Kỷ niệm làm báo ở quần đảo Trường Sa

Đối với mỗi người con của Tổ quốc Việt Nam, chắc hẳn ai cũng mong muốn được một lần đặt chân đến Trường Sa. Đối với tôi, ước mơ trở thành hiện thực khi được tham gia cùng Đoàn công tác Vùng 4 Hải quân đến Trường Sa vào dịp Tết Giáp Thìn năm 2024. Hình ảnh lá cờ đỏ sao vàng tung bay tại các đảo, điểm đảo khi đến với Trường Sa, luôn hiện hữu trong trái tim tôi.

Đoàn công tác chào tạm biệt những chiến sĩ làm nhiệm vụ tại quần đảo Trường Sa.

Đoàn công tác chào tạm biệt những chiến sĩ làm nhiệm vụ tại quần đảo Trường Sa.

Cách đây hơn 6 tháng, ngày 3/1/2024, tại Quân cảng Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa, cùng với cán bộ, chiến sĩ trên 4 kíp tàu ra đảo làm nhiệm vụ, Đoàn công tác còn có gần 100 cán bộ, phóng viên các cơ quan thông tấn, báo chí, cùng các hội viên hội nghệ sĩ nhiếp ảnh trên toàn quốc. Các nhà báo đều rất háo hức, hồi hộp, lần đầu tiên được đến với quần đảo Trường Sa.

Sau 3 hồi còi chào đất liền, 4 kíp tàu lần lượt rẽ sóng ra khơi, phóng viên Báo Sơn La có mặt trên tàu 561 - tàu quân y hiện đại nhất khu vực Đông Nam Á, hướng đến các đảo, điểm đảo phía nam của quần đảo Trường Sa. Đại tá Lê Đình Hải, Phó Lữ đoàn Trưởng Lữ đoàn 146, Vùng 4 Hải quân, Trưởng đoàn công tác trao đổi với chúng tôi: Hải trình của chúng ta sẽ gần 1.000 hải lý tính từ Cam Ranh đến các điểm đảo và quay về trong 20 ngày. Đây là thời điểm mùa gió chướng, sóng biển rất to, tàu rung lắc mạnh. Vì thế đối với những đồng chí lần đầu tiên đi biển phải chú ý ăn uống đảm bảo sức khỏe.

Ngày đêm đầu tiên trên biển, thời tiết không ủng hộ, những cơn giông trên biển diễn ra liên tục, sóng biển có đợt cao từ 9-12m. Con tàu đầy tải với lượng giãn nước 2.050 tấn của chúng tôi chao đảo, có lúc thân tàu nghiêng tới 40 độ. Nhiều phóng viên say sóng không rời phòng được, cán bộ, chiến sĩ và quân y trên tàu gõ cửa từng phòng, cung cấp nước uống cùng một số loại đồ ăn khô, giúp những người say sóng giữ sức.

Hơn 36 giờ đồng hồ vượt sóng dữ, chúng tôi có mặt tại đảo Trường Sa - đảo có diện tích tự nhiên lớn nhất trong các điểm đảo Hải quân Việt Nam đang đóng quân, với 36,5ha và được coi là “Thủ đô” của quần đảo Trường Sa. Đây là đảo duy nhất ở Trường Sa, tàu lớn có thể cập cảng, thuận lợi cho cán bộ, chiến sĩ và đoàn công tác di chuyển từ tàu vào đảo. Ba ngày trên đảo đối với những người lần đầu đi biển như chúng tôi là khoảng thời gian quý giá để nghỉ ngơi, tác nghiệp. Các nhà báo tranh thủ tối đa thời gian để khai thác thông tin, trò chuyện với cán bộ, chiến sĩ, ghi hình, chụp ảnh để phục vụ các bài viết.

Phóng viên Báo Sơn La trao đổi với các chiến sĩ trên đảo Trường Sa về sinh hoạt, nhiệm vụ huấn luyện hằng ngày.

Phóng viên Báo Sơn La trao đổi với các chiến sĩ trên đảo Trường Sa về sinh hoạt, nhiệm vụ huấn luyện hằng ngày.

Buổi sáng đầu tiên trên đảo, các phóng viên tích cực tác nghiệp, quên thời gian, mãi hơn 12 giờ trưa, khi các chiến sĩ thông báo đến giờ ăn cơm trưa, nhiều phóng viên vẫn say sưa làm việc. Trung tá Trần Quang Phú, Chỉ huy Trưởng đảo Trường Sa, chia sẻ: Thời gian trong quân ngũ, tôi đã nhận nhiệm vụ ở nhiều điểm đóng quân tại Trường Sa và tiếp nhiều đoàn nhà báo, tôi nhận thấy các phóng viên ai cũng nhiệt tình, tâm huyết. Với chúng tôi, các đồng chí chính là cầu nối mang hơi ấm của Tổ quốc đến đảo xa và mang Trường Sa đến gần đất liền hơn.

