến dịch Nông Sơn - Thượng Đức. Ảnh: Văn Chương

Tiết mục “Thượng Đức - bản hùng ca bất tử” tái hiện lại chiến thắng và sự hy sinh trong chiến dịch Nông Sơn - Thượng Đức. Ảnh: Văn Chương

Nông Sơn - Thượng Đức là một hệ thống tiền đồn được quân ngụy xây dựng, có một số đường nét giống tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ thu nhỏ, vị trí nằm tại sườn trên trục đường Trường Sơn, có hệ thống hầm hào luồn sâu dưới đất và được bao bọc bằng bê tông, cốt thép. Từ vành đai ngoài vào khu trung tâm Thượng Đức có 7 lớp hàng rào xen kẽ là rào bùng nhùng, rào đơn, rào mái nhà, rào cũi lợn, rào chống tăng, rào phản xung phong; hỗ trợ vòng ngoài là trận địa pháo 105mm ở Núi Đất, Ái Nghĩa; cường kích A-37 từ sân bay Đà Nẵng sẵn sàng cất cánh yểm trợ; sư đoàn dù sẵn sàng tăng cường từ vòng ngoài.

Chiến dịch tấn công giải phóng Nông Sơn - Thượng Đức do Trung đoàn 66 (Sư đoàn 304), Trung đoàn 3 (Sư đoàn 324), cùng các đơn vị pháo binh, công binh, phòng không phối thuộc và lực lượng bộ đội địa phương đảm nhiệm thực hiện. Từ ngày 28/7/1974, các đơn vị bắt đầu nổ súng mở màn chiến dịch Nông Sơn - Thượng Đức dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Thường vụ Khu ủy và Bộ Tư lệnh Quân khu 5. Chiến dịch thành công sẽ uy hiếp thành phố Đà Nẵng, khai thông đường Đông Trường Sơn.

Đại tá Phan Văn Thí, Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng BĐBP Quảng Nam (thứ 2, từ phải sang) thăm hỏi các cựu chiến binh về dự lễ. Ảnh: Văn Chương

Đại tá Phan Văn Thí, Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng BĐBP Quảng Nam (thứ 2, từ phải sang) thăm hỏi các cựu chiến binh về dự lễ. Ảnh: Văn Chương

Do lực lượng địch rất mạnh nên các đơn vị tiến công 2 lần không thành, Sư đoàn 304 và các đơn vị tổ chức lại trận địa, di chuyển pháo 85mm và các đơn vị hỏa lực lên điểm cao để bắn thẳng. Trung đoàn 3 đánh chiếm các mục tiêu ngoại vi, tuy nhiên cũng gặp nhiều khó khăn và thương vong. Bộ Tư lệnh chiến dịch đã kịp thời điều chỉnh lực lượng, phương tiện, chuyển hướng tiến công thứ yếu thành chủ yếu.

Bộ đội chủ lực phối hợp với lực lượng vũ trang địa phương đã chia lửa với Thượng Đức, kéo mỏng đội hình địch bằng cách bao vây, đánh gây rối khắp nơi, đánh kho bom sân bay Đà Nẵng, tiến công khu vực Quế Sơn, Nghĩa Hành… Để tiếp tế cho chiến trường, một thách thức không nhỏ là tìm cách khai thông tuyến đường ngang nối với đường Trường Sơn tại Thạnh Mỹ để vận chuyển lương thực, vũ khí. Hơn 1.500 người đồng bào dân tộc, là những người tuyệt đối được tin cậy đã được lực lực An ninh nhân dân vũ trang tuyển lựa để tham gia mở 100km đường từ Trao về Bến Hiên, từ Thạnh Mỹ đi cầu Hội Khách, từ Bến Hiên đi An Điềm. Đồng bào đã sáng tạo cách bện dây rừng để kéo pháo lên điểm cao 1.062.

Bà con đồng bào dân tộc giúp bộ đội kéo pháo lên điểm cao để đánh vào Thượng Đức. Ảnh: Tư liệu

Bà con đồng bào dân tộc giúp bộ đội kéo pháo lên điểm cao để đánh vào Thượng Đức. Ảnh: Tư liệu

Để làm nên chiến thắng Thượng Đức, đã có 1.014 cán bộ, chiến sĩ thuộc Sư đoàn 304, Sư đoàn 327, Sư đoàn 324 hy sinh, khoảng 1.000 bộ đội địa phương, An ninh nhân dân vũ trang thuộc mặt trận Quảng Đà, Huyện đội Đại Lộc, lực lượng phối thuộc Khu V và nhiều nạn nhân chiến tranh đã ngã xuống trên chiến trường Thượng Đức.

Kết thúc chiến dịch, các đơn vị đã loại khỏi vòng chiến đấu 10.000 quân địch (bắt sống 2.338 quân), thu 2.106 súng, 24 xe quân sự; mở ra vùng giải phóng khu vực Nông Sơn - Trung Phước, Thượng Đức và vùng Tây Nam Quế Sơn, Tây Bắc Tam Kỳ với 117.000 dân.

Tại Lễ kỷ niệm 50 năm chiến thắng Thượng Đức, các đại biểu đã thắp hương tưởng niệm các liệt sĩ. Chương trình nghệ thuật “Thượng Đức - Bản hùng ca bất tử” đã tái hiện lại chiến công hào hùng của 50 năm về trước. Nằm trong chuỗi hoạt động này, là các hoạt động của địa phương tổ chức hội trại về nguồn; giao lưu với nhân chứng lịch sử; phát động và trao giải cuộc thi viết “Chiến thắng Thượng Đức - Ký ức hào hùng” với hơn 4.000 bài dự thi.

Lê Văn Chương

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/ky-niem-50-nam-chien-thang-thuong-duc-post479203.html