Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4): 12+50 năm chờ thay da đổi thịt

Năm 1957, chính quyền miền Nam khởi công xây dựng xa lộ Biên Hòa nối Sài Gòn với Biên Hòa. Việc xây dựng được sự hỗ trợ của Mỹ, ngoài việc lưu thông xe cộ còn dự phòng là đường băng dã chiến quân sự. Tuy nhiên, kế hoạch này bị bãi bỏ vào năm 1971 khi giữa xa lộ được xây dải ngăn cách.

Tòa nhà Tổng công ty CP Phát triển Khu công nghiệp Sonadezi ngày nay. Ảnh:Xuân Tuấn

Tòa nhà Tổng công ty CP Phát triển Khu công nghiệp Sonadezi ngày nay. Ảnh:Xuân Tuấn

Xa lộ Biên Hòa dài 31km, có 2 chiếc cầu bắc qua sông Sài Gòn và sông Đồng Nai. Xa lộ được khánh thành vào năm 1961, rộng 21m với 2 chiều đi lại, mỗi chiều có hai làn đường. Trước khi xa lộ Biên Hòa đi vào lưu thông, ở gần cầu Đồng Nai đã có nhà máy sản xuất giấy hoạt động từ năm 1959, tên là Công ty Giấy Đồng Nai (COGIDO).

Theo 2 sắc lệnh được ký năm 1963 của chính quyền miền Nam, Khu Kỹ nghệ (KKN) Biên Hòa được thành lập. Chủ đầu tư là Công ty Quốc gia khuếch trương KKN - Sonadezi (Socíeté Nationale Pour Le Développement des Zones Industrielles). Sonadezi đã đầu tư xây dựng KKN Biên Hòa trên diện tích hơn 370 hécta cạnh sông Đồng Nai và xa lộ Biên Hòa, sau này đối diện với Tổng kho Long Bình của quân đội Mỹ.

***

Sau năm 1975, KKN Biên Hòa với khoảng 90 cơ sở sản xuất đổi tên thành Khu công nghiệp (KCN) Biên Hòa 1. Số cơ sở tăng lên đến hơn 100, hàng hóa được sản xuất nhiều hơn trước nên khối lượng nước thải ra sông Đồng Nai cũng tăng cao, gây ô nhiễm nước sông, vốn là nguồn để lọc thành nước sinh hoạt cho toàn vùng.

Tổng kho Long Bình cũ nằm về một phía xa lộ, là căn cứ quân sự của Mỹ được chuyển giao cho quân đội miền Nam, sau năm 1975 được chuyển đổi thành KCN Biên Hòa 2 về phía ngã ba Vũng Tàu (khi ấy nơi đây chưa thành ngã tư), phía còn lại hình thành KCN Amata. Gần đó là KCN Loteco.

***

Hơn 30 năm sau, năm 2008, Đồng Nai đề xuất lên Chính phủ thực hiện chuyển đổi công năng của KCN Biên Hòa 1 nhằm bảo vệ môi trường nước sông Đồng Nai. Sau 1 năm, Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương chuyển đổi công năng KCN Biên Hòa 1 thành khu đô thị - thương mại - dịch vụ.

Tuy vậy mãi đến đầu năm 2021, Thủ tướng Chính phủ mới có văn bản chấp thuận đưa KCN Biên Hòa 1 ra khỏi quy hoạch phát triển các KCN Việt Nam. Sau những thủ tục về phía trung ương và địa phương, giữa năm 2024, Đồng Nai chính thức phê duyệt đề án chuyển đổi KCN Biên Hòa 1 thành Khu đô thị - thương mại - dịch vụ và cải thiện môi trường (thêm chức năng cải thiện môi trường). Đề án được tách thành 2 hồ sơ gồm: Dự án Khu vực trung tâm chính trị - hành chính của tỉnh, quy mô diện tích khoảng 44 hécta và dự án Khu đô thị dịch vụ Biên Hòa có diện tích hơn 286 hécta. Hai công trình hiện hữu được đề xuất giữ lại gồm tòa nhà Sonadezi gần ngã tư Vũng Tàu và Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3 ở ven sông Đồng Nai.