Ở trên các đảo thuộc quần đảo Trường Sa, không có sóng 4G hay internet, bởi vậy, sau giờ làm việc, các nhà báo cùng các chiến sĩ lại quây quần quanh cột mốc chủ quyền trên các đảo hoặc chọn một góc ghế đá nào đó để tâm sự. Trong đoàn nhà báo có người đã 2-3 lần đến Trường Sa, vì vậy, những chia sẻ đều xoay quanh những lần tác nghiệp trên đảo. Lắng nghe câu chuyện của các đồng nghiệp, chúng tôi có thêm kinh nghiệm trong tác nghiệp để có những hình ảnh đẹp nhất, thông tin đầy đủ nhất và sử dụng quỹ thời gian trên đảo hiệu quả nhất phục vụ việc sáng tạo những tác phẩm báo chí.

Việc di chuyển vào các đảo nằm trên thềm san hô ngập nước rất khó khăn, bởi tàu lớn không thể tiếp cận được. Do vậy, từ tàu lớn vào đảo phải “tăng bo” bằng xuồng, chỉ chở được 10-15 người/lượt. Trong lần vào đảo Đá Tây B đúng lúc cơn giông biển ập tới với sóng to, gió lớn, chiếc xuồng của chúng tôi ở giữa biển mênh mông, dập dềnh theo từng con sóng cao. Thiếu tá Lê Văn Khánh vừa lái xuồng vừa động viên chúng tôi rằng, anh đang lựa sóng để đi kết hợp với tàu lớn che gió, chắn sóng, vào đến thềm san hô, sóng biển đánh không còn mạnh, nên có thể yên tâm.

Khi gần đảo, hiện lên trước mắt tôi là những ngôi nhà được lực lượng Công binh Hải quân xây dựng trên thềm san hô ngập nước. Mỗi đảo có từ 2-3 ngôi nhà được kết nối với nhau bằng những cây cầu bê tông. 4 mặt của ngôi nhà đều quay về hướng biển, quanh năm đối mặt với nắng, gió và những cơn bão nhiệt đới mạnh, có khi sóng biển cao bằng ngôi nhà 3 tầng. Mọi điều kiện sinh hoạt của những người lính đều trong không gian của các ngôi nhà. Khi thủy triều rút xuống, bộ đội có thể đi trên bãi san hô thu, lượm hải sản, đó cũng là khoảng thời gian các anh coi là thư giãn nhất trong ngày. Nhà báo Hoàng Lê, Báo Điện tử VOV, chia sẻ: Đến các đảo ngập nước, cảm nhận nhiều hơn về nghị lực, tinh thần quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển đảo của những người lính Hải quân.

Cán bộ, chiến sĩ trên đảo Trường Sa đón đọc các ấn phẩm của Báo Sơn La.

Cán bộ, chiến sĩ trên đảo Trường Sa đón đọc các ấn phẩm của Báo Sơn La.

Mỗi lần đến thăm cán bộ, chiến sĩ trên các đảo ngập nước, nhiều nhất là 2 giờ đồng hồ để tác nghiệp. Mỗi điểm đến, đều để lại cho tôi rất nhiều cảm xúc và khâm phục sự can trường trước sóng, gió, khó khăn, thiếu thốn của những người lính. Những cảm nhận trong suốt chuyến công tác ở Trường Sa về những người lính Hải quân, những người dân trên đảo và những ngư dân... đã được tôi thể hiện trong các tác phẩm báo chí của mình, xuyên suốt là tinh thần, trách nhiệm của người lính Hải quân, nhân dân trên các đảo với Tổ quốc Việt Nam thân yêu.

Được đến với Trường Sa - nơi đầu sóng ngọn gió của Tổ quốc, luôn là kỷ niệm đẹp trong sự nghiệp làm báo của bản thân tôi. Thay lời kết, xin mượn lời của Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng: “Những ai đến Trường Sa về sẽ yêu Tổ quốc hơn rất nhiều”. Chúng tôi tin tưởng, với sự quan tâm cùng những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước cùng tình yêu của nhân dân hướng về biển đảo. Quần đảo Trường Sa sẽ ngày càng đổi mới, luôn là bức tường thành vững chắc nơi tiền tiêu của Tổ quốc.

Khải Hoàn

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/xa-hoi/ky-niem-lam-bao-o-quan-dao-truong-sa-QhaIlw8Ig.html