Hiện có 76 đơn vị đang thuê đất, hạ tầng còn hoạt động tại KCN Biên Hòa 1. Mới chỉ có một số ít công ty, xí nghiệp chuyển địa điểm hoạt động đến nơi mới. Theo dự kiến, việc di dời các doanh nghiệp sẽ hoàn thành trong tháng 12-2025. Chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng khi thực hiện đề án là hơn 7.000 tỷ đồng. Trên diện tích của Khu trung tâm chính trị - hành chính, trụ sở Công an tỉnh đang được xây dựng.

***

Hình ảnh thực tế và đầy đủ của Khu đô thị - thương mại - dịch vụ và cải thiện môi trường Biên Hòa thuộc về tương lai nhưng mọi người tin rằng con đường dài trong KCN Biên Hòa 1, chạy song song với đoạn xa lộ từ Bến xe Đồng Nai đến ngã tư Vũng Tàu sẽ vẫn còn lưu giữ trong ký ức của nhiều người. Một con đường khác song song với đường trên, về phía cù lao Phố và nối với cù lao bởi cầu An Hảo, cũng là kỷ niệm của dân cư khu vực này.

Con đường song hành với xa lộ Biên Hòa, tôi từng đến tập xe thời sinh viên, đường bên kia thì là nơi tôi thường xuyên đi lại trong thời gian làm báo những năm trước năm 2000. Giữa 2 con đường đó là những con đường ngang dọc trong KCN mà ở vài góc đường có tấm bảng hướng dẫn vị trí các đơn vị công nghiệp. Người lạ nhờ đó mà tìm được cơ sở mình muốn đến trong khu vực rộng lớn đường bàn cờ này.

***

Đồng Nai đã mở Cuộc thi Tuyển ý tưởng quy hoạch chuyển đổi công năng KCN Biên Hòa 1 thành Khu đô thị - thương mại. - dịch vụ tại phường An Bình, thành phố Biên Hòa, Đồng Nai. Đây là cuộc thi mang tính chất quốc tế, trị giá giải cao nhất khoảng 1 tỷ đồng. Kết quả đã chọn được các ý tưởng để trao giải nhất, nhì, ba, công bố vào cuối tháng 3-2025.

Một khu lưu niệm về 12 năm bắt đầu (trước năm 1975) và 50 năm tiếp theo của KCN Biên Hòa 1 có lẽ cần có, có thể đặt ở gần tòa nhà Sonadezi, để những thế hệ sau được nhắc nhớ và không quên lãng một nơi từng sản xuất ra biết bao hàng hóa, đóng góp vào nền kinh tế nước nhà.

***

50 năm sau 1975, Đồng Nai có thêm nhiều KCN khác trên địa bàn Biên Hòa như Biên Hòa 2, Amata, Loteco, Tam Phước… Ở các huyện, có các KCN Bàu Xéo, Giang Điền, Sông Mây ở huyện Trảng Bom; các KCN Nhơn Trạch, Ông Kèo ở huyện Nhơn Trạch; các KCN Long Thành, Công nghệ cao Long Thành, Lộc An - Bình Sơn ở huyện Long Thành; KCN Tân Phú ở huyện Tân Phú… Mới nhất vào năm 2024, KCN Bàu Cạn - Tân Hiệp được Thủ tướng chấp thuận bổ sung vào Quy hoạch tỉnh Đồng Nai với diện tích 1.000 hécta giai đoạn 1/tổng diện tích hơn 2.600 hécta. Đây sẽ là KCN lớn nhất tỉnh, thuộc địa bàn hai xã Bàu Cạn và Tân Hiệp của huyện Long Thành, cách Cảng hàng không quốc tế Long Thành chỉ khoảng 10km.

***

Là tỉnh có KCN đầu tiên, ngày nay cũng có số KCN nhiều nhất nhì cả nước, Đồng Nai có đến một triệu công nhân làm việc. Họ là người địa phương, là người từ các nơi khác đến làm việc, tạm trú hoặc định cư. Thế hệ thứ hai trong số họ đã sinh ra, lớn lên, học tập ở Đồng Nai và tương lai sẽ là công dân Đồng Nai.

***

Thời gian tới là thời công nghiệp hiện đại. Thời hiện nay đang hiện đai hóa. Các công ty, xí nghiệp, nhà máy ngày càng trang bị thêm hoặc thay thế bằng máy móc hiện đại. Có máy mới là lao động phải giảm xuống. Lý thuyết là thế. Nhưng thực tế, số công nhân ở các KCN thuộc địa bàn Đồng Nai vẫn tăng.

Với hơn 30 KCN đang hoạt động, Đồng Nai là địa bàn có khoảng 1 triệu công nhân lao động, trong đó khoảng 70% đến từ các tỉnh, thành phố trong cả nước. Ngoài mức lương tương đối ổn định, các dịp lễ, Tết, các công ty thường tổ chức nhiều sinh hoạt văn hóa thể thao đáp ứng nhu cầu tinh thần của công nhân. Công ty CP Taekwang Vina ở KCN Biên Hòa 2, có hơn 32 ngàn công nhân. Dịp Tết âm lịch 2024, công ty lì xì mỗi người lao động 200 ngàn đồng. Ngoài ra, công ty còn tổ chức quay số may mắn với gần 50 chỉ vàng 9999 tặng người lao động như niềm vui đầu năm gửi tới toàn thể anh chị em công nhân. Tính tổng số tài chính xuất ra không phải ít.

Tương lai thì khó biết ra sao. Lạc quan hay bi quan tùy người. Nhưng tất cả đều nuôi hy vọng sẽ tốt đẹp hơn hiện tại. Tôi thuộc nhóm lạc quan.

Khách quan mà nói, đời sống của công nhân không phải đã “thoải mái” như ý. Nhưng họ đi làm ca kíp 8 tiếng/ngày, có thể có tăng ca hoặc làm thêm ngày nghỉ, thì số lương nhân được cũng tạm đủ chi dụng trong gia đình. Một số kha khá có cuộc sống “ấm” hơn. Chẳng ví dụ đâu xa, trong gia đình tôi có vợ chồng người cháu gọi bằng bác, cùng làm công nhân một đơn vị sản xuất thuốc trừ sâu, sau hơn 20 năm làm việc kể từ khi thoát ly kinh tế gia đình lớn, nay đã có nhà riêng tuy phải vay nợ trả dần, con đã có đứa vào đại học sắp ra trường, lương của hai vợ chồng vào khoảng 30 triệu đồng…

Bạn bè lứa tuổi tôi từng lao động tại các công ty, nhà máy thuộc các KCN, phần lớn là KCN Biên Hòa 1, có con cháu trưởng thành, nay tiếp tục làm việc tại môi trường công nghiệp tỉnh. Gặp nhau cà phê chuyện vãn, một người bạn tôi nói vui:

- Bọn mình rồi người đời sau sẽ quên hết. Chớ cái KKN Biên Hòa, rồi KCN Biên Hòa 1, người ta sẽ còn nhớ hoài.

Tôi cười theo:

- Năm đầu của KKN Biên Hòa, bọn mình mới học trung học được 1-2 năm, nay đã hơn 60 năm qua rồi, bạn già còn gặp nhau đã là quý. Ngay xa lộ Biên Hòa ngày ấy mới rộng 21m, nay đã là 140m, một bên sẽ có đường metro xây trên cao, phô trương sức sống mới hiện đại, mạnh mẽ. Con người già rồi thì không thể trẻ lại. KKN Biên Hòa xưa cũng phải “qua đời” nhưng nó may mắn hơn là có “người” thay thế trẻ trung, hiện đại, đa dạng…

- Ừ! Vậy ráng sống mà “ngó” coi bộ dạng nó tương lai ra sao nghen!

(Trích tập ký TRONG DÒNG CHẢY ĐỒNG NAI)

Nhà văn Khôi Vũ

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/dong-nai-cuoi-tuan/202505/ky-niem-50-nam-ngay-giai-phong-mien-nam-thong-nhat-dat-nuoc-30-4-1250-nam-cho-thay-da-doi-thit-b0f0989